Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội:

Ðầu tư công - quản trị tư để khơi thông nguồn lực văn hóa

“Trong những năm vừa qua, chúng ta đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, coi lĩnh vực này là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một trong những điểm nghẽn là chưa khơi thông được nguồn lực xã hội. Ðầu tư công-quản trị tư có thể xem là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu đó”. PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh dưới), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đã mở đầu cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng bằng một lời khẳng định.
0:00 / 0:00
0:00

Việc đưa ra giải pháp “đầu tư công-quản trị tư” chắc phải bắt nguồn từ đòi hỏi thực tiễn cấp bách nào đó, thưa ông?

Giải pháp này có xuất phát điểm từ những bức xúc nảy sinh trong quá trình quản lý và sử dụng tài sản công ở lĩnh vực văn hóa. Nhiều năm trước đây, quản lý văn hóa thường được xem là một lĩnh vực rất nhạy cảm và mặc nhiên coi như đặc quyền của Nhà nước.

Bước sang thời kỳ kinh tế thị trường, chủ trương xã hội hóa trong một số lĩnh vực như văn hóa-giáo dục-y tế đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn. Năm 2022, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Từ nội dung trao đổi trên diễn đàn này cho thấy một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở quá trình phát triển văn hóa lại thuộc về yếu tố đầu tiên - thể chế.

Trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số 64/2020/QH14), danh mục mà “lĩnh vực đầu tư dự án PPP (Public-Private Partnership)” liệt kê không bao gồm văn hóa nên mọi dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực này đều không thể thực hiện được.

Không chỉ thế, thói quen phân biệt rằng ai đầu tư gì thì quản lý nấy đã dẫn tới tình trạng Nhà nước vừa phải quản lý, hoạt động sự nghiệp, vừa phải tổ chức sự kiện dẫn đến ôm đồm quá nhiều việc, chưa tuân thủ nguyên tắc của thị trường.

Khi không có sự phân biệt rạch ròi giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu-chức năng-nhiệm vụ có nhiều điểm chồng lấn, dễ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thêm vào đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, được cụ thể hóa bằng Nghị định 151/2017/NĐ-CP trở thành điểm nghẽn tiếp theo khiến các dự án kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa bị đình trệ.

Bởi vì muốn thực hiện hợp tác liên doanh, liên kết có sử dụng tài sản công, các đơn vị phải lập đề án, theo đó phải định giá đất đai (phần đất mà các thiết chế tọa lạc thường nằm ở vị trí trung tâm, định giá cao thì khó thu hút đối tác nước ngoài mà định giá thấp thì vi phạm nguyên tắc tài chính), định giá tài sản (nan giải vì giá trị tài sản mà thiết chế đang sở hữu nhiều khi không thể tính nổi bằng tiền), định giá thương hiệu (cái này còn mù mờ hơn nữa)...

Kết quả là rất ít thiết chế được phê duyệt và triển khai được dự án, dẫn đến việc các thiết chế văn hóa rơi vào tình cảnh rất khó khăn khi thiếu thốn cả nguồn kinh phí lẫn nhân lực, không huy động được đa dạng nguồn lực xã hội bên ngoài, không tổ chức được hoạt động thu hút người dân tham dự.

Chúng tôi mong muốn rằng, Nghị định 151 sẽ được sửa sớm theo hướng tạo điều kiện cho một số hoạt động thiết yếu của thiết chế văn hóa gắn với công năng, nhiệm vụ của thiết chế đó thì không cần phải lập đề án. Chúng ta không nên vì một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” mà siết chặt quản lý đến mức gây ra sự lãng phí vô cùng lớn và đặc biệt hơn là ảnh hưởng đến hiệu quả của các thiết chế.

Từ đó, qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, tôi nhận thấy “đầu tư công-quản trị tư” trở thành mô hình tối ưu giúp tháo gỡ tốt nhất thực trạng này.

Theo thời gian, “đối tác công tư PPP” đã dần trở thành cụm từ quen thuộc. Còn khái niệm rất mới, “đầu tư công-quản trị tư” nên được hiểu thế nào, thưa ông?

