Món quà

Tập 235. Với chiếc váy mầu xanh dương hở vai, nơ tai thỏ mầu hồng phấn, mắt nhũ bạc lấp lánh, chị Bạch Tuyết rạng rỡ chào mọi người:

Minh họa: HẢI KIÊN
Minh họa: HẢI KIÊN

“Xin chào các em! Chị là Bạch Tuyết. Hôm nay chị rất là vui...”.

“Chả có gì vui sất!”, anh trai bĩu môi nói. “Anh xem rồi! Tập này chị Bạch Tuyết gấp một trăm con hạc giấy để tặng anh Robin”.

“Nhưng cái nơ tai thỏ đẹp! Lúc nào bố về em sẽ bảo bố mua cho một cái”. Em gái háo hức.

“Thế thì còn lâu! Bố lúc nào chẳng bận”.

Em gái tiu nghỉu khi anh trai đóng tập 235 để mở tập khác ra xem. Tập mới nhất đang phát sóng trực tiếp. Tập này chị Bạch Tuyết làm chiếc bánh kem khổng lồ đầy mầu sắc để tặng anh Robin.

“Tập này mới hay nè. Siêu to khổng lồ đấy!”.

“Có cả quả dâu và quả sơ ri kìa!”.

Hai đứa chăm chú xem, trầm trồ bàn tán, rồi cười sằng sặc khi đến đoạn chị Bạch Tuyết bôi cả đống kem vào mặt anh Robin.

Lúc này gần 9 giờ tối, khu chung cư buồn tẻ, bố chưa về, mẹ đang bán hàng online cho khách trên Facebook, anh trai và em gái vẫn mải mê xem “Chiếc bánh kem khổng lồ” trên kênh YouTube của chị Bạch Tuyết.

Anh trai và em gái chỉ được xem video đến 9 giờ tối là phải đi ngủ. Mẹ đã có lệnh cấm đừng vùng vằng cãi. Roi mây dài bằng cái thước mét, bảo đảm “rát”, đang được đặt ở phòng khách. Nếu cố xem tí thì cơn thịnh nộ sẽ bắt đầu như này:

“Hai đứa này thích ăn đòn hả?”.

“Mẹ nói không nghe thì từ giờ đừng có mà dùng iPad nữa!”.

Sau nữa là: “Con với cái, tống hết ra ngoài đường cho biết thân”.

Mẹ đáng sợ và khó hiểu hơn vẻ ngoài của mẹ nhiều. Có lần đang rửa bát, ai đó gọi điện, mẹ nghe điện thoại xong quẳng hết bát đĩa xuống sàn. Tiếng bát đĩa vỡ choang choang khiến anh trai và em gái đang ăn sữa chua ở phòng khách phải trốn về phòng ngủ và chốt cửa lại. Yên ắng một lúc, ngó ra xem thì thấy mẹ đang lụi cụi lau dọn những mảnh vỡ. Chân mẹ chảy máu, máu nhỏ giọt xuống nền sền sệt đỏ như siro dâu. Mảnh bát “chết tiệt” - theo cách mẹ nói - làm mẹ đi tập tễnh hơn một tuần liền.

Mẹ không như bố, nên bảo mẹ mua đồ chơi, hoặc đơn giản như cái nơ tai thỏ thôi, cũng hơi bị khó. Cứ được học sinh giỏi đi đã, để xem đã... lâu lâu rồi mẹ quên. Mẹ thường kể về ngày xưa, nhà bà ngoại nghèo lắm con à, hồi bé như các con mẹ phải phụ bà bán hàng rong, làm gì có iPad, điện thoại để dùng, làm gì có đồ chơi, làm gì có quần áo đẹp để mặc... Khổ thế thì đứa nào dám mở lời xin xỏ, vòi vĩnh mẹ được nữa.

Đành trông chờ vào bố.

Bảo thích gì, mua gì có thể bố sẽ mua đấy nhưng bây giờ bố làm gì mà bí ẩn quá, đi đi về về thất thường. Có lần gần một tháng mới về, còn đâu thường như mèo hoang xuất hiện vào nửa đêm lúc anh trai và em gái đang ngủ, rồi biến mất vào sáng hôm sau. Hiếm lắm bố mới về sớm, ăn bữa cơm chiều cùng với những càu nhàu của mẹ.

