Nghệ sĩ Ðặng Ngọc Long

Nhịp cầu âm nhạc nối đôi bờ Á-Âu

Biểu diễn âm nhạc dân tộc bằng nhạc cụ dân tộc để quảng bá nghệ thuật truyền thống tới bè bạn năm châu là hướng đi mà rất nhiều nghệ sĩ Việt chọn lựa. Nhưng sáng tác và chuyển soạn những tinh hoa di sản cha ông để lại cho nhạc cụ châu Âu, biến những tác phẩm ấy trở thành nội dung trình tấu bắt buộc cho các thí sinh Âu châu trong một cuộc thi âm nhạc quốc tế uy tín thì có lẽ chỉ duy nhất một người Việt chọn làm và làm được. Ông là nghệ sĩ guitar tài danh Ðặng Ngọc Long.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn tại Tiệp Khắc (cũ) -Ảnh : NVCC
Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn tại Tiệp Khắc (cũ) -Ảnh : NVCC

Nghệ sĩ Việt gắn với cụm từ “đầu tiên” và “duy nhất”

Lướt qua lý lịch nghệ thuật của Đặng Ngọc Long, với tần suất lặp đi lặp lại dày đặc cụm từ “người Việt đầu tiên” và “người Việt duy nhất”, sẽ có cảm giác rằng mọi thành công đến với ông thật dễ dàng, suôn sẻ. Như thể ông được số phận đặc biệt ưu ái, được sinh ra dưới một chòm sao chiếu mệnh rực rỡ hào quang. Chỉ mình ông hiểu, chặng đường chinh phục đỉnh cao âm nhạc vắt qua bốn thập kỷ lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ nơi xứ người đã phải vượt qua bao nhiêu gian nan, thử thách.

Là thí sinh duy nhất trúng tuyển vào chuyên ngành guitar, hệ trung cấp của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) trong đợt tuyển sinh rầm rộ toàn miền bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) vào năm 1975, tròn 10 năm sau đó, ông cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất được sang CHDC Đức đào tạo bậc đại học chuyên sâu về cây đàn này, sau một kỳ thi trong nước thừa điểm du học nước ngoài, sau khi xuất sắc giành vị trí thủ khoa kỳ tuyển sinh đầu vào của Trường Âm nhạc Hanns Eisler Berlin.

Ngay năm đầu học tập dưới mái trường đào tạo âm nhạc hàng đầu Đông Đức ấy, chàng sinh viên Đặng Ngọc Long nhanh chóng đạt vị trí đứng đầu trong cả ba vòng thi sàng lọc đầy khó khăn ở cấp độ quốc gia, để rồi trở thành thí sinh người Việt đầu tiên được ghi danh tham dự Cuộc thi guitar quốc tế mang tên nhà soạn nhạc cổ điển Hungary tài ba Heitor Villa-Lobos.

Tỏa sáng sau ba vòng thi quốc tế, ông cũng là guitarist Việt Nam đầu tiên được đứng trên bục vinh danh, với giải Đặc biệt tưởng thưởng cho ngón đàn điêu luyện trong phần trình tấu tác phẩm cổ điển bắt buộc và những thanh âm da diết, trĩu nặng nỗi nhớ quê nhà của phần thi tự chọn Bèo dạt mây trôi. Hai năm sau đó, ông còn tiếp tục đại diện cho nước Đức tham dự hai cuộc đọ sức tại Italia và Tiệp Khắc, đều vào tới vòng chung khảo và được nhận bằng khen.

Nhịp cầu âm nhạc nối đôi bờ Á-Âu ảnh 1

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn tại Berlin (CHLB Đức) - Ảnh : NVCC

Tốt nghiệp hệ đại học chuyên ngành Sư phạm âm nhạc, Đặng Ngọc Long chọn tiếp tục hoàn thành hai tấm bằng Cao học trong ba năm, trong đó có một năm chuyên sâu về độc tấu guitar và hai năm tập trung nâng cao kỹ năng biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Ở bậc học hay kỳ thi tốt nghiệp nào, ông cũng đều nhận về tấm bằng xuất sắc.