Giải pháp này đề cập đến hai khía cạnh quan trọng liên quan đến việc hỗ trợ và phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đầu tư công là việc chính phủ hoặc các cơ quan quản lý của Nhà nước cung cấp tài trợ tài chính cho các dự án, tổ chức, hoạt động và thiết chế văn hóa. Hoạt động này có thể bao gồm cả việc cấp tài trợ trực tiếp từ ngân sách công hoặc tạo ra các chương trình và quỹ để hỗ trợ phát triển và duy trì các ngành văn hóa, nghệ thuật.

Quản trị tư đề cập đến việc tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động văn hóa một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Nó liên quan đến việc quản lý tài chính, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược và phát triển, tạo ra các sự kiện và chương trình văn hóa, nghệ thuật, cũng như quản lý nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Nó cũng có thể bao gồm việc tạo ra các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị để thu hút khán giả và tạo doanh thu cho các hoạt động văn hóa.

Mô hình này cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công cộng và khả năng quản lý, linh hoạt của các tổ chức và cá nhân trong việc phát triển và duy trì các hoạt động văn hóa. Như hiện thực hóa tầm nhìn và quy hoạch quốc gia, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tài chính và nhân lực. Như tạo động lực tư duy sáng tạo và tăng cường khả năng thích ứng cho các tổ chức, tăng cường quản trị và hiệu quả. Như tạo nền tảng bền vững khi mô hình này bảo đảm rằng ngành văn hóa không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài chính công cộng, mà còn có sự đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân.

Ðầu tư công - quản trị tư để khơi thông nguồn lực văn hóa ảnh 1

Đầu tư công-quản trị tư là giải pháp hiệu quả để những thiết chế văn hóa như Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể phát triển bền vững. - Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Hiệu quả mà mô hình đem lại xem ra rất tích cực. Nhưng ảnh hưởng tiêu cực, nếu có, chắc cũng đã được lường tới?

Nguy cơ mai một tính đa dạng văn hóa, tạo sự bất bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật luôn hiện hữu. Theo đó việc tập trung nguồn lực (nhất là tài chính) công và tư có thể dẫn đến sự ưu ái với các dự án và hoạt động có tính thương mại cao, bỏ qua những dự án nhỏ hơn hoặc có giá trị văn hóa cao nhưng khó thu hút được nguồn tài trợ.

Mô hình này cũng có thể tạo ra chênh lệch lớn về nguồn tài trợ giữa các tổ chức văn hóa lớn và nhỏ, có thể đặt áp lực về giá trị thương mại của các hoạt động, dẫn đến sự tập trung vào khía cạnh kinh tế thay vì giá trị văn hóa và xã hội.

Triển khai mô hình này cũng có thể tạo ra sự không đồng đều trong việc phân phối nguồn tài trợ giữa các khu vực và cộng đồng, gây ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và tham gia vào các hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình, từ ngân sách công tài trợ hoàn toàn sang kết hợp cả nguồn tài chính tư nhân có thể đòi hỏi sự thay đổi trong hướng dẫn, quản lý và giám sát từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần sự tập trung và cập nhật để bảo đảm tính minh bạch và công bằng.

Để hóa giải những tác động tiêu cực có thể hiện hữu đó, chúng ta cần phải làm gì?

Quan trọng nhất, theo tôi, là dựa vào nguyên tắc mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Phải xác định rõ, loại hình nào áp dụng được mô hình này, mức độ tham gia của Nhà nước và tư nhân đến đâu để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Ngoài ra, cũng cần đổi mới tư duy trong lĩnh vực quản lý văn hóa, từ thụ động-trông chờ chuyển sang chủ động-tích cực, để nhà quản lý đồng thời phải là nhà quản trị, biết cách xây dựng thương hiệu, có kỹ năng kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để thiết chế văn hóa phát triển.

Phải xác định lấy nhu cầu văn hóa của người dân làm trung tâm, xây dựng Nhà nước kiến tạo trong phát triển văn hóa để tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào mọi khâu: quản lý-tổ chức-vận hành-giám sát các thiết chế và hoạt động.

Chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, đầu tư cho phát triển nên phải chấp nhận có thể rủi ro, mạo hiểm. Để có thể thu hút nguồn lực đầu tư, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp về thuế-phí-đất đai, thiết lập các quy định về khuyến khích tài trợ tư nhân hay xây dựng luật về tài trợ và hiến tặng cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tạo điều kiện hình thành và phát triển các quỹ tài trợ văn hóa, quỹ tín thác của các tổ chức văn hóa nghệ thuật, gắn kết nguồn tài trợ từ ngân sách công và tư nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!