Mẹ bảo bố: “Thích đi thì đi, thích về thì về nhỉ?”. Bố cười trừ không nói gì. Mẹ bảo: “Dịch, sắp chết đói đến nơi rồi”. Bố bảo: “Vẫn sống sờ sờ mà cứ lo chết. Bớt than vãn trước mặt các con đi”. Mẹ gằn giọng: “Chúng nó thì biết cái gì?”. Bố dịu giọng: “Chúng nó chưa biết nhưng rồi sẽ nhận ra”.

Bây giờ nhận ra điều gì?

Nhận ra người lớn thật nhiều chuyện, có khó khăn là cáu kỉnh, cãi cọ và không biết yêu thương nhau.

Nhận ra dịch Covid-19 nên mẹ ở nhà suốt, còn hai đứa chưa biết bao giờ đi học trở lại. Tha hồ ở nhà ăn, ngủ, xem Redhood, chị Bạch Tuyết và bà Bông Vlog.

9 giờ tối, dù phải nộp lại iPad cho mẹ, offline, anh và em chui vào phòng không chơi xếp hình, oẳn tù tì búng trán, đập gối... thì nằm kể chuyện cho nhau nghe. Em gái thuộc lòng Hoàng Tử Ếch, Cô bé Lọ Lem; anh trai thuộc lòng tên các siêu anh hùng Marvel...

10 giờ tối, xong việc với Facebook, mẹ mới ngó kiểm tra qua phòng ngủ của các con. Tầm này ngủ hết rồi, anh trai nằm ngược, em gái nằm xuôi, chăn gối tơi bời dưới đất... Mẹ kéo chăn đắp cho hai đứa rồi trở về phòng cùng với nỗi lo mênh mông của mẹ.

*

Lại một ngày mới, không có nắng. Cửa sổ phía đông, bầu trời bị che khuất bởi một tòa nhà sừng sững buồn tẻ khác. Cả nhà đón bình minh âm u bằng bánh mì: mẹ bánh mì kẹp giò, em gái bánh mì trứng, còn anh trai bánh mì chấm sữa.

“Đêm qua bố có về nhở?”, em gái miệng nhồm nhoàm nói.

“Về đâu mà về!”. Anh trai nói.

“Anh ngủ thì biết gì?”.

“Có em ngủ lòi cả rốn ra đấy...”.

Cãi nhau một hồi, em gái rơm rớm nước mắt chấp nhận sự thật là bố không về. Vì không có tàn thuốc ở gạt tàn ngoài phòng khách, không có kem cạo râu dính ở bồn rửa mặt, không có mùi tất thối ám trên ghế sofa, không có món quà to đùng treo trên tay nắm cửa... Chẳng có dấu hiệu nào hết nên chắc chắn là đêm qua bố không về!

Có thế thôi mà cũng khóc, mẹ bảo, khóc nhiều mắt sẽ lồi ra như con Annabelle (búp bê ma).

Nghe tới con Annabelle, em gái giật mình lau nước mắt, uống một hơi nửa cốc sữa để đỡ nghẹn.

Bữa sáng gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại réo rắt của mẹ.

Mẹ vội vàng đứng dậy về phòng ngủ nghe điện thoại, quên cả dặn anh trai và em gái ăn xong mở laptop, iPad để vào học online.

“Phải tự giác học”, thầy cô luôn bảo thế, điều này đặc biệt quan trọng trong tình hình học sinh cả nước được nghỉ học vì dịch hiện nay.

8 giờ sáng. Em tự giác mở laptop, anh tự giác bật iPad, mỗi đứa một góc để tránh nói chuyện hóng hớt nhau.

Ui, tập 240, chị Bạch Tuyết làm bồn tắm thạch “gheli bôn” (Gelli ball) để tắm chung với anh Robin. Chị Bạch Tuyết mặc áo tắm liền thân toàn hình dưa hấu, da chị Bạch Tuyết trắng, dưa hấu chỗ nào cũng xanh, căng mọng. Tập này lượt xem kỷ lục. Không biết anh trai xem chưa, em gái xem một mình há hốc mồm, xuýt xoa hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Anh trai vào Facebook để xem có gì hay như thằng Tuấn “mập” bảo không. Thằng Tuấn “mập” khoe, năm lớp hai bố nó đã lập cho nó một cái nick Facebook để đăng ảnh hằng ngày của nó rồi. Thế mà mẹ bảo cấm, Facebook chỉ dành cho người lớn, trẻ con dùng công an đến nhà bắt ngay.

