Theo dòng đời sống

Khi nghệ sĩ chuyển nghề giám khảo

Mới đây, trên sân khấu Lễ trao giải VTV Awards 2016, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chia sẻ một câu chuyện vui. Rằng anh luôn bị nhầm là nhạc sĩ, bởi khán giả đã quá quen với hình ảnh Dũng ngồi ghế nóng, khi thấy anh bền bỉ đồng hành suốt năm mùa tìm kiếm Thần tượng âm nhạc Việt Nam. Có lẽ vì thế, người ta đã kịp quên, Dũng từng là một đạo diễn điện ảnh có tài. Và mặc định, anh đã chuyển nghề làm giám khảo!

Trấn Thành, Việt Hương, Huy Tuấn - Bộ ba giám khảo của chương trình Tìm kiếm tài năng 2016.
Trấn Thành, Việt Hương, Huy Tuấn - Bộ ba giám khảo của chương trình Tìm kiếm tài năng 2016.

Giám khảo - cung không đủ cầu

Sự phát triển ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) dạng tìm kiếm tài năng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã đặt ra một nhu cầu cấp thiết về lực lượng giám khảo. Mỗi gameshow phải có từ ba đến bốn người giữ vai trò cầm cân nảy mực, trong đó chỉ một người duy nhất là giám khảo khách mời. Những gương mặt cố định còn lại sẽ phải theo suốt hành trình kéo dài nhiều tháng. Đó là còn chưa kể tới khá nhiều giám khảo, nhờ được khán giả yêu thích, sẽ được nhà sản xuất ưu ái mời chấm thi hết mùa nọ tới mùa kia như trường hợp đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với Thần tượng âm nhạc, vận động viên dance sport Khánh Thi với Bước nhảy hoàn vũ, nhạc sĩ Huy Tuấn và người mẫu Thúy Hạnh với Tìm kiếm tài năng, danh hài Hoài Linh và nhạc sĩ Đức Huy với Gương mặt thân quen...

Để thu hút sự quan tâm của công chúng, giám khảo phải là người nổi tiếng. Dù để mời được những ngôi sao đình đám như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà... chịu bỏ vài tháng trời chạy sô để ngồi ghế nóng, nhà sản xuất phải ký những bản hợp đồng được dư luận đồn đoán là có giá trị cực lớn.

Vài năm trước đây, khi số lượng chương trình còn khiêm tốn, những gương mặt nổi tiếng được chọn lựa làm giám khảo thường phải hội đủ một số yếu tố cần thiết: tiếng nói có trọng lượng với công chúng; có hiểu biết tương đối chuyên sâu về lĩnh vực phải “cầm cân, nảy mực”; đang là cái tên ăn khách và có độ nóng nhất định với thị trường; thông minh, hóm hỉnh, có cá tính và dám thể hiện cá tính ấy như một điểm nhấn tạo sức hút của chương trình... Giờ thì THTT phủ sóng từ đài trung ương tới đài địa phương, từ VTV3, HTV7, HTV9 đến THVL1, THVL2... Những cái tên nổi tiếng trong giới đều đã hiện diện, được nhà sản xuất tận dụng với đủ loại phiên bản: cho thí sinh người lớn lẫn trẻ em, cho người bình thường lẫn người nổi tiếng. “Cung” đang đuối sức, trong cuộc chạy đua nước rút đuổi theo “cầu”. Vì thế, chuyện người nổi tiếng nhất loạt chuyển nghề giám khảo xem ra chẳng có gì lạ.

Cứ nổi tiếng là đủ tiêu chuẩn ngồi ghế nóng

Thế nhưng, mọi nỗ lực tìm kiếm xem ra vẫn không đủ. Và vì vậy, khung giờ vàng của ba đêm cuối tuần giờ đây đã trở thành diễn đàn cho các vị giám khảo trẻ măng - cả về tuổi nghề lẫn tuổi đời, thỏa sức thể hiện. Không thể phủ nhận, họ đều đang nổi tiếng, dù theo nghĩa tích cực hay tiêu cực. Và tiêu chuẩn lựa chọn giám khảo ngày càng hạ xuống, tới mức không thể đơn giản hơn. Giờ thì họ chỉ cần có ngoại hình trẻ đẹp cùng biểu cảm linh hoạt, thêm chút hoạt ngôn, khôn khéo là đủ tự tin lên sóng.

Nhưng dàn thí sinh (trong đó nhiều khi có cả người nổi tiếng) liệu có thể “tâm phục, khẩu phục” trước những cái tên giám khảo chưa hội đủ bề dày kinh nghiệm lẫn uy tín nghề nghiệp như cô bé Phương Mỹ Chi (Cùng nhau tỏa sáng), Diễm My 9X (Ca sĩ giấu mặt), người đẹp Trương Thị May (Hãy nghe tôi hát), hay các ca sĩ Gil Lê (Làng hài mở hội), Isaac và Tóc Tiên (Thần tượng âm nhạc nhí), Trọng Hiếu (Thần tượng âm nhạc), Dương Triệu Vũ (Dám chinh phục ước mơ, Tuyệt đỉnh song ca) hay hai người đẹp Phạm Hương - Lan Khuê với The Face... Đó là còn chưa kể tới những vị giám khảo mà độ nóng tỷ lệ thuận với những scandal tai tiếng xoay quanh chuyện tình trường, khoe thân hay đạo nhạc như cô ca sĩ nói chưa sõi tiếng Việt Hari Won (Biến đổi hoàn hảo), diễn viên Angela Phương Trinh (Ngôi sao mới) hay Sơn Tùng M-TP (Hòa âm ánh sáng)... Vì thế, những biểu cảm quá đà (lạy thí sinh và cả BGK, lạm dụng nước mắt khi khóc lóc quá nhiều gây phản cảm, hào phóng lời khen tặng với mọi đối tượng thí sinh hay biến sóng truyền hình thành nơi đùa cợt, giao đãi...) của các vị giám khảo trẻ này đã và đang khiến dư luận không ít lần bức xúc.

