Xu hướng đầu tư cho giáo dục

Mùa khai giảng năm học 2016 đã chứng kiến thêm sự ra mắt của nhiều ngôi trường mới - sự đầu tư mới xã hội hóa giáo dục.

Toàn cảnh Lễ khai giảng trường TH school.
Toàn cảnh Lễ khai giảng trường TH school.

Hiện tượng TH School và Vinser

Với một mầu hồng chủ đạo từ sân trường đến lớp học, đồng phục học sinh, TH school ra mắt ngày khai giảng 5-9 đầy ấn tượng tại Chùa Bộc, Hà Nội, một trong những vị trí đông dân, đắc địa của giáo dục Thủ đô, nơi mà trước đây chỉ biết đến các trường công lập khá nổi tiếng như Kim Liên, Đống Đa, Khương Thượng... Điều đặc biệt của ngôi trường này đó là sự đầu tư của Tập đoàn TH Truemilk - thương hiệu nổi tiếng về sữa tươi nay đã “lấn” sang xây dựng trường học mở rộng mô hình giáo dục liên cấp như một số tập đoàn nổi tiếng khác đã làm là Vingroup với hệ thống Vinschool và hệ thống trường của FPT. Thị trường giáo dục đã xuất hiện thêm những thương hiệu lớn cho thấy đầu tư vào ngành đào tạo đang có xu hướng gia tăng.

Tại các khu đô thị mới không khó để điểm danh các trường tư thục nổi tiếng tiếp tục khai trương các cơ sở mới của mình để “phủ” đều sự hiện diện của mình như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Marie Curie... Rồi sự phát triển lớn mạnh của hệ thống Vinschools tại khu đô thị Timescity đã tạo nên hiệu ứng Vinser (các học sinh Vinschool) từ khu đô thị này. Một môi trường học tập đẹp, tiện nghi, đổi mới hình thức giáo dục, dịch vụ tối ưu là những điểm cốt lõi của hệ thống Vinschool để thu hút không chỉ con cái của các cư dân khu đô thị của họ mà còn cả học sinh ở nơi khác đến. Chỉ tính riêng năm học này, Vinschool đã tuyển sinh 30 lớp một, với 35 học sinh/1 lớp, cao gấp nhiều lần so với các trường công lập vốn chỉ đánh số lớp từ A, B, C đến G, H là cao nhất, tức là khoảng sáu, bảy lớp. Điều này cũng khiến quy mô trường Vinschool trở thành trường phổ thông cơ sở đông học sinh nhất cả nước cho đến nay với hơn một nghìn cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy.

Được biết, chi phí cho một học sinh học tại Vinschool trung bình gần tám triệu đồng/tháng bao gồm ăn trưa, bán trú và ô-tô đưa đón. Đây cũng là mức học phí tương đương với các trường tư thục có tiếng khác trên địa bàn Hà Nội. Có thể nói nếu so với mức thu nhập của một công chức thì chi phí này là quá lớn, chiếm gần hết tổng thu nhập từ lương đối với một công chức ở độ tuổi có con đi học bậc phổ thông. Song với số học sinh được khối các trường tư thục dạng này tuyển sinh đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và thậm chí còn phải xét tuyển cho thấy nhu cầu cũng như tiêu dùng xã hội cho giáo dục đã gia tăng rất nhiều lần.

Xu hướng đầu tư cho giáo dục ảnh 1

Thầy Horace Vernall - Tổng hiệu trưởng nhà trường phát biểu ý kiến.

Thay đổi về quan niệm giáo dục: động lực đầu tư

Có thể nói, các nhà đầu tư giáo dục đã nhìn thấy tiềm năng một thị trường dân số ở độ tuổi đi học lớn, nhu cầu trường lớp ở các khu đô thị mới rất cao để đáp ứng đầy đủ các tiện ích dịch vụ của sản phẩm bất động sản, cũng như việc tạo ra một môi trường sử dụng lao động lớn. Có ý kiến cho rằng, hiện bất động sản của Vingroup đang bán chạy hơn với sự phát triển của hệ thống trường Vinschool. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tỷ suất lợi nhuận từ giáo dục có cao hơn so với việc bán căn hộ của tập đoàn này. Với một hệ thống như Vinschool tạo ra hàng nghìn việc làm từ việc sản xuất suất ăn cho học sinh, hệ thống xe đưa đón, đội ngũ thiết kế, may mặc đồng phục... Giáo viên dạy giỏi hiện nay cũng có cơ hội việc làm với đồng lương tốt hơn so với làm trường công và phải đi dạy thêm. Xét về khía cạnh xã hội việc dạy thêm, học thêm đã làm cho việc học tập của học sinh ở trường công vất vả hơn, bố mẹ tốn kém chi phí (nhiều khi là bằng chi phí cho con học trường tư thục) và thời gian cũng như cơ hội làm công việc khác vì ngày ba bữa lo đưa đón con đi học.