Thế mới thấy người lớn cũng hay nói dối?

Anh trai lần mò kiểu gì vào messenger của mẹ, đọc, để rồi lờ mờ nhận ra điều gì đó thật đáng sợ.

Dì Ngân ở tận Hàn Quốc nhắn tin cho mẹ: “Chị sắp đi làm lại chưa? Chị xoay đâu đóng kỳ trả góp chung cư năm nay hộ em, lúc nào hết dịch em gửi về sau... Em chẳng mấy khi về Việt Nam nên nhà đó để chị và các cháu ở luôn cũng được...”.

Tiếp đến là những tin nhắn dài dằng dặc của mẹ với một người đàn ông tên là Victor Vũ.

Victor Vũ nhắn tin với mẹ hằng ngày và có vẻ thân thiết lắm.

“Em đang làm gì thế?”, Victor Vũ hỏi. “Em vừa ăn cơm xong”, mẹ đáp. “Chuyện lương lậu em đừng nói cho ai biết nhé”, Victor Vũ nhắn. “Đúng ra quản lý lễ tân chỉ được trợ cấp chờ việc 20% lương như những quản lý khác, nhưng anh bảo kế toán tăng cho em lên 50%, bằng lương ban giám đốc. Đừng nói cho ai biết kẻo mọi người lại tị.”

“Anh đang ngủ à?”, mẹ nhắn vào 3 giờ đêm. “Em không ngủ được. Kiên lại về. Kiên mới bị chủ nợ đuổi đánh lấy mất xe máy. Có cái xe máy bạn bè cấp cho để đi chở hàng cũng bị lấy mất. Kiên bảo không còn nước đi nào nữa rồi, lúc nào dịch lắng xuống sẽ vượt biên. Em chẳng biết làm gì cả, em thấy sợ. Chủ nợ biết số điện thoại của em. Tháng nào lão ấy cũng lăng mạ chửi bới em để đòi nợ cho dù em đã bảo là em và Kiên đã ly dị, nhà cửa, xe pháo có gì ngân hàng cũng thu hết rồi... Em thấy mệt mỏi quá! Em muốn cắt đứt hẳn với Kiên, nhưng Kiên vẫn là bố của các con em... Dù sao Kiên cũng bị người ta lừa nên em không nỡ...”.

Victor Vũ không trả lời tin nhắn mà gọi video ngay cho mẹ. Cả hai nói chuyện gì mà những hai tiếng đồng hồ trong đêm đấy.

“Đang xem gì thế này?”.

Mẹ gầm lên và hầm hầm đi lấy roi mây khi bắt quả tang em gái đang xem chị Bạch Tuyết và anh Robin tắm thạch “Gheli bôn”.

Anh trai hú hồn thoát nạn đã nhanh chóng thoát messenger để trở về trạng thái nghiêm ngắn nghe thầy giáo giảng bài.

Từ chiều đến tối không có gì mới, ba mẹ con lạnh nhạt quẩn quanh những bức tường thạch cao khô khốc.

Một ngày đã kết thúc, dù vẫn còn những vết lằn trên bắp chân của em gái và suy nghĩ khó chịu, nhưng nhức, đôi lúc lại nhảy ra và lởn vởn trong đầu anh trai.

7_2-1625226757930.jpg
 

Hôm chủ nhật vừa rồi bố về mà anh trai với em gái không thấy mặt bố. Bố lặng lẽ về lúc nửa đêm rồi lầm lũi đi vào sáng sớm hôm sau.

Buổi sáng, anh trai mở thùng rác ở phòng khách ra thấy nhiều bông băng còn dính máu. Anh trai hớt hải chạy đi gọi mẹ. Mẹ chẳng nói gì, cầm túi nylon gom hết bông băng rồi lững thững mang xuống chỗ tập kết rác của khu chung cư.

Với mẹ, thế là xong chuyện.

Nhưng với anh trai và em gái thì lại bắt đầu một thế giới băn khoăn, tưởng tượng khác.

“Bố bị thương rồi!”.

“Bố có sao không? Mà bố làm sao mà bị thương?”. Em gái lo lắng.

