Xây hy vọng từ tro tàn

Theo đánh giá sơ bộ mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27/2, sau những trận động đất kinh hoàng liên tiếp ập tới, không tính đến mất mát về con người, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu thiệt hại vật chất lên tới 34,2 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Tất cả đều bị động đất "đánh gục". Những mảnh đất vốn là nhà cửa, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim... giờ chỉ còn là những đống đất đá, sắt thép cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Tất cả đều bị động đất "đánh gục". Những mảnh đất vốn là nhà cửa, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim... giờ chỉ còn là những đống đất đá, sắt thép cao. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Con số này tương đương 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia ấy vào năm 2021 (dù chưa bao gồm những tổn thất đổ xuống nước láng giềng Syria).

Song, "Kinh nghiệm của chúng tôi là nhu cầu tái thiết có thể cao gấp hai đến ba lần thiệt hại vật chất trực tiếp được ước tính", bà Anna Bjerde, Phó Chủ tịch phụ trách châu Âu và Trung Á của WB, hé lộ.

Và ngay khi các hoạt động cứu hộ vẫn đang khẩn trương tiến hành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết: Xây dựng lại nhà cửa và tái thiết, nhằm bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cư dân vùng chịu thảm họa, trong vòng một năm. Kế hoạch ban đầu là xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà vùng nông thôn, với chi phí ít nhất là 15 tỷ USD.

Bảo đảm an sinh xã hội, đầu tiên và cuối cùng, vẫn luôn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn cả những nguy cơ xáo trộn, sự kéo giãn khoảng cách giàu nghèo, phòng, chống các hiểm họa tiêu cực đến từ sự khốn cùng, đồng thời đặt cơ sở cho việc gấp rút vãn hồi ổn định và phát triển.

Không quốc gia nào đủ sức một mình đối chọi với những thách thức ấy, cho dù là nước Mỹ sau cơn "siêu bão" Katrina năm 2005, hay Nhật Bản sau thảm họa kép (sóng thần và sự tàn phá Nhà máy điện hạt nhân Fukushima) năm 2011. Và ở chiều ngược lại, trong thế giới đang vận hành theo xu hướng toàn cầu hóa hiện đại, bất cứ sự cố tại một quốc gia đơn lẻ nào cũng có thể tác động đến không ít quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế, trên nhiều lĩnh vực.

Do đó, sau khi Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ một tỷ USD bước đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã liên tiếp có những động thái trợ giúp tức thời (và mang tính chất song phương riêng biệt) được thực hiện. Đơn cử, ngày 21/2, chính phủ Đức cam kết sẽ hỗ trợ 33 triệu euro cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng 17 triệu euro cho Syria, nâng tổng quy mô hỗ trợ lên 108 triệu euro (chưa kể hàng chục chuyến bay vận chuyển hàng trăm chuyến hàng viện trợ). Cùng lúc và sau đó, những gói viện trợ nhân đạo khác cũng vẫn đang được chuyển đến, từ khắp thế giới.

Theo tiến trình của những hành động được thúc đẩy bởi cả lương tri lẫn lợi ích thiết thực, ở một vài khía cạnh, cũng có thể nói là công cuộc tái thiết sau thảm kịch tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria đang tạo nên một số hệ quả tích cực.

Đáng chú ý nhất có lẽ là việc Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang áp đặt lên Syria, nhằm giúp công tác cứu trợ trở nên hiệu quả hơn.

Với chuyến công du ngày 27/2 của Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry (chuyến công du đầu tiên đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ của một bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập trong suốt hơn 10 năm qua), những dấu hiệu "tan băng" trong các mối quan hệ này đã không chỉ xuất hiện, mà còn được khẳng định chính thức: "Mục đích của chuyến thăm chủ yếu là nhân đạo và để thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi, từ lãnh đạo, chính phủ và nhân dân Ai Cập, đối với người dân Syria. Chuyến thăm phản ánh mong muốn quan hệ giữa Ai Cập và hai nước trở lại trạng thái bình thường".

Ai Cập, một trong những cường quốc khu vực có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo Arab, đã "chìa tay". Liên minh Nghị viện Arab (APU) cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa Syria trở lại với Liên đoàn Arab (AL). Sự cô lập dành cho Syria đã được làm mờ, và những hiềm khích vốn có đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy.

Trên tro tàn đổ nát, dù sao, hạt giống hy vọng về hữu nghị, hợp tác và bình yên cũng đã bắt đầu hé mầm xanh…