Tò mò về quãng thời gian khổ luyện cùng cây đàn, ông giản dị gói gọn trong một câu, “quá trình tập luyện căng thẳng lắm, tôi ôm đàn khoảng 12 tiếng mỗi ngày, bật cả máu tay”. Giải thưởng, cơn mưa ngợi khen nhận lại sau ba lần dự thi quốc tế cùng kết quả xuất sắc thu được sau 7 năm miệt mài học tập cũng được ông giản dị tổng kết bằng một bí quyết duy nhất, “làm cái gì cũng phải đam mê đến mức có thể chết vì nó thì mới hy vọng thành công”.

Mang tinh hoa nhạc Việt đi xa

Có dịp trò chuyện với nhiều nghệ sĩ trẻ từng du học tại những cường quốc âm nhạc cổ điển và từng đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi quốc tế, lý do khiến họ vẫn lựa chọn quay về Việt Nam làm việc, ngoài mong muốn đóng góp cho quê hương còn bởi một nguyên do khá tế nhị. Để cạnh tranh lành mạnh, để có một chỗ đứng và cơ hội xuất hiện trong vòng quay biểu diễn âm nhạc cổ điển với quy luật cạnh tranh, đào thải đầy khắc nghiệt ngay tại châu Âu - cái nôi sinh ra và dưỡng nuôi nghệ thuật hàn lâm phát triển tới mức cực thịnh, là điều vô cùng khó với các nghệ sĩ châu Á, đặc biệt đến từ những quốc gia “vùng trũng” như Việt Nam.

Nhấn mạnh điều đó để thấy, việc một nghệ sĩ guitar Việt Nam được nước Đức ghi nhận, trân trọng và vinh danh có thể được coi là kỳ tích. Không chỉ đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen suốt 20 năm qua, không chỉ nắm giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi guitar quốc tế Berlin từ năm 2006 tới nay, ngôi trường âm nhạc Bernau còn tổ chức một cuộc thi guitar mang tên ông - Long-Wettbewerb für Gitarrensolo để đặc biệt tri ân những đóng góp của người nghệ sĩ tài danh, trên cương vị làm thầy.

Nhịp cầu âm nhạc nối đôi bờ Á-Âu ảnh 2

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn trước đông đảo khán giả Tiệp Khắc (cũ) - Ảnh NVCC

Những nhạc mục chất lượng dành nửa thời lượng cuối chương trình cho những tác phẩm chuyển soạn hoặc lấy cảm hứng sáng tác từ mỏ vàng âm nhạc dân tộc Việt Nam, như một logo nhận diện gắn với cái tên Đặng Ngọc Long luôn diễn ra tại những sân khấu uy tín, trước những khán phòng đông nghẹt khán giả. Âm giai ngũ cung của những làn điệu dân ca luyến láy độc đáo được chuyển soạn, biến tấu, sáng tạo sang âm giai thất cung đầy mới lạ, hấp dẫn trên cây đàn guitar đã nhận được phản hồi đầy phấn khích từ đông đảo khán giả vốn hít thở bầu không khí âm nhạc đỉnh cao mỗi ngày.

Từ khởi đầu thành công trong cuộc thi quốc tế đầu tay với Bèo dạt mây trôi, Đặng Ngọc Long đã làm tất cả, để những hạt vàng ròng chưng cất từ vốn cổ dân tộc lan tỏa, vươn xa và đến với khán giả đa quốc tịch càng nhiều càng tốt. Những khúc dân ca ngọt ngào như Ru con Nam Bộ, Giận mà thương, Đi cấy, Người ở đừng về... hay những sáng tác tìm cảm hứng trong kho tàng chất liệu dân tộc, thổi ngôn ngữ hiện đại vào chất liệu ngũ cung truyền thống như Núi rừng Tây Nguyên, Hồi tưởng, Miên man, Chào ban mai , Tổ khúc Kiều (Suite Kieu)... luôn chiếm trọn nửa danh mục biểu diễn, trong những đêm độc tấu của Đặng Ngọc Long.

Sáng tác của ông còn trở thành tác phẩm biểu diễn bắt buộc, cho mọi thí sinh tham dự Cuộc thi guitar quốc tế Berlin (được tạp chí Âm nhạc Guitar của Pháp đánh giá xếp hạng là một trong top 5 các cuộc thi Guitar Cổ điển lớn nhất thế giới) suốt từ khi ra đời năm 2006 đến nay. Dù quãng đường thuyết phục những tên tuổi uy tín hàng đầu trong Hội đồng nghệ thuật - Ban tổ chức và nhận được cái gật đầu chấp thuận của họ vô cùng gian nan, vất vả.

