Nhạc sĩ Đỗ Bảo:

Âm nhạc như con đường tu dưỡng chính mình

Trên hành trình 30 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã trải qua rất nhiều "vai", từ nhà sản xuất đến nhạc sĩ sáng tác, từ âm nhạc giàu tính thể nghiệm đến những bản tình ca... Live concert Một mình bao la như sự tổng kết lại chặng đường ấy, vừa diễn ra thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những cảm xúc mới mẻ ở "thành phố không ngủ" được anh chia sẻ cùng chúng tôi giữa bao bận rộn của việc chuẩn bị cho đêm diễn tiếp theo tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Đỗ Bảo trong đêm diễn Một mình bao la tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: The BROS
Nhạc sĩ Đỗ Bảo trong đêm diễn Một mình bao la tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: The BROS

Mong muốn được mang âm nhạc đi xa hơn

- Được biết, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với anh nên lần đầu đưa liveshow tới đây, tôi đoán là cảm xúc trong anh có nhiều vẻ?

- Tôi thấy vô vàn hạnh phúc, cảm thấy biết ơn âm nhạc, bạn bè và không biết nói gì hơn nữa.

Chừng 6, 7 tuổi, khi ở phố Hàng Bông với bố, tôi đã biết ngóng vào nam khi mẹ cùng anh và em mình đều ở trong ấy. Thật sự là ngóng vào nam, bởi tôi rất nhớ mọi người. Sau này tôi có viết về hình ảnh đoàn tàu trong Thành phố không ngủ hay ở các bài hát khác, tất cả đều là đoàn tàu nam-bắc. Khi theo âm nhạc, tôi luôn nghĩ rằng một lúc nào đó mình sẽ đi tour qua nhiều thành phố để mọi người có thể biết về âm nhạc của mình cụ thể và sâu hơn nữa.

- Nhưng anh đã lường trước khó khăn khi mang "Một mình bao la" vào đây?

- Có thời điểm, tôi ra vào Thành phố Hồ Chí Minh liên tục mỗi tháng. Tôi đã luôn tự hỏi: tại sao khán giả ở đây từng sẵn sàng đón nhận và yêu thích sáng tác của một số nhạc sĩ miền bắc, miền trung, mà nay, giữa những năm tháng của thời buổi thông tin này, điều đó có vẻ khó hơn. Thị trường biểu diễn và thị hiếu âm nhạc ở thành phố này trong nhiều năm gần đây được xem là một thị trường rất khó làm show. Vậy nên tôi rất hạnh phúc vì đêm diễn đã kết thúc vào nửa đêm nhưng phần lớn khán giả vẫn ở lại, vui với chương trình.

Tôi hiểu ra là, ngày nay, khán giả dù có ở đâu thì cũng phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Tôi tin, có những khán giả cực kỳ yêu thương cũng như trân trọng những gì mà bản thân tôi hoặc những người như tôi làm, nhưng tôi không thể chắc rằng số lượng những khán giả như vậy đông đảo. Dù gì, đây cũng là thị hiếu, có thể so sánh nó như khẩu vị. Nhóm này thích món kiểu này thì sẽ không ưa thưởng món của một nhóm khác.

Bản thân tôi cũng là người có một thị hiếu hay khẩu vị riêng, không thể nào cố để yêu thích điều gì đó mà không đúng "gu" của mình. Ngược lại, nếu đúng gu, tôi lại bất chấp để gắn bó với nó. Tôi cảm ơn Thành phố Hồ Chí Minh vì đã cho tôi thấy mình có thể đi xa hơn, để gặp những người trân trọng và yêu quý âm nhạc của mình.

- Mỗi nhạc sĩ đều có một quan điểm làm nghề rõ ràng từ khi khởi hành sự nghiệp. Nhưng trên hành trình rộng dài ấy giữa biến động của thị hiếu xã hội, để đi xa hơn và gặp nhiều người hơn, cũng có khi cần phải điều chỉnh quan điểm cho phù hợp, thưa anh?

- Xét theo thói quen và thực tế của đời sống hiện nay, tôi sẽ có những ái ngại lớn. Nhưng ngược lại, tôi hiểu bản chất âm nhạc của mình. Điều này vỗ về và cho tôi thêm tự tin để gạt đi hết tất cả ái ngại. Thật sự tôi theo âm nhạc, trước hết, như một con đường tu dưỡng chính mình. Tôi mong được viết và cũng chỉ viết những gì mà bản thân tin là đời sống sẽ cần hay sẽ tốt hơn khi mà có nó, dẫu là đôi chút. Nếu như những gì tôi viết đã là đủ tốt, thì tôi chỉ cần chọn đúng thời điểm cũng như nơi chốn để mời mọi người cân nhắc nhận nó hoặc không. Đây là suy nghĩ logic nhưng rõ ràng có vẻ đầy mộng mơ trong thời buổi hiện nay.