“Giống trong phim đấy. Có thể bố là điệp viên hoặc... sát thủ?”. Anh trai nghi ngờ.

Tối hôm ấy, hai đứa không xem video của chị Bạch Tuyết như thường lệ mà nhớn nhác lục lọi khắp nơi để xem bố có giấu “đồ nghề” ở nhà không. Lục từ gầm giường, gầm ghế, gầm máy giặt, đến phía sau tủ lạnh... xem có súng, phi tiêu, bút lazer hoặc thứ gì đại loại như thế không.

Kết quả chúng tìm thấy một đôi tất thối của bố rơi ở gầm máy giặt.

Vẫn chưa yên tâm! Đêm hôm ấy, chờ lúc mẹ ngủ rồi, anh trai và em gái gọi nhau dậy ra ghế sofa để “trực chiến” chờ bố về. Hỏi cho ra nhẽ, xem bố bị thương ở đâu, bố là sát thủ hay là siêu điệp viên giải cứu thế giới.

Trực được hai mươi phút, anh trai và em gái lăn ra ngủ khì với nhau.

Đêm không có tiếng mèo hoang và bố cũng không về.

Sáng hôm sau, mẹ giật mình thấy hai đứa nằm lăn lóc trên ghế sofa. Vũ khí vẫn còn nguyên, bên cạnh anh trai là thanh kiếm ánh sáng chạy bằng pin, còn bên cạnh em gái là cái vợt muỗi.

*

Có một quả cầu năng lượng làm bằng nhựa dẻo, đập xuống đất nảy lên, đập vào tường nảy ra, và phát sáng lấp lánh trong trong bóng tối. Đó là món quà tuyệt vời bố tặng cho anh trai năm ngoái, khi anh trai tròn bảy tuổi.

Và hôm nay, quả cầu năng lượng ấy đã hủy diệt bức ảnh treo trang trọng ở phòng khách.

Một bức ảnh lớn chụp bé Min Su - con dì Ngân, đang nằm lẫy, khuôn mặt mũm mĩm bụ sữa, một tay giơ lên vẫy vẫy và miệng hé nụ cười đẹp như thiên thần. Bức ảnh mới đáng yêu làm sao giờ đã vỡ tan tành.

“Làm gì thế này?”, mẹ gầm lên.

Anh trai nắm chặt quả cầu hủy diệt trong tay, đôi mắt lạ lùng không tỏ vẻ một chút nào sợ sệt ngước lên nhìn mẹ.

Mẹ hùng hổ lấy roi mây, cầm tay anh trai lôi xoành xoạch đến ghế sofa. Mẹ ấn anh trai nằm sấp xuống ghế rồi vung roi vụt cái “đét”, trợn mắt quát:

“Có trả lời không hả? Ai dạy mày thế hả?”

Anh trai nhăn nhó, không khóc, cũng không tỏ vẻ hối lỗi.

“Tại sao? Tại sao? Tao đã mệt mỏi lắm rồi mà mày lại thế này?”. Mẹ vừa gào lên vừa vung roi vun vút vụt vào mông anh trai.

Quả cầu hủy diệt đã rơi ra, lăn đến góc nhà chỗ em gái đang bó gối run rẩy khóc.

Mẹ vứt roi, khuỵu gối và ôm mặt khóc.

Lần đầu tiên thấy mẹ khóc, mẹ sao thế, những lần khác đánh anh trai và em gái mẹ đâu có khóc?

Anh trai thấy mẹ và em khóc cũng mếu máo khóc theo:

“Nhà mình đâu hả mẹ? Min Su ở Hàn Quốc... Hàn Quốc... Nhà mình... Ảnh nhà mình... như ảnh nhà thằng Tuấn... có bố... mẹ... Tân... Thảo... chứ?

Mẹ nghe anh trai nói càng khóc nấc to hơn. Mẹ khóc vì mẹ, khóc vì hai đứa, mẹ chẳng cần phải giấu giếm cái bản thể mong manh yếu đuối trong cái vỏ bọc người lớn của mẹ nữa.

Bố đâu rồi?

Bố về đi!

Bố phải ở đây để gỡ những mảnh vỡ đang găm đầy tim mẹ, găm đầy tâm hồn non nớt của anh trai và em gái chứ!