Yaroslav Markarich - thí sinh Belarus từng đoạt giải Nhất cuộc thi năm 2020 chia sẻ: “Tôi rất thích cuộc thi này vì nhờ sự cống hiến hết mình của GS Đặng Ngọc Long. Những tác phẩm lấy hồn cốt từ văn hóa Việt Nammà ông sáng tác cho cây đàn guitar rất có giá trị với đời sống âm nhạc đương đại hôm nay”.

Nhịp cầu âm nhạc nối đôi bờ Á-Âu ảnh 3

Bìa album Long plays Long được xuất bản tại Đức năm 2009 - Ảnh | NVCC

Ðưa tinh hoa nhạc Việt về gần

Từ một năm trước thời điểm diễn ra cuộc thi, các thí sinh quốc tế phải tìm hiểu văn hóa Việt, nghe âm nhạc dân tộc Việt, thẩm thấu nội dung thi phẩm Kiều, ngấm từng khúc thức giai điệu để hiểu ý đồ sáng tác của tác giả. Trên sân khấu, họ phải chuyển tải cho ra cái chất Việt trong nhạc phẩm, để chinh phục cả hội đồng giám khảo uy tín. Sau khi đoạt giải, họ sẽ mang tác phẩm đi lưu diễn, giảng dạy cho các học trò. Cứ thế lan tỏa, cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

“Nghe thí sinh Đan Mạch Niklas Johansen - Quán quân năm 2016 thể hiện Ru con Nam Bộ, nếu nhắm mắt lại bạn sẽ tưởng nghệ sĩ Việt Nam đang chơi. Biết rồi sẽ tìm hiểu, thương rồi sẽ yêu” - ông nhớ lại.

Những ngày cuối năm 2023, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long vui mừng trở về Hà Nội để chuẩn bị cho sự kiện âm nhạc quốc tế mà ông từng ấp ủ bao năm. Cuộc thi guitar quốc tế Berlin 2024 sẽ chọn Việt Nam là điểm dừng chân, đúng vào lần tổ chức thứ 10. Theo dự kiến, cuộc thi đình đám này sẽ gồm ba vòng. Lễ trao giải sẽ quy tụ 10 cái tên tài năng từng đoạt ngôi vị Quán quân từ trước tới nay, với phần trình diễn đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội và một chuyến lưu diễn dọc theo chiều dài đất nước, nếu điều kiện cho phép.

Luôn nặng lòng bắc nhịp cầu nối đôi bờ âm nhạc Á-Âu, đưa cuộc thi guitar uy tín hàng đầu thế giới về với quê hương là cơ hội để ông “tạo điều kiện cho nghệ sĩ trong nước tham dự cuộc thi trên chính quê hương mình, làm quen, học hỏi những kỹ thuật cùng kinh nghiệm biểu diễn quý báu từ các đồng nghiệp quốc tế; tạo cơ hội để phần trình diễn bài thi bắt buộc của thí sinh quốc tế được vang lên trên chính mảnh đất đã nâng niu cho tác phẩm ấy một hình hài”.

Với nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, xuân mới Giáp Thìn 2024 sẽ là dấu mốc đáng nhớ nhất, trong dặm dài 67 năm tuổi đời, trong hành trình nửa thế kỷ gắn bó và tôn vinh nhạc Việt.

Không chỉ là một nghệ sĩ guitar tài năng xuất chúng, Ðặng Ngọc Long còn là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc uy tín được Ðại học quốc tế Kyrgyzstan phong học hàm Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi guitar quốc tế và cuối cùng là một... diễn viên điện ảnh-truyền hình với nghệ danh Long Dang-Ngoc! Gia tài nghệ thuật của ông gồm hàng chục album trình tấu guitar cổ điển, sáng tác hàng trăm ca khúc, chấp bút hàng chục cuốn sách nhạc kèm CD cùng giáo trình giảng dạy guitar. Chùm CD Long plays Long, tập hợp những tác phẩm sáng tác và chuyển soạn in đậm dấu ấn văn hóa Việt của ông được tái bản nhiều lần tại Ðức.