Luyện tập trung: Đào một mỏ vàng vô tận

MỘT MỞ ĐẦU DÀI DÒNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Khi nói về tiếng ồn, ta hay nói đến decibel (dB/đề-xi-ben), là đơn vị thể hiện sự thay đổi nhỏ nhất của âm thanh mà tai người có thể nhận ra. Để đo thính lực, người ta dùng một cái máy đo được từ 0dB (im phăng phắc) tới 120dB (cực điếc tai). Cứ 10dB là 1 Bel, và Bel là lấy từ tên của nhà phát minh Alexander Graham Bell, người có nhiều câu nói cực kỳ thấm thía, nhất là khi ta... thất bại rồi. Thí dụ: “Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra; nhưng ta lại thường nhìn quá lâu, quá luyến tiếc vào cái cánh cửa đã đóng, đến nỗi không nhìn thấy cánh cửa đã mở ra”.

Alexander Graham Bell không chỉ giỏi mà còn ranh ma. Ông đã nẫng mất phát minh của kỹ sư người Italia Antonio Meucci. Meucci chỉ vì thiếu 250 USD phí cấp bằng mà cuối cùng bị người dùng chung phòng thí nghiệm với mình là Bell nộp đơn trước, trở thành “cha đẻ” của chiếc điện thoại. Mãi đến 2002, khi Meucci đã mất được 103 năm, tòa án mới phán quyết chính ông là người làm ra điện thoại. “Một niềm an ủi nhưng mà than ôi...”.

Sở dĩ nói đây là câu chuyện dài dòng vì bài lần này không phải về âm thanh, cũng chẳng về điện thoại, mà nhân đọc được câu nói thấm thía sau của Graham Bell: “Hãy tập trung mọi suy nghĩ vào công việc đang làm. Tia sáng mặt trời có hội tụ đủ mới đốt cháy được”, khiến vừa nhớ tới trò chơi dùng kính lúp hội tụ ánh sáng để đốt lá khi còn bé, vừa ngậm ngùi nghĩ tới căn bệnh thời đại mà hầu như người nào giờ cũng mắc: thiếu tập trung.

BỘ NÃO MẢI CHƠI

Trong một bài viết, tiến sĩ Julie Schwartzbard có than rằng thời đại này nhiều thứ khiến não mất tập trung quá. Khi lan man lật giở qua các trang tin, các video..., trí óc ta đi theo kiểu ping-pong từ đề tài này tới đề tài kia, trải khắp mọi lĩnh vực, tiêu tốn rất nhiều năng lượng của não, khiến khi cần đọc văn bản khó, cần ra quyết định... thì não cũng không còn mấy sức.

Sự chia trí khiến ta hay quên, làm việc nhiều sai sót và thiếu độ sâu. Ta cũng khó mà vui được do không thể tập trung đủ lâu vào một việc gì: đọc một đoạn văn dài đã khó, đừng nói đọc cả một quyển sách. Thậm chí nhiều người sau khi đọc một đoạn xong không biết đoạn ấy nói gì. Dần dà, sự thiếu tập trung khiến người ta hoang mang, thấy đời mình lam nham không đến nơi đến chốn. Người ta đâm lo âu, cáu kỉnh, thậm chí trầm cảm.

Nguyên nhân gây mất tập trung thì ai cũng biết rồi: đứng đầu là mạng xã hội, là điện thoại, là thông tin đầy ắp trên internet. Julie Schwartzbard cho biết, việc quá đắm chìm trên mạng có tác dụng xấu còn hơn cả một đêm mất ngủ.

Để tập trung được, não phải dùng tới ba loại chú ý:

Chú ý có chọn lọc: tập trung vào một việc thôi trong lúc xem nhẹ các việc khác.

Chú ý được chia nhỏ: giúp xử lý cùng lúc nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Chú ý bền vững: giúp giữ cho tập trung vào một việc gì đó trong một thời gian dài.