*

Bố là người giỏi nhất trong biệt đội anh hùng giải cứu trái đất. Bố mặc áo choàng đỏ, giống của Superman ấy, bên hông giắt một thanh kiếm. Thanh kiếm của bố là thanh kiếm ánh sáng có thể chém đôi một cái cây.

“Ơ, lần trước anh kể là chém đôi một quả núi. Em tưởng quả núi to hơn cái cây chứ?”, em gái thắc mắc.

“Ừ, thì cái cây nằm trên quả núi mà. Bố chém đứt hết”. Anh trai gãi đầu giải thích.

“Ờ nhỉ. Anh kể tiếp đi!”, em gái cười mủm mỉm.

Bố cầm thanh kiếm ánh sáng đến một khu rừng rậm để giết con quái vật rồng ba đầu chuyên hại người. Trên đường đi, bố gặp một con sư tử khổng lồ tên là Simba. Thế là bố cùng Simba đi vào khu rừng rậm chết chóc. Trên đường đi bố và Simba còn gặp một lực sĩ tên là Tarzan...

Đã gần 10 giờ đêm, anh trai đang kể cho em gái câu chuyện về bố dài nhất của mình.

Mẹ đang bán hàng online cho khách và thỉnh thoảng trả lời tin nhắn của Victor Vũ.

Bố vẫn chưa về và lại hết một ngày.

Một số tin đáng chú ý trong những ngày tới: Kết thúc giãn cách xã hội, học sinh đi học trở lại. Bữa sáng có thêm bún, phở, bánh cuốn... thay vì chỉ có mỗi bánh mì. YouTube Bạch Tuyết bị phạt hành chính, tắt tính năng kiếm tiền vì đăng video phản cảm...

Những ngày sau nữa, thỉnh thoảng anh trai và em gái lại nhận một túi quà bất ngờ vào sáng sớm. Vẫn không thấy mặt bố, nhưng hai đứa vui mừng khôn xiết vì món quà, vì bố vẫn ở đây, luôn yêu thương chúng.

“Ui! Bố về rồi này... Có quà... quà này!”.

“Quà của anh... để anh xem!”.

“Quà của em... đưa em chứ!”.

Khỏi tranh giành, trong túi có quà của cả hai đứa. Quà của em gái là búp bê vải mặc váy hồng, đội mũ nồi, có bím tóc hai bên xinh cực. Quà của anh trai là mô hình Iron Man, siêu anh hùng anh trai thích nhất. Tuyệt quá, còn có cả bim bim và kẹo chip chip nữa.

Anh trai hí hửng cầm Iron Man chạy ra phòng khách để truy tìm thêm những dấu vết của bố.

Em gái ôm búp bê nhảy chân sáo về phía bếp để khoe mẹ.

Mẹ đang rửa cốc chén, bọt xà phòng bám vào bàn tay gầy của mẹ. Mẹ không nói gì, chỉ mỉm cười và long lanh nước mắt.

7_1-1625226757883.jpg

Trong một thế giới quay cuồng, mệt mỏi, quá nhiều thách thức và đe dọa với con người, những đứa trẻ vẫn sống và lớn lên ở một thế giới trong sáng ngập tràn giấc mơ đẹp đẽ và trí tưởng tượng. Chúng không hay biết gì về những “nguy hiểm” đang bủa vây, có thể xâm hại và làm tan nát tâm hồn non tơ của chúng. Những đứa trẻ càng đợi chờ người bố trở về, có thể chỉ bằng sự hiện diện của một món quà nhỏ, thì nỗi sợ hãi của tôi càng tăng lên khi một ngày nào đó chúng nhận ra sự thật. Sự thật ấy đối với tâm hồn trẻ thơ nguy hiểm hơn cả đại dịch đối với những người lớn.

Trong suốt khoảng thời gian không dài để đọc xong truyện ngắn này, tôi giống kẻ bí mật quan sát xem có ai mang tới cho lũ trẻ món quà nào đó không. Và thời gian tôi đợi món quà ấy dường như kéo dài cả trăm năm. Cho đến khi tôi tưởng sẽ rơi vào tuyệt vọng thì những món quà đã hiện ra. Sự cứu rỗi đã xuất hiện. Nhưng không phải từ một vị Thánh mà từ một con người. Những món quà đó không chỉ cứu rỗi hai đứa trẻ mà cứu rỗi chính tôi.