Áp lực mới từ những điều chỉnh

Nhằm triển khai nghị quyết mới đây của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vấn đề đặt ra là, những điều chỉnh sẽ được triển khai như thế nào, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến năm học mới?
0:00 / 0:00
0:00
Vấn đề đổi mới giáo dục luôn thu hút sự chú ý của truyền thông và xã hội. Ảnh: TTGD
Vấn đề đổi mới giáo dục luôn thu hút sự chú ý của truyền thông và xã hội. Ảnh: TTGD

THEO Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh. Với tinh thần ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh việc dạy và học môn Lịch sử, bảo đảm môn học này vừa có phần bắt buộc với tất cả học sinh trung học phổ thông và vẫn có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về lịch sử.

Như vậy, có thể hiểu Kế hoạch lần này được Bộ ban hành để tổ chức việc điều chỉnh phần bắt buộc, việc thực hiện phần lựa chọn vẫn theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh cụ thể thì vẫn đang tiếp tục được bàn thảo, trong khi yêu cầu đặt ra là áp dụng ngay từ năm học 2022-2023 này. Với quỹ thời gian còn rất ít để chuẩn bị, trong khi còn rất nhiều phần việc cần được triển khai để bảo đảm chất lượng chương trình, tạo nên những băn khoăn và áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên.

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, chương trình mới cần điều chỉnh theo hướng ưu tiên trọng tâm là phần lịch sử dân tộc, bởi đây là nội dung góp phần giáo dục truyền thống và hình thành nhân cách cho học sinh. Ở góc độ người trực tiếp giảng dạy, cô giáo Bùi Thị Huế, Tổ trưởng Sử-Địa-Công dân, Trường THPT Tôn Thất Tùng (TP Đà Nẵng) nêu ý kiến: "Nếu cắt phần nào thì cắt luôn vào chủ đề sẽ rất dễ cho giáo viên trong quá trình dạy. Song nếu lại cắt theo yêu cầu cần đạt trong từng chủ đề thì giáo viên khó để hoàn thành".

KHÔNG chỉ riêng vấn đề môn Lịch sử, còn có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh môn này sẽ ảnh hưởng tới tổ hợp các môn lựa chọn. Vậy, tổ hợp các môn sau khi điều chỉnh được bố trí như thế nào và các cơ sở đào tạo nên triển khai ra sao? Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo yêu cầu của Nghị quyết 63, Bộ đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện nay. Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết thêm, với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp trung học phổ thông đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử).

Trở lại với vấn đề dư luận đang rất quan tâm là "thời gian một tháng" để điều chỉnh chương trình môn Lịch sử, trong khi còn rất nhiều công việc cần được triển khai liên quan các quy trình, thủ tục hành chính và công tác tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến tới giáo viên-liệu có quá ngắn và ảnh hưởng tới chất lượng và kế hoạch không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích, chỉ sau khi Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63 thì Bộ mới ban hành được Kế hoạch điều chỉnh chương trình. "Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như Kế hoạch đã ban hành", ông Thành khẳng định.

Đành rằng đó là cách xử lý tình huống, nhưng điều xã hội phấp phỏng là gần cả thập niên qua, kể từ khi thực hiện chủ trương "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", đã không ít lần ngành giáo dục "xử lý tình huống" như thế. Trong khi, giáo dục là lĩnh vực cần có sự triển khai bài bản và thận trọng.

Để kịp thời triển khai trong năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.