Mặc dù đã được trang bị tận răng ba loại chú ý trên để làm việc cho ra hồn, não nói chung vẫn rất... mất tập trung. Các tế bào thần kinh vốn “ham vui”, có phần láu táu, trước một thông tin gì cũng nhảy vào thông báo, kết nối, rồi phân tích. Với đặc tính ấy, não luôn kiếm cớ để rời bỏ khỏi việc mà nó đang phải tập trung, thí dụ, viện cớ ồn để đọc mãi không hiểu một trang sách.

Để giảm bớt chia trí, não lại có thêm một hệ thống phanh, ngăn những thứ linh tinh nảy ra trong đầu. Các nhà khoa học cho rằng bộ phanh này nằm ở vùng vỏ não ngay phía sau thái dương, rất tinh vi và dùng rất tốn năng lượng. Nhưng bộ phanh này làm việc thất thường: tốt ở người này và kém ở người khác. Thậm chí trên cùng một người, có khi phanh rất “ăn” nhưng có khi lại lơ là, để cho các yếu tố chia trí tha hồ dẫn dắt não.

Theo Julie Schwartzbard, một khi sự chia trí đã thâm nhập rồi thì khó mà ngăn nổi sự tò mò của não: não sẽ bỏ lửng việc mà mình đang phải tập trung (một bài học, một công việc), thoạt tiên chỉ định “ngó qua cho biết” (cái tin nhắn ấy nói gì, trong bếp mùi gì thơm thế...), rồi cứ vậy dấn sâu hơn, khiến đảo lộn hết: cái chia trí thành cái tập trung chính, việc đang làm bị nhòa xuống làm nền.

DÙNG Ý CHÍ LÀ TẬP TRUNG ĐƯỢC

May thay, sự mất tập trung là một thói xấu có thể tự sửa. Trước khi đưa ra các bài tập nhỏ sau, bài viết trên trang Healthline nói một câu chí lý, rằng có một thứ quý giá mà tất cả chúng ta đều có thể dùng nhiều hơn nữa, thoải mái như nhau, ấy là khả năng tập trung. Tiền thì người nhiều người ít, trí thông minh cũng vậy, toàn những thứ không phải cứ muốn là có; nhưng sự tập trung thì hễ luyện là có. Và có tập trung là có tất. Cứ quyết tâm là được. Nhưng bằng cách nào?

1. Loại bỏ những thứ chia trí

Là việc cần làm trước hết. Bắt đầu bằng những điều đơn giản như: tắt chuông và thông báo trên điện thoại, ra chỗ yên lặng mà làm việc, đóng cửa phòng, nói mọi người chung quanh đừng lân la trong một khoảng thời gian, tắt các chương trình hoặc ứng dụng không cần thiết trên máy tính.

2. Uống cà-phê từng liều nhỏ

Uống cà-phê hoặc thức uống có cà phê thành từng liều nhỏ sẽ giúp tập trung tốt hơn. Chớ uống nhiều và uống đậm không cuối cùng lại hồi hộp, không sao tập trung nổi.

3. Thực hiện kỹ thuật Pomodoro

Nếu bạn là người có nhiều việc cần phải làm cho xong, chung quanh bạn lại lắm thứ để chia trí, thì bạn rất nên thực hiện phương pháp quản lý thời gian Pomodoro của nhà tư vấn Francesco Cirillo có từ cuối những năm 1980, tức là cái thời mà sự chia trí mới chỉ bằng móng tay so với bây giờ.

Kỹ thuật ấy chia thời gian ra từng khoảng 25 phút, với những đoạn nghỉ ngắn 5 phút. Mỗi khoảng 25 phút kia gọi là một pomodoro, tiếng Italia nghĩa là cà chua, do cái đồng hồ nhà bếp mà Cirillo vẫn dùng thời còn sinh viên có hình quả cà chua. Bạn làm như sau:

Đặt thời gian 25 phút và bắt tay vào làm việc không ngắt quãng.