Lý giải ở một khía cạnh khác về xu hướng đầu tư xây trường học mới có thể thấy nhu cầu mô hình trường tư thục tiên tiến hiện nay còn nhiều dư địa. Sự thay đổi quan niệm về giáo dục truyền thống cũng có nhiều tác động, các phụ huynh học sinh đã sẵn sàng tiếp nhận phương pháp giáo dục mới, giảm tải áp lực học tập hàn lâm, chú trọng thể chất và phát triển các kỹ năng, nghĩa là các gia đình cũng đã sẵn sàng cho con tham gia học tập các trường “đổi mới” và đồng nghĩa với việc chi tiêu học tập ở mức giá đắt đỏ hơn. Tất nhiên nhóm đối tượng có thể chi trả mức học phí này vẫn còn ít so với mặt bằng chung, song nó cho thấy xu thế chuyển dịch và sự phát triển đi lên của thị trường giáo dục. Thực tế này còn được thể hiện trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua, các sinh viên đã thực tế hơn trong việc chọn ngành nghề mình yêu thích cũng như có khả năng tìm kiếm công việc cao hơn so với việc trước đây học chỉ để lấy mác bằng đại học. Sự tốn kém thời gian, tiền bạc và cơ hội của các em học sinh rõ ràng là được cải thiện với xu thế phát triển xã hội hóa của giáo dục.

Đầu tư vào giáo dục là mạo hiểm

Có ý kiến cho rằng, đầu tư giáo dục cũng khá là mạo hiểm vì mang tính đặc thù, không phải ai cũng có thể làm và làm được thành công. Như ông Martin Skelton một nhà giáo dục có tiếng trên thế giới sở hữu hàng trăm trường học ở nhiều quốc gia và là đối tác trong dự án xây dựng TH school của doanh nhân Thái Hương đã phát biểu: “Đầu tư xây dựng trường học là một hành động dũng cảm, là một hành động trách nhiệm vô cùng lớn lao. Bởi vì chúng ta không thể cho phép dự án không thành công như đối với một hoạt động kinh tế, mà hơn thế nữa, không cho phép khiến các gia đình, trẻ em, học sinh thất vọng: những người đã đặt niềm tin vào chúng ta”.

Song đó cũng là một cách lý giải “lý tưởng” cho bài toán phải tính toán sao cho hiệu quả không chỉ về mặt trách nhiệm xã hội mà còn là bài toán kinh tế để có thể duy trì và phát triển hệ thống một cách bền vững, thực hiện được sứ mệnh cũng như cam kết lâu dài của nó. Còn đối với kỳ vọng của người dân, đó là được tiếp cận môi trường giáo dục văn minh, hiện đại, chất lượng giáo dục tốt với mức chi phí hợp lý trong tổng thu nhập của một người dân. Như chuẩn của các nước phát triển mức chi phí cho con cái đi học chỉ ở trong khoảng 20-30% tổng thu nhập của mỗi cá nhân. Chúng ta vẫn cần trường tốt với chi phí phù hợp, điều đó đòi hỏi phải có một chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng trường học sao cho thu hút được các nhà đầu tư thật sự có tâm và có tiềm lực kinh tế.

Thị trường giáo dục đã xuất hiện thêm những thương hiệu lớn cho thấy đầu tư vào ngành đào tạo đang có xu hướng gia tăng.

Đầu tư xây dựng trường học là một hành động dũng cảm, là một hành động trách nhiệm vô cùng lớn lao. Bởi vì chúng ta không thể cho phép dự án không thành công như đối với một hoạt động kinh tế, mà hơn thế nữa, không cho phép khiến các gia đình, trẻ em, học sinh thất vọng.