Ứng phó thiên tai không được phép lơ là, chủ quan!

Ngày 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 57/CĐ-TTg, yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân. Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 8/8/2023, nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 1/4/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Khu phố tại phường Phương Thiện (thành phố Hà Giang) bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: HỒNG THIỆP
Khu phố tại phường Phương Thiện (thành phố Hà Giang) bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: HỒNG THIỆP

Trước đó, trong hai ngày 9 - 10/6, mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều nơi ở Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, tại Hà Giang được nhận định mưa lũ lớn nhất trong 30 năm qua, thành phố Hà Giang và nhiều nơi thuộc huyện Vị Xuyên "chìm" trong biển nước, khiến ba người tử vong, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ này có 2.364 nhà bị ngập nước, hư hại; 2.387 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 157 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt.

Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia, trận lụt ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang… này mới chỉ là sự khởi đầu rất nhỏ trong mùa mưa bão năm nay. Dự báo, sẽ có các trận mưa lớn, lũ quét và ngập đô thị trong tháng 8, 9 ở miền bắc. Cao điểm của các đợt mưa lụt sẽ diễn ra trong giai đoạn ba, vào tháng 9, 10 và 11 ở miền trung, có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp từ 1,1 - 1,9 độ C; mức trung bình có thể vượt quá 1,5 độ C. Với mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay, khí hậu đang gánh chịu những tác động nặng nề như: các đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn, lượng mưa cực lớn, giảm lượng băng ở cả trên biển và sông băng; đẩy nhanh mực nước biển dâng và sự nóng lên của đại dương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu kéo dài, hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục ấm lên do hiệu ứng nhà kính. Thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn do nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm trong bầu khí quyển.

Đây chính là lý do các chuyên gia lo ngại, thiên tai, thời tiết ngày càng diễn biến bất ngờ, khó lường. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp mang tính lâu dài, như xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050, các địa phương cần rà soát kỹ kịch bản phòng chống thiên tai để có phương án ứng phó hợp lý nhất đáp ứng thực tiễn. Cùng với tăng cường chất lượng công tác dự báo, bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể, các địa phương, bộ, ngành cần nâng cao năng lực điều hành hơn nữa. Khi thiên tai xảy ra, người đứng đầu địa phương phải là người chỉ huy trực tiếp tại chỗ để có quyết định sáng suốt nhất, hợp lý nhất. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả cũng cần được tăng cường trong thời gian tới.

Hơn bao giờ hết, phía người dân cần trang bị đầy đủ kiến thức về phòng chống thiên tai, cách liên hệ với các tổ chức cứu hộ, cứu nạn trong các trường hợp khẩn cấp và kết nối cứu trợ đúng cách khi gặp tình huống nguy hiểm.