Vũng lầy bên bờ vực thẳm

Mọi lời kêu gọi tái lập hòa bình cứ nối nhau rơi vào thinh không. Trong khi đó, chiến sự ở Sudan mỗi ngày lại càng lan rộng. Và kéo theo sau nó, bóng đen của một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới cũng mỗi ngày một thêm rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00

TIẾP nối hàng loạt những tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ quốc gia trước đó, ngày 10/7, Cơ quan Liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD) thúc giục quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự - hai bên tham chiến trong cuộc xung đột đang đốt cháy Sudan "ngừng bắn vô điều kiện, không xác định thời hạn, chấm dứt ngay bạo lực, cũng như đề ra cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả".

Quan ngại sâu sắc về tác động của những cuộc giao tranh dai dẳng trên mảnh đất ấy, IGAD đề xuất tổ chức cuộc họp để xem xét khả năng triển khai của Lực lượng thường trực Đông Phi, nhằm bảo vệ dân thường và bảo đảm tiếp cận nhân đạo.

Cùng lúc, cơ quan hàng không dân dụng Sudan thông báo: Tiếp tục đóng cửa không phận nước này cho đến ngày 31/7, ngoại trừ các chuyến bay sơ tán và viện trợ nhân đạo đã được nhà chức trách cấp phép.

CHO đến thời điểm này, sau khi bùng nổ ngày 15/4, hàng loạt thỏa thuận ngừng bắn đã từng được thiết lập, rồi cũng nhanh chóng lần lượt bị vi phạm (mà cả hai phía đều cáo buộc lẫn nhau), để rồi mất hiệu lực. Hệ quả, từ cuối tháng 6, chiến sự đã lan rộng ra phạm vi cả nước, thay vì chỉ khu biệt tại Khartoum như trong những ngày đầu.

Nguyên nhân của nó là cuộc tranh giành quyền lực giữa Tư lệnh SAF Abdel Fattah al-Burhan với người đứng đầu RSF, cũng là cựu Phó Tư lệnh - ông Mohamed Hamdan Daglo, trên tiến trình thành lập chính phủ dân sự chuyển tiếp.

Theo Bộ Y tế Sudan, hàng nghìn người đã thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và gần ba triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sang các nước láng giềng. Vấn đề là, nhiều nước trong số đó cũng đang phải vật lộn với nghèo đói và xung đột nội bộ.

Khoảng 67% số cơ sở y tế tại những khu vực xảy ra chiến sự đã phải ngừng hoạt động. Ngay ở Khartoum, toàn bộ các quận đã không còn nước sạch, còn điện chỉ có vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ quốc tế, vốn đã hoạt động vô cùng chật vật, lại thường xuyên bị cướp bóc. Liên hợp quốc và các khối châu Phi cũng đưa ra cảnh báo u ám về "vấn đề sắc tộc".

Không có gì ngạc nhiên, khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres "lo ngại sâu sắc rằng, cuộc chiến đang diễn ra giữa các lực lượng vũ trang đã đưa Sudan đến bờ vực của cuộc nội chiến toàn diện, có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ khu vực".

ĐIỀU đáng sợ nhất là cho đến hiện tại, chưa một cơ chế kiến tạo hòa bình nào tỏ ra hiệu quả. Tình hình chính trị Sudan tồi tệ đến độ Chính phủ Sudan, hay nói cách khác là SAF, tuyên bố trục xuất cả Đặc phái viên Liên hợp quốc Volker Perthes - điều bị Tổng Thư ký Liên hợp quốc chỉ trích là trái với nghĩa vụ của chính quyền Khartoum, theo Hiến chương Liên hợp quốc.

Ở vai trò trung gian hòa giải, Saudi Arabia bất lực, còn nước Mỹ tuyên bố: Washington tạm ngừng tiến trình hòa đàm. Trong khi đó, như quan điểm của Ai Cập, mọi hành động can thiệp (quân sự) từ bên ngoài đều có thể khiến cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng.

Và trong khi tất cả vẫn đang là một mớ bòng bong, theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn một triệu trẻ em đã không còn nhà cửa. Không chỉ vậy, ước tính có gần 263.000 người đang mang thai (trong khoảng hơn 2,5 triệu phụ nữ đang độ tuổi sinh nở ở Sudan), và khoảng 87.000 người sẽ sinh con trong vòng ba tháng tới. Họ, cũng như những đứa trẻ của họ, vốn cần phải được chăm sóc đặc biệt, lại đã phải chuẩn bị tinh thần cho sự thiếu thốn đến cùng cực những nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất, như sự an toàn, thức ăn hay nước sạch.

Đến lúc này, những phương án khả thi nhằm cứu vớt họ vẫn còn chưa hiện hữu, có lẽ là do khoảng trống quyền lực quá lớn, cũng có thể là do những sự thôi thúc về mặt lợi ích không đủ mạnh để trực tiếp hành động, ở cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lẫn Liên minh châu Phi (AU).

Cuối cùng, trong tiếng súng, vẫn đang chỉ tồn tại những lời nguyện cầu, hay những kêu gọi chung chung…