Ai cũng hiểu, sức hút của một chương trình THTT phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giám khảo. Với sức hút tự thân của một ngôi sao, sự góp mặt của họ là yếu tố bảo đảm chỉ số người xem (rating) cao, từ đó tạo sức hút quảng cáo lớn và là tiền đề thành công (cả về danh tiếng lẫn tiền bạc) cho nhà sản xuất. Thậm chí trước mỗi chương trình lên sóng, thành phần giám khảo luôn được đơn vị tổ chức úp mở, chia sẻ nhỏ giọt để tạo sự tò mò.

Khi nghệ sĩ chuyển nghề giám khảo ảnh 1

NSƯT Thành Lộc - Vị giám khảo quen thuộc của chương trình Tìm kiếm tài năng.

Giờ thì họ chỉ cần có ngoại hình trẻ đẹp cùng biểu cảm linh hoạt, thêm chút hoạt ngôn, khôn khéo là đủ tự tin lên sóng.

Lợi bất cập hại?

Với giới nghệ sĩ, hành nghề giám khảo chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Khác với vai trò “quyền sinh quyền sát” trước kia, quyết định của BGK hiện chỉ chiếm 50%. Nửa quyền chọn tài năng còn lại được giao vào tay khán giả. Vì vậy, việc am hiểu sâu một lĩnh vực nghệ thuật cụ thể được đặt lên vai một vị giám khảo chuyên môn duy nhất trong đội hình. Nhóm còn lại, cứ thoải mái tung hô, bao bọc, ve vuốt thí sinh bằng những lời khen tặng. Vừa không làm mất lòng ai, vừa thêm phần nổi tiếng và góp phần định vị thương hiệu cá nhân sau mỗi tuần phát sóng, lợi cả đôi đường!

Nhưng việc phải theo đuổi một cuộc thi kéo dài, phải di chuyển liên tục với tần suất dày đặc qua nhiều thành phố, phải xuất hiện đều đặn vào mỗi cuối tuần chắc chắn sẽ khiến công việc chuyên môn và các dự án phát triển nghề nghiệp của nghệ sĩ bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể ngoài công việc chấm thi, giám khảo giờ còn kiêm nhiệm cả chức năng huấn luyện viên (HLV). Quỹ thời gian đã bị chiếm dụng toàn bộ, khi họ phải dồn tâm sức cho từng thí sinh và cho cả đội. Họ phải chọn lựa và dựng bài, phải luyện thanh, lo hòa âm phối khí, nắn sửa từng dáng đi, thế đứng đến lo lắng trang phục, đầu tóc cho từng thí sinh. Và đêm liveshow cuối tuần chỉ là công đoạn cuối cùng cho mọi cố gắng đó. Nghệ sĩ hải ngoại phải di chuyển như con thoi giữa hai quốc gia. Nghệ sĩ trong nước phải dừng lại mọi dự án dài hơi để tập trung làm tròn nhiệm vụ trước mắt. Vài năm liền chạy sô như thế, mọi tác phẩm mới mãi dừng ở ý tưởng, không thể ra mắt công chúng.

Quan trọng hơn, những quán quân bước ra từ các cuộc thi, với hành trang thừa thãi lời tung hô hào nhoáng, rỗng tuếch mà thiếu đi những nhận xét, đánh giá chuyên môn thẳng thắn, chân tình làm sao có thể đi xa trên con đường nghệ thuật? Đó là điều đáng lo nhất.

Gần đây, showbiz Việt đang chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các giọng ca hải ngoại vào hàng ghế giám khảo của các chương trình trong nước. Hầu hết những tên tuổi đã thành danh ở nước ngoài - sau bước đi mở đầu thành công của các danh hài Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương hay nhạc sĩ Đức Huy, ca sĩ Tuấn Ngọc... đều đã dần dần tề tựu đông đủ trên ghế nóng. Các ca sĩ Vũ Khanh, Ý Lan, Hoạ Mi chấm Solo cùng Bolero 2016; Bằng Kiều tìm kiếm Vietnam Idol 2016; Giao Linh, Phương Dung, Trường Vũ, Thanh Hà với Tình Bolero 2016; Thái Châu, Phương Dung, Lưu Bích, Nguyễn Hưng có mặt trong Hãy nghe tôi hát; Tuấn Ngọc và Minh Tuyết trong Tiếng hát mãi xanh 2016; Phi Nhung, Thái Châu ngồi ghế nóng Ngôi sao phương Nam... Các danh hài Vân Sơn, Quang Minh, Hồng Đào chấm Người bí ẩn (mùa thứ ba); Kiều Oanh chấm Cười xuyên Việt, Việt Hương tung tẩy trong mọi chương trình hài mà mới đây nhất là Người nghệ sĩ đa tài... Góp phần hạ nhiệt cơn sốt tìm kiếm giám khảo, lại vẫn có được những cái tên an toàn, hút khách, cách làm này đang thể hiện rõ tính khả thi và được đông đảo công chúng ủng hộ nhiệt tình.