Hồn quê

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh tại Hà Tĩnh (1892-1984), là sinh viên khóa đầu tiên của Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Em cho chim ăn, Người bán gạo - tác phẩm này được bán với giá hơn 8 tỷ đồng do Christie’s International tổ chức ở Hồng Kông ngày 25-5-2013.

Người bán gạo. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
Người bán gạo. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.

Khoa giáo hội họa phương Tây (giải phẫu cơ thể) học ở trường Mỹ thuật chỉ là phương tiện và cái nền giúp Nguyễn Phan Chánh “kể” những câu chuyện nhà quê của mình. Ông là một người nhà quê vĩ đại. Cả một đời vẽ, chỉ vẽ nhà quê ( như: Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Hái rau muống, Chăn trâu trong rừng, Chống hạn gặp mưa...) và ngay cả khi không vẽ quê mà vẽ tỉnh thì cũng là những chuyện ở tỉnh đượm hồn quê.

Những người quê, cảnh quê, chuyện quê trong tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh là những cảnh quá đỗi thân thương, dung dị, ai cũng thấy. Nó quen thuộc, nó hằng ngày đến mức không ai còn thấy nữa, chỉ có Nguyễn Phan Chánh mới nhìn thấy. Ông đã làm những điều giản dị ấy lung linh lên, huyền ảo lên làm những người ấy, cảnh ấy sống lại và sống mãiNgười bán gạo là một thí dụ. Bao giờ thì nghệ thuật cũng giúp người ta phát hiện ra vẻ đẹp trong cái bình thường hằng ngày ở ngay quanh mình như thế.

Ai mà chả biết phong cách hội họa của Nguyễn Phan Chánh là kiến thức hội họa phương Tây kết hợp với tinh thần Á đông nhưng quan trọng là ông đã biến những yếu tố chung chung đó thành cái riêng của mình thế nào?

Cách tạo hình nhân vật của Nguyễn Phan Chánh không hoàn toàn theo nguyên tắc giải phẫu cơ thể Tây phương, nó chỉ gần đúng hình thôi, đặc biệt là điểm nhìn tối giản thiên về mảng phẳng cả nền và hình, những hình người gần như phẳng, có đậm nhạt để gợi khối chứ không tả khối nhưng rất ít cũng như rất kiệm nét. Mảng, khối, nét nhòe lẫn trong nhau khi mờ khi tỏ. Hội họa của Nguyễn Phan Chánh thực nhưng không tả thực. Bức tranh Người bán gạo chỉ có hai nhân vật, một người bán, một người mua, điểm nhìn cận cảnh, bố cục chặt.

Người bán gạo cũng như các tác phẩm khác, Nguyễn Phan Chánh ưa dùng một bảng mầu ít tương phản nóng lạnh và cũng ít tương phản đậm nhạt. Bao giờ cũng là một tông trung độ với những vàng đất, nâu non, gạo nếp, xanh rêu, cỏ úa, vỏ đỗ... nó gợi đến mầu của mái rạ, sân gạch, tường trình; mầu của nông thôn, của dân dã. Chả thể ngờ được bảng mầu quê mùa ấy qua Nguyễn Phan Chánh lại trở nên sang trọng đến thế.

Độc đáo nhất là nhân vật chính, người bán gạo không thấy mặt, quay lưng lại với người xem và ở ngay tiền cảnh. Không phải chỉ ở thời điểm vẽ mà ngay cả bây giờ, bố cục này vẫn rất hiện đại. Trong tất cả những bức tranh đã biết của Nguyễn Phan Chánh thì Người bán gạo là tác phẩm duy nhất có bố cục như vậy.