Hai tin vui và một tin còn đáng ngờ

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Một lịch sử nhờ voi

Ngày nay khi chơi bi-a, chắc không mấy ai nhớ đã có một lúc môn này gắn liền với sự đau đớn của loài voi. Theo trang Smithsonian, những quả bóng bi-a tốt nhất được làm từ ngà voi tươi châu Á. "Không chất liệu tự nhiên nào có kích cỡ, sức mạnh và vẻ đẹp thích hợp với những quả bóng này bằng ngà voi... Ngà voi tươi được chuyển tới các cửa hàng ở New York và Chicago, để từ một khối ngà, các bậc thầy chế tác đẽo xuống chỉ còn vài khối cầu sáng bóng...".

Bi-a đến Mỹ, trở thành môn giải trí thịnh hành và ngành kinh doanh là nhờ Michael Phelan, được gọi là "cha đẻ của bi-a Mỹ". Ông viết sách về bi-a, đặt ra các luật lệ và đề ra các tiêu chuẩn của hành vi (khi chơi). Ông gắn kim cương vào bàn để người chơi nhắm cho dễ và cho điệu; ông làm các loại bàn mới, thảm mới; mỗi tuần lại có hẳn một cột báo chỉ bàn về môn này.

Bi-a càng thịnh hành thì voi càng khổ, tuy voi vốn đã khổ vì ngà được dùng làm lược, quân cờ, nữ trang. Năm 1856, nhà khoa học Alexander Parkes làm ra chất parkesine thay thế ngà voi; chất này có gốc thực vật, vừa cứng, vừa giòn, vừa dễ cháy, rất tốn tiền mới làm ra được, tính ứng dụng lại kém, nhưng vẫn được coi là "cụ tổ plastic". Đến năm 1869, công ty của Phelan đề nghị thưởng 10.000 USD cho bất kỳ ai tạo ra được một vật liệu thay thế ngà voi làm bóng bi-a. Lúc bấy giờ, nhà hóa học John Wesley Hyatt bèn kế thừa chất parkesine cứng như đanh kia, cải tiến kỹ thuật thêm nhiều, tạo ra được chất celluloid kỳ diệu, vừa uốn được thành nhiều hình thù lại vừa "giả dạng" được đồi mồi, sừng trâu và dĩ nhiên là ngà voi. Người ta coi celluloid của Hyatt là một cuộc cách mạng và "thế mới là plastic chứ", vừa mềm, vừa dễ sản xuất hơn nhiều, được coi là plastic mềm đầu tiên.

Nhưng phải tới năm 1907 thì ta mới có bakelite là plastic hoàn toàn nhân tạo, chẳng có gì là thực vật, có thể sản xuất đại trà, rẻ và tràn ngập. Plastic tiến hóa thần tốc từ đó. Giờ đây, chỉ cần nhìn quanh, trong bán kính 40 cm tức hai gang tay, thể nào cũng phải có ít nhất một hai món có plastic: dây điện, điện thoại... Thế mạnh nhất cũng là điều kinh khủng nhất của plastic chính là bền. Khoa học mới ngày nào hân hoan trước cái bền ấy nay đã loay hoay không biết làm sao để thoát khỏi nó. Nhưng con người đã quá phụ thuộc vào plastic; nó đã trở thành một phần không thể tách rời, như không khí, như nước uống. Người ta đành vớt vát mở cuộc chiến nhắm vào những sản phẩm plastic dùng một lần - những thứ có ích trong một vài giờ và là rác trong cả nghìn năm. Cuộc chiến ấy đã có lúc đạt được những bước đi quan trọng, thế rồi thất thủ nặng nề trước đại dịch Covid-19 khi khẩu trang, găng tay, áo quần bảo hộ, cùng bao nhiêu thứ plastic dùng một lần đã lên ngôi, trong mục đích lớn nhất là bảo vệ con người khỏi virus.

Trong tâm trạng vừa lo sợ, vừa ngậm ngùi vì không sao thoát khỏi plastic, hẳn ai quan tâm tới môi trường cũng sẽ vui mừng khi chỉ trong tháng tư vừa rồi mà có tới vài thành tựu khoa học mở ra hướng xử lý triệt để cho plastic.

