Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh:

Âm nhạc không chỉ thỏa mãn đam mê

Sinh ra trong một gia đình truyền thống nghệ thuật, bố là NSƯT Lưu Quang Minh và anh trai là nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, nghệ sĩ piano lứa tuổi 9x Lưu Đức Anh sang Bỉ du học và tự tìm hướng đi riêng cho mình. Gần đây, Đức Anh có nhiều hoạt động âm nhạc hướng về Việt Nam, với mong muốn góp một phần thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc giao hưởng thính phòng nước nhà.

Âm nhạc không chỉ thỏa mãn đam mê

Tạo cây cầu kết nối trong nghệ thuật

- Được biết anh là một trong những người sáng lập ra Maestoso... Ý tưởng của dự án này là gì?

- Maestoso được lập ra với mong muốn góp một phần vào sự phát triển âm nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp cho những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và nước ngoài. Đây là ý tưởng của bốn thành viên gồm tôi, Lưu Đức Anh, nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn, nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh và giám đốc điều hành Dương Vũ Minh, cả bốn đều du học nước ngoài, có cơ hội được tiếp thu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới. Không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn đam mê âm nhạc của bản thân, chúng tôi vẫn mong muốn có thể đưa những kiến thức quý giá đó về với quê hương, truyền lại cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ.

- Anh và nhóm của anh sẽ bắt đầu dự án này như thế nào?

- Hiện tại chúng tôi đang ráo riết trong khâu chuẩn bị những chương trình đầu tiên và lên kế hoạch cho những năm tới. Chúng tôi sẽ có hai chương trình ra mắt trong ngay tháng 12 này. Trong năm 2018 dự định sẽ có bốn buổi biểu diễn với quy mô từ trung đến lớn. Còn rất nhiều thứ phải làm nhưng chúng tôi tin là mình vẫn đang đi đúng đường. Maestoso đặt chất lượng nghệ thuật cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp làm tiêu chí hàng đầu trong những hoạt động của nhóm. Ngoài những buổi hòa nhạc, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc khác như tọa đàm về chủ đề âm nhạc, giải đáp tư vấn những thắc mắc trong âm nhạc cổ điển, những buổi giao lưu, masterclass với các nghệ sĩ uy tín của Việt Nam và thế giới. Tuy hướng đến sự đa dạng trong các hoạt động nhưng chúng tôi sẽ vẫn giữ nguyên những giá trị nguyên bản cao quý của âm nhạc giao hưởng thính phòng, không để khán giả nhầm lẫn giữa các thể loại âm nhạc với nhau, điều mà hiện tại ở Việt Nam đang rất phổ biến.

- Anh có tin vào sự lan tỏa của Maestoso ở Việt Nam khi đời sống âm nhạc bác học ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn?

- Âm nhạc giao hưởng thính phòng dù ở quốc gia nào cũng luôn ít khán giả hơn những thể loại âm nhạc khác, nhưng đó là bộ phận khán giả quan trọng nhất và sự nhiều ít của bộ phận đó đồng thời thể hiện dân trí và sự phát triển của mỗi quốc gia. Chúng tôi luôn tin Maestoso là hướng đi đúng đắn nhất trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ tài năng và yêu nghề nhưng không có cơ hội được biểu diễn âm nhạc giao hưởng thính phòng một cách xứng đáng, nhiều người bỏ dở giữa chừng, hoặc chuyển ngành khác. Trong những năm gần đây, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những bước cải thiện rõ rệt. Nhưng để phát triển, tôi nghĩ là cần nhiều người tài năng hơn nữa và Maestoso sẽ là cầu nối kết nối họ lại với nhau để cùng góp phần phát triển nền âm nhạc Việt Nam.

Tôi thấy mình đúng hướng

- Sau nhiều năm du học ở nước ngoài, điều gì thôi thúc anh trở về?

- Tôi đã đi du học nhiều năm, những năm đầu mình cũng có suy nghĩ muốn ở lại nước ngoài để tiếp tục được hoạt động âm nhạc trong môi trường hoàn hảo nhất. Nhưng những năm gần đây, tôi nhận thấy mình không thể dừng lại ở đó, tôi nhận thấy tôi có may mắn và lợi thế hơn nhiều người, tôi thấy mình cần phải làm thêm những việc mà những người kém may mắn hơn tôi không có điều kiện để làm, đó là mang những kiến thức học được về góp một phần vào sự phát triển văn hóa của Việt Nam. Tôi cũng thấy may mắn khi tìm được những người đồng nghiệp có cùng lý tưởng ở Maestoso. Tôi sẽ cố gắng duy trì song song các hoạt động biểu diễn ở nước ngoài cũng như Việt Nam.