Khi chuông reo, nghỉ 5 phút. 

Lại đặt tiếp 25 phút, làm tiếp công việc kia. 

Cứ thế lặp lại chu kỳ, được bốn vòng thì có thể nghỉ lâu hơn, khoảng 20 đến 30 phút.

Lưu ý mỗi 25 phút ấy là để tập trung vào một việc duy nhất, làm cho đến xong, chứ không phải trong 25 phút thì làm linh tinh đủ thứ việc!

4. Nạp đầy cơ thể

Để não được tập trung, năng lượng phải đầy đủ; không để bụng đói và miệng khát mà làm việc, vì não sẽ kiếm cớ để bạn phải đứng dậy. Tuy nhiên cần tránh ăn vặt. Những khoảng nghỉ 5 phút của phương pháp Pomodoro là lúc để bạn nạp những thứ tốt lành vào, đặc biệt là hoa quả.

5. Ngủ đủ

Ai cũng biết ngủ đủ thì làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu bạn là người ngủ kém, hãy thử luyện sự tập trung theo các bước đã nói trên, rồi bạn sẽ thấy đến cuối ngày, khi xong việc và xoa tay thỏa mãn, bạn sẽ được ngủ ngon.

6. Đặt ra mục tiêu khôn ngoan

Nếu sự thiếu tập trung của bạn là do đứng trước một công việc quá ngổn ngang, không biết bắt đầu từ đâu; hãy chẻ nhỏ việc ấy thành nhiều phần và trả lời các câu hỏi: Phần này đóng vai trò gì trong tổng thể? Cần làm những gì cụ thể? Khi nào phải xong?

Cảm giác hoàn tất rất quan trọng (chẳng phải ta vẫn ngán ngẩm vì cảm giác dở dang sao?), và bạn chỉ có thể hào hứng mà tập trung khi thấy công việc tiến triển, dù từ từ nhưng gọn ghẽ.

7. Quản tâm trí mình chặt hơn

Tâm trí ta rõ ràng là một kẻ khác đi cạnh ta, ham chơi, lười nhác, thậm chí hư hỏng; người có ý chí là người quản được tâm trí mình, biết nó đang ở đâu, lôi nó về làm việc cùng mình. Trong luyện sự tập trung, phải luôn ý thức mình đang làm việc gì, cần đạt được gì, không để tâm trí rủ rê mình tạt ngang tạt ngửa hay bỏ cuộc.

8. Tập trung mỗi lúc một việc

Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, hiệu suất của làm nhiều việc cùng lúc sẽ giảm đến 40%. Thế nếu bạn là người có lắm việc cùng lúc thì sao? Trang Healthline khuyên, để đỡ phân tán, hãy gộp những việc na ná nhau lại làm cùng một lúc; bạn sẽ làm được rất nhiều, hơn là lắt nhắt bộ môn này 10 phút, bộ môn kia 10 phút...

CŨNG LÀ MỘT NIỀM VUI

Cuối cùng, giữa thời dịch bệnh, khi ai nấy dễ rơi vào buồn chán vì “bất động”, ta nên tự động viên mình bằng cách tranh thủ lúc này để học những kỹ năng mới, lục lại những kho tàng chưa dùng hết, mà trong số đó, sự tập trung của bản thân là một mỏ năng lượng vô tận.

Ai cũng muốn sống lâu nhưng mỗi ngày lại làm rất nhiều việc để “giết thời gian”, đủ biết ta thấy cái thời gian sống ấy có phần đáng chán, manh mún và chậm chạp. Luyện được sự tập trung rồi, bạn sẽ thấy thời gian trôi qua ngăn nắp mà nhanh đến khắc nghiệt; bù lại, những thứ bạn làm cũng sẽ “ra tấm ra món” hơn, dù đó là việc nhà, việc cơ quan, hay chỉ là một giờ giải trí.