Sức ép từ thời tiết cực đoan

Những diễn biến thời tiết bất thường đang gây tác động tiêu cực đến sinh hoạt, sản xuất của người dân nhiều tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh các hình thái thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng gia tăng, đòi hỏi phương thức ứng phó chủ động, linh hoạt và tích cực hơn, từ cả chính quyền và mỗi người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân lưu thông giữa thời tiết nắng nóng trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 12/3 vừa qua. Ảnh: Đình Văn
Người dân lưu thông giữa thời tiết nắng nóng trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 12/3 vừa qua. Ảnh: Đình Văn

Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, nắng nóng đến sớm có thể khiến nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong 20 ngày đầu tháng 4 phổ biến cao hơn so trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Trong khi, mùa nắng nóng năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể tương đương giá trị lịch sử trong mùa khô năm 2017/2018, khi đó thành phố nắng nóng đến 39,6 độ C. Một số nơi khác như Biên Hòa (Đồng Nai) có thể nắng nóng đến 39-40 độ C. Các địa phương Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang có thể nắng nóng 37-38 độ C. Cũng cần lưu ý, đây là nhiệt độ khí tượng còn nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể cao hơn từ 2-4 độ C tùy từng điều kiện cụ thể. Trung bình cả nước có 15 đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày từ 35 độ C trở lên.

Từ các dữ liệu, theo các chuyên gia, tình trạng bất thường của thời tiết này không chỉ