Vắc-xin cho hôn nhân

NDO - Trước mùa những "đôi uyên ương" làm tổ, ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến các khóa học tiền hôn nhân để trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cơ bản những mong thể hiện tốt thiên chức làm chồng, làm vợ.

Thảo Lê hiện đang là tư vấn viên cho một công ty nước ngoài chuyên về xuất nhập khẩu. Con gái làm luật vốn được coi là sắc sảo, chặt chẽ, vậy mà hè vừa rồi, khi Dũng, bạn trai cô, bàn đến chuyện cưới xin, cô thảng thốt lo lắng mất mấy hôm. Nỗi lo của Lê không hẳn là vô căn cứ khi những cặp vợ chồng trẻ sống ở đô thị hiện nay phải đối mặt khá nhiều khó khăn, thách thức. Tình yêu của họ tuy đã đủ chín để tiến tới hôn nhân, nhưng để duy trì, gắn kết thành một gia đình bền vững quả là khó khăn khi nghề nghiệp chuyên môn đang ở giai đoạn cần cố gắng phấn đấu hơn nữa để khẳng định mình, khi kinh tế cả hai bên đều ở bước khởi đầu.

 Lê quyết định cùng chồng chưa cưới đăng ký tham gia khóa học tiền hôn nhân, mà theo cô là một liều vắc-xin cho đời sống vợ chồng, ít nhất là trong những năm đầu chung sống. Ðây cũng là xu hướng mới của giới trẻ đô thị với mong muốn vun đắp thêm sự bền vững trong hôn nhân.

Tiến sĩ Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Con người, một trong những thành viên tham gia giảng dạy khóa học tiền hôn nhân tại Trung tâm Ðào tạo và Phát triển cộng đồng cho biết, mỗi khóa học có khoảng trên dưới mười học viên được giới thiệu năm chuyên đề chính. Những vấn đề thật ra không có gì mới mẻ, to tát, chỉ là sự truyền đạt những trải nghiệm của những người từng trải trong hôn nhân với người trẻ, từ đó giúp họ đối diện với một thực tế của đời sống gia đình. Tuy nhiên, những kiến thức và trải nghiệm đó được nhìn nhận dưới góc độ toàn diện hơn.

Với mỗi buổi, học viên được gợi mở một vấn đề từ những tình huống cụ thể đề cập đến đời sống gia đình sau khi kết hôn. Những xung đột thường gặp trong hôn nhân, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình cùng sự phân chia lao động như thế nào là hợp lý, giữ gìn sức khỏe sinh sản như thế nào cho đúng cách, vấn đề tình dục an toàn... Học viên cùng phân tích, thảo luận tình huống, giảng viên đóng vai trò gợi mở, tổng hợp ý kiến và tổng hợp cách giải quyết.

Trên thực tế, những cặp vợ chồng trẻ thường nảy sinh nhiều vấn đề khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Có những cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ vì những lý do hết sức đáng tiếc.

Anh Nguyễn Quang Sơn, kỹ sư lập trình máy tính ở Hà Nội, từng tham gia khóa học này cho biết, anh thấy chuyên đề thú vị của khóa học nhất là sự phân chia lao động. Vợ chồng anh tham gia học khi đã cưới nhau. Tuy thế, anh vẫn thấy rất thích thú vì cảm giác trải nghiệm cuộc sống mới. Khi giảng viên đề nghị tham gia một trắc nghiệm nhỏ, rằng hãy liệt kê những việc gia đình cần làm mỗi ngày, thường lượng việc đấng mày râu đảm nhận chỉ bằng một phần ba, thậm chí một phần sáu số lượng đầu việc của chị em!

Ðôi bạn Lê - Dũng hiện đang học được ba chuyên đề. "Chồng tương lai của tôi vốn là con một, lại được bố mẹ chiều, cho nên tôi lo ngại sau này chung sống với nhau, chồng tôi không chia sẻ việc gia đình cùng vợ. Tôi rất mừng vì anh ấy đã đồng ý cùng tôi theo học khóa học này", Lê nói.

 Họ đã "bí mật" rủ nhau đi làm một số xét nghiệm cũng như tiêm phòng một số bệnh cần thiết để chuẩn bị cho đám cưới theo dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay. Có người cho rằng đôi trẻ lo quá xa, nhưng bản thân họ muốn có sự chuẩn bị. Bởi theo như họ biết, các loại thuốc tiêm phòng đều chỉ định, sau tiêm phòng ít nhất một tháng mới nên thụ thai, trong khi họ đều quan niệm, con cái trời cho, họ không muốn bị ức chế trong thời gian đầu chung sống.

Bác sĩ Hồ Mai Hoa, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản, thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, những đôi bạn trẻ đưa nhau đi khám sức khỏe trước khi kết hôn có xu hướng nhiều hơn. Từ thực tế tiếp xúc trong lĩnh vực này nhiều năm, bà cho rằng, phần đông người trẻ vẫn có tâm lý ngại kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn. Hầu hết họ cho rằng, việc làm đó là không tôn trọng, không tin tưởng người chồng/người vợ tương lai của mình. Tôi khuyến khích họ nghĩ theo cách khác, đó là cách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hạnh phúc của cả hai người.

Một số liệu mới đây từ Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam) cho biết, 30% số vụ ly hôn có nguyên nhân mâu thuẫn về lối sống, thiếu kỹ năng khi chung sống. Nói chuyện với nhau về tiền bạc, về quản lý chi tiêu trong gia đình, thậm chí cả những vấn đề tế nhị như quà Tết cho bố mẹ, họ hàng, hay chuyện một trong hai người có phải trợ cấp hằng tháng cho bố mẹ hay không, rồi công khai hay không chuyện chồng hay vợ có khoản nợ nào đang phải thanh trả... Tất cả những chuyện "nhỏ nhặt" đó đều được đan cài, đề cập đến trong suốt các chuyên đề của khóa học. Và thông qua những buổi tiếp xúc, thảo luận đó, các cặp đôi sẽ có điều kiện hiểu nhau hơn về quan điểm và cách nhìn nhận cuộc sống...

Sự chín chắn trong tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân như đôi trẻ Lê - Dũng, như Sơn, và nhiều bạn trẻ khác trong điều kiện xã hội hiện nay không phải là số ít. Mong muốn rồi đây, những khóa học về tiền hôn nhân được giới trẻ đón nhận, tham gia nhiều hơn nữa, góp phần cổ vũ thêm lối sống lành mạnh của giới trẻ.