Tôi không viết nhạc cốt chỉ để bản thân trở thành một ngôi sao giữa đám đông, trên truyền thông, giàu có hay đẹp đẽ. Tôi không thấy mình bị hấp dẫn theo con đường đó. Tôi thích tác phẩm đến được với nhiều người và lan tỏa rộng hơn, tất nhiên, nhưng thích hơn cả nếu ai đó được vỗ về, an ủi hoặc phấn chấn, nếu ai đó thấy các ý niệm cuộc sống ngập tràn khi nghe âm nhạc của tôi… Đó là khi tôi thấy hạnh phúc trọn vẹn.

Liveshow là thời khắc tổng kết một chặng đường

- Tại live concert, khán giả cũng được thưởng thức những ca khúc mới, như "Mắt ngày thăm thẳm", "Nhớ chiếc hồn trong", mang phong cách âm nhạc tương đối khác lạ. Từ âm nhạc cá tính, thể nghiệm ở "Nhật thực", "Những ô màu khối lập phương"… sang phần nhiều lãng mạn ở serie "Cánh cung", giờ đây là những bài mới chất chứa âm thanh của âm nhạc miền bắc những năm cuối thế kỷ trước. Vì sao vậy, thưa anh?

- Tôi không còn thích thể hiện xem mình mới hay đi trước ai. 30 năm làm việc, tôi nghĩ giới chuyên môn âm nhạc có thể hiểu các sáng tác hay đường nét âm nhạc từ tư duy của tôi. Tôi ưa đề cao cảm xúc và tính hình tượng trong âm nhạc.

Chẳng hạn khi viết Đỉnh núi lãng quên, với ý tưởng đó thì tôi không muốn viết nó dưới dạng hình thức "xinh xắn" quen thuộc, đơn giản vì dạng thức ấy không tả được cái không gian tôi muốn khắc họa, không gian cái đỉnh quên lãng trăm bề gió hú đó.

Tôi thích viết về sự cảm ngộ bao dung của một tình yêu đã lớn như ở Mắt ngày thăm thẳm, hay về "chiếc hồn trong" của mỗi một người trong Nhớ chiếc hồn trong. Nhưng với những sáng tác như thế, việc "gói" những nội dung cần chuyển tải trong một hình thức tân kỳ là không phù hợp.

- Nhân đây, anh có thể chia sẻ thêm về nền tảng cho sự vận động trong giai đoạn sáng tác mới của anh?

- Có lẽ đó là sự củng cố và phát triển về mặt tư duy, đặc biệt là các quan điểm nhân sinh trong bản thân mình. Bởi do lứa tuổi và kinh nghiệm, tôi thấy mình như đang chọn hướng đến những mục đích đích thực hơn của âm nhạc, theo quan niệm và niềm tin của mình.

Với tôi, âm nhạc không phải là một trò chơi giải trí trên máy tính hay trên sân khấu. Chưa bao giờ là như thế. Nó thật sự hơn thế, có thể là những rung động đủ để chuyển hóa tinh thần con người hay thậm chí đời người, số phận mỗi chúng ta.

Tôi nghĩ mình hiện đại, chưa từng là kiểu người hoài cổ hay bảo thủ. Tôi yêu một "không gian tinh thần" để sống, để làm âm nhạc hay để yêu thương ai đó, làm sao để mình cảm thấy được sự phóng khoáng và tự do nhất. Tôi tạm gọi đó là một hòn đảo.

Âm nhạc là âm thanh, vô hình nhưng nó đều là những rung động, nó cho tôi thấy nhiều khả năng để chu du trong miền cảm xúc. Đôi khi tôi thấy mình thật sự được đi rất xa, những chuyến đi vô giá.

- Xét cho đến cùng, điều mấu chốt trong sáng tạo âm nhạc của riêng anh có thể là gì?

- Trong mảng ca khúc, tôi có thể viết theo bất cứ "phong cách thời trang" hay xu hướng nào. Ngay cả những gì tôi chưa thành thạo thì cũng chỉ cần có một ít ngày để thành thạo thôi. Vấn đề là điều đó có rất ít ý nghĩa đối với tôi.

Âm nhạc thật ra cần phải có hồn trước khi có được bộ vỏ phù hợp. Nếu định sinh ra tác phẩm như một người máy sinh động, hoặc một thực thể phập phồng cảm xúc thì hình thức đi theo cần phải phù hợp, miễn sao cuối cùng tác phẩm thật sự là một chỉnh thể không thể chia tách.

- Xin cảm ơn anh và chúc show diễn "Một mình bao la" tại Hà Nội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp!