Vì đối thoại cũng chính là lợi ích

Mười năm qua, những mâu thuẫn xoay quanh vấn đề xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng mà Ethiopia tiến hành chưa bao giờ thật sự lắng dịu. Song, đến thời điểm này, có lẽ đã đến lúc cả ba quốc gia Đông Bắc Phi thuộc lưu vực sông Nile nhận ra: Đàm phán để cùng chia sẻ lợi ích của con đập khổng lồ ấy, chắc chắn tốt hơn việc duy trì tình trạng bế tắc trong căng thẳng kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00

NGÀY 27/8, phía Ai Cập thông báo: Các cuộc đàm phán liên quan đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) giữa họ, Ethiopia và Sudan đã được nối lại.

Theo Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập Hani Sewilam, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được tiến hành, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận "có tính đến lợi ích và những lo ngại của ba nước," đồng thời kêu gọi "chấm dứt các biện pháp đơn phương liên quan đến GERD".

Tuy nhiên, hai ngày sau (29/8), theo The New Arab, vòng đàm phán mới nhất này đã khép lại mà không đạt được bước đột phá nào. Lý do được đưa ra là bởi "thiếu sự thay đổi rõ ràng trong quan điểm của Ethiopia", nghĩa là việc Ethiopia vẫn sẽ tiến hành đợt trữ nước thứ tư cho hồ chứa của GERD, bất chấp sự phản đối liên tục của hai quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan, như những tuyên bố hồi tháng 6/2023 này.

SONG, bất kể kết quả ấy, Bộ Ngoại giao Ethiopia vẫn đánh giá: "Các bên đã trao đổi thẳng thắn, để hướng tới mục tiêu cùng có lợi". Chia sẻ quan điểm này, tờ Egypt Independent cũng nhận xét: "Cuộc họp khẳng định rằng Ethiopia sẽ cố gắng kết thúc các cuộc đàm phán ba bên trên cơ sở nguyên tắc sử dụng nước hợp lý và công bằng, đồng thời bảo đảm phần nước sông Nile của riêng mình".

Đó là một phương trình không dễ cân bằng, đã được nhận diện từ khi GERD chưa khởi công (với tham vọng trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế Ethiopia, khi giúp đất nước này trở thành một trong những quốc gia sản xuất điện hàng đầu châu Phi). Một cách ngắn gọn, các đợt trữ nước mà Ethiopia (nằm ở đầu nguồn sông Nile) tiến hành, chắc chắn sẽ làm giảm nghiêm trọng lượng nước sông Nile đổ vào Sudan và nhất là Ai Cập, nơi 90% lượng nước dành cho 100 triệu dân trông chờ vào con "sông mẹ" ấy.

Chính vì thế, trong quá khứ, Ai Cập thậm chí từng tuyên bố rằng họ sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết, để bảo vệ quyền lợi. Và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cũng từng xem an ninh nguồn nước là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua. Song song, Sudan cũng liên tục thể hiện những phản ứng hết sức gay gắt.

KHÓ có thể trông đợi, rằng những mâu thuẫn sâu sắc, âm ỉ và giằng dai đến như vậy có thể ngay lập tức được giải quyết, chỉ qua một vài cuộc thảo luận.

Và bởi vậy, điều thật sự đáng chú ý không nằm ở kết quả vòng đàm phán, mà ở cách nó được chuẩn bị để diễn ra. Thực tế, những cuộc đàm phán ba bên này đã gián đoạn tới gần hai năm. Những tia hy vọng le lói, về khả năng làm dịu căng thẳng thông qua con đường đối thoại, mới chỉ xuất hiện trở lại vào tháng 7 vừa qua, khi Ai Cập và Ethiopia đồng thuận chuyện nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận trong vòng bốn tháng, sau nhiều năm bất đồng.

Đó sẽ là "một thỏa thuận pháp lý có tính ràng buộc, liên quan các quy tắc trữ nước và vận hành GERD, có tính đến lợi ích của Ai Cập, cũng như mang lại lợi ích cho cả ba quốc gia", phía Cairo khẳng định.

Từ định hướng này, vòng đàm phán kế tiếp sẽ được tổ chức vào tháng 9, tại Addis Ababa (Thủ đô Ethiopia), với việc Ethiopia hứa hẹn "giữ vững lập trường, trên nguyên tắc sử dụng nguồn nước công bằng và hợp lý, đồng thời cố gắng hướng tới kết quả đàm phán thân thiện".

Nghĩa là, dù còn rất nhiều khác biệt, thông qua đối thoại, bóng dáng của lợi ích chung cũng bắt đầu được phác họa.