Thành thức ăn cho giun

Thường sau khi có một kết quả xuất sắc rồi người ta hay nghĩ ra những câu chuyện khởi nguồn thật dễ thương kiểu Newton bị quả táo rơi vào đầu mà nghĩ ra lực hấp dẫn. Trong trường hợp của Ting Xu (Đại học Berkeley), tạp chí Smithsonian kể rằng, khi đi lấy đất trồng cây trong vườn nhà bố mẹ, Xu thấy có lẫn nhiều rác plastic không phân hủy. Ròng rã suốt mười năm, cô đau đáu tìm ra một thứ plastic "như ý": bền khi dùng và phân hủy nhanh khi không dùng nữa. Kết quả này được công bố ngày 21-4-2021 trên tạp chí Nature.

Thực ra thị trường cũng đã có plastic phân hủy sinh học, là những cái túi mà ta vẫn chê là "Chẳng bền gì cả! Mới dùng đã mủn". Tuy nhiên những chiếc túi này muốn phân hủy đến tận cùng thì phải qua xử lý đặc biệt, còn không thì chỉ bị mủn nhỏ ra thành... rác plastic vụn, vẫn nằm bền bỉ trong đất.

Loại plastic của Ting Xu có các enzyme ăn nhựa "trà trộn" với các hạt polimer. Hạt enzyme được gói kín mít bằng một màng mỏng, không để lọt ra khi chưa đến lúc, nên khối plastic vẫn dẻo dai như plastic thông thường. Khi sản phẩm plastic dùng xong bị vứt vào bô rác, gặp lòng đất ẩm từ 50 độ C trở lên, các enzyme ăn nhựa sẽ tự phá vỏ bọc chui ra, "chén" luôn các hạt polimer chung quanh, biến chúng thành thức ăn cho vi sinh vật trong đất. Chưa tới một tuần, khối plastic đã bị tiêu hủy đến 98 phần trăm.

"Hãy cho tôi 300 cái chai nhựa..."

Cùng thời điểm Ting Xu công bố loại plastic trên, nhóm của Dionisios Vlachos (Đại học Delaware) cũng công bố cách biến các món plastic dùng một lần thành dầu đốt hoặc chất bôi trơn.

Đây cũng không phải là một thứ mới toanh. Quy trình này vốn có tên pyrolysis, đại khái là đốt nóng plastics, bẻ gãy các cầu nối hóa học, đưa plastic về lại các thành phần ban đầu. Cái phức tạp là cần nhiệt độ rất cao (400 - 800 độ C), nhưng nay chỉ cần 225 độ là đã biến được rác plastic thành nhiên liệu dùng luôn cho xe cộ, máy bay, hoặc làm chất bôi trơn. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn. Theo Vlachos, bí quyết ở đây là hai chất xúc tác tạm gọi là A và B, "bình thường từng cái làm ăn chẳng ra gì, hợp lại thì nên chuyện thần kỳ, đun chảy plastic và tiêu sạch plastic".

"Đây là kỹ thuật đầu tiên có thể biến 85 phần trăm nguyên liệu gốc là những plastic khó nhằn nhất thành dầu nhớt có ích," Dionisios Vlachos nói. Ông hào hứng bảo, cứ cho ông 300 cái chai nhựa loại 0.5 lít là ông đốt ra cho 3.8 lít xăng mà dùng! Tuy nhiên đây mới là bước đầu. Tuy đội Vlachos đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho kỹ thuật này, nhưng ông bảo để chuyển sang dùng được quy mô lớn thì còn phải nghiên cứu thêm nhiều nữa.

Giết muỗi là đúng hay sai?

Đọc tin khoa học, ta thấy tất cả là vì con người. Làm ra plastic hay tìm cách phân hủy plastic cũng là vì con người. Vì con người, khoa học sẵn sàng can thiệp thiên nhiên, đôi khi thô bạo và tất nhiên gây tranh cãi.

Tháng tư vừa qua, một công ty ở Anh là Oxitec, sau một thập kỷ chiến đấu để vượt qua các quy định phức tạp và được số đông cộng đồng chấp thuận, lần đầu tiên đã thả ra một đàn muỗi biến đổi gien tại... Florida Keys (Hoa Kỳ).

Tại sao lại đem muỗi sang Mỹ thả? Sao không thả ở Anh? Nhìn trên bản đồ, Florida Keys là một vùng đảo tít cùng phía nam của bang Florida. Tại đây có loài muỗi hoang Aedes aegypti chuyên mang mầm bệnh Zika đầu nhỏ, sốt xuất huyết, sốt vàng da và sốt viêm khớp chikungunya - toàn các bệnh nguy hiểm. Năm 2020, ở Florida Keys bùng phát dịch sốt xuất huyết - là điều 10 năm qua không xảy ra. Lo ngại muỗi đã kháng lại các thể loại thuốc xịt, vùng này đã tìm đến một giải pháp thay thế của Oxitec là dùng muỗi biến đổi gien.

Ta vẫn biết trong thiên nhiên, theo "truyền thống" muỗi đực chỉ ăn hương ăn hoa chứ không đốt hút máu do đó không truyền mầm bệnh. Oxitec tạo ra một loại muỗi đực mang trong mình một loại gien đặc biệt. Khi thả ra thiên nhiên, chúng "kết hôn" với muỗi cái hoang dã, truyền gien này cho lăng quăng. Gien này sẽ giết chết lăng quăng cái, chỉ để nở ra muỗi đực. Muỗi đực con không chết nhưng đã mang gien kia và lại truyền tiếp cho con cháu. Số lượng muỗi cái teo đi dần do chết từ trong trứng nước, quần thể Aedes aegypti hoang dã cũng theo đó mà tàn lụi dần.

Để theo dõi hiệu quả của việc này, muỗi đực Oxitec lại còn mang một gien đánh dấu huỳnh quanh khiến nó phát sáng khi gặp ánh sáng đèn, nhờ đó ta phân biệt rất dễ, chỉ nhìn vào đàn muỗi đang bay vòng vo là có thể biết lượng muỗi đực Oxitec "cài" vào đã tăng được nhiều chưa. Phần muỗi cái thì đúng là có mắt như mù, không nhận ra được điều đó và vẫn sẽ đâm đầu vào những anh chàng Oxitec đẹp mã mà "chết chóc".

Cuối tháng tư vừa qua, Oxitec đã đặt các hộp trứng muỗi này tại sáu địa điểm của Floriday Keys. Họ dự tính lứa muỗi đực đầu tiên sẽ nở vào hai tuần đầu của tháng năm. Trong 12 tuần tiếp theo, cứ mỗi tuần đều đặn có khoảng 12 nghìn muỗi đực thoát ra từ những chiếc hộp này. Đến giai đoạn thứ hai trong năm nay, sẽ có gần 20 triệu muỗi biến đổi gien nở ra trong vòng 16 tuần.

Kế hoạch theo lý tưởng là như vậy. Nhưng nhiều cư dân cho rằng việc này phá vỡ hệ sinh thái. Rồi có chắc là lăng quăng cái sẽ chết hết không hay những con sống sót lại sinh ra một giống muỗi quái thai? Và tiêu diệt cả một loài muỗi (dù là có hại) có phải là một việc được quyền trước thiên nhiên không?... Họ dọa sẽ xịt thuốc diệt côn trùng ở những nơi thả muỗi. Oxitec đã nhiều lần tiếp xúc với cộng đồng để giải đáp các chất vấn, tuy nhiên người ta không tin mấy vì lời giải thích là của... công ty!

Kết quả thế nào có lẽ phải vài năm nữa mới biết. Hiện nhân viên của Oxitec vẫn phải canh chừng các hộp trứng muỗi. Các hộp này được đặt trong những khu vườn riêng có hàng rào, không tiết lộ cụ thể cho cộng đồng chính xác địa điểm là ở đâu, phòng ai đó có thể mang bình thuốc muỗi tới xịt. Hành động ấy, những người xịt thuốc gọi là bảo vệ tự nhiên, còn Oxitec gọi là "phá hoại".