- Hai năm nay, Đức Anh đều có những buổi diễn nhạc cổ điển ở Việt Nam. Ngày 16-12 tới sẽ là đêm hòa nhạc tưởng nhớ 120 năm ngày mất của Brahms. Các nghệ sĩ thường chọn chơi những bản nhạc nổi tiếng của nhiều nhạc sĩ, còn Đức Anh lại chỉ chơi nhạc của một nhạc sĩ. Liệu điều đó có làm khó người nghe khi thẩm mỹ âm nhạc của người Việt còn nhiều hạn chế?

- Việc chơi chỉ một tác giả trong một đêm diễn cũng là lựa chọn khá đắn đo, nhưng tôi tin nó cũng sẽ mang lại kết quả tích cực. Khán giả Việt Nam chưa có nhiều kiến thức về âm nhạc giao hưởng thính phòng, mà các tác phẩm cổ điển thì tên thường khá phức tạp, rất dễ lẫn lộn, việc chơi tập trung vào một nhạc sĩ sẽ giúp họ có ấn tượng sâu hơn về nhạc sĩ đó cũng như những tác phẩm mà tác giả đó sáng tác. Tôi không nghĩ thẩm mỹ cao hay thấp sẽ ảnh hưởng gì đến việc này bởi điều kỳ diệu của âm nhạc cổ điển là kể cả khi người nghe không hiểu, chưa nghe bao giờ nhưng nếu mình chơi với chất lượng cao, họ sẽ cảm thấy có một điều gì đó đặc biệt, có thể họ chưa thật sự hiểu nó hay ở đâu (điều này phải đến dần dần qua rất nhiều năm tháng nghe nhạc và tìm hiểu), nhưng sẽ luôn công nhận là đây là loại hình âm nhạc thật sự vĩ đại.

- Được biết, toàn bộ số vé bán ra sẽ ủng hộ học sinh, sinh viên khiếm thị của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Thực tế, để có một đêm diễn giao hưởng thính phòng ở Việt Nam rất khó khăn, cả về nguồn tài trợ. Với chương trình này thì sao?

- Ở Việt Nam hay nước ngoài thì mỗi đêm nhạc giao hưởng thính phòng thường rất đắt đỏ, ở nước ngoài thậm chí còn đắt hơn rất nhiều lần nếu như có nghệ sĩ hàng đầu thế giới tham gia. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, nhà nước giúp đỡ đầu tư tổ chức biểu diễn, lương các nghệ sĩ trong dàn nhạc là khá cao, cát-sê của các nghệ sĩ solo tên tuổi cũng rất cao. Tôi cũng đã từng biểu diễn ở những vùng ngoại thành, trong các nhà thờ hay những phòng hòa nhạc nhỏ, dù không có nhiều khán giả nhưng họ vẫn đầu tư đàn tốt, sân khấu âm thanh chất lượng cao, lo cho nghệ sĩ tất cả từ khâu đi lại đến ăn ở cùng với cát-sê cao. Ở Việt Nam, hiện nhiều chương trình chủ yếu vẫn là các công ty, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài tài trợ. Năm nay chương trình của tôi được Thai Airways tài trợ và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giúp đỡ trong khâu tổ chức. Tôi hy vọng, sẽ có ngày càng nhiều người nhận ra tầm quan trọng của nhạc giao hưởng thính phòng và quan tâm đầu tư, giúp đỡ cho những chương trình của tôi hay của Maestoso trong tương lai.

Âm nhạc không chỉ thỏa mãn đam mê ảnh 1

Hướng đến sự đa dạng trong các hoạt động nhưng Maestoso sẽ vẫn giữ nguyên những giá trị nguyên bản của âm nhạc giao hưởng thính phòng. Ảnh: ĐĂNG KHOA

- Anh từng chia sẻ:“Tôi thích được gọi musicsian hơn là piannits, tôi thuộc về âm nhạc chứ không phải chỉ là cây đàn piano nữa”. Đến lúc này, anh đã đi tới đâu trong hành trình của mình?

- Tôi nhận ra piano chỉ là một phương tiện đi trên cây cầu ra với thế giới của văn hóa nghệ thuật. Đó là một thế giới rộng lớn được tạo nên bởi chỉ những gì tinh túy nhất mà các vĩ nhân đã để lại. Nhiệm vụ của nghệ sĩ chúng tôi là tới thế giới đó và đem những tinh hoa về góp phần phát triển thế giới hiện tại, bỏ đi những cái xấu và tôn vinh cái tốt đẹp. Tôi đã được tiếp thu những tinh hoa, nhưng nghệ thuật thật sự quá bao la, càng đi sâu vào, chúng ta càng thấy nó lớn rộng ra. Dù sao tôi cũng rất vui và tự hào vì mình đang đi đúng hướng và hoàn toàn không hối hận về những lựa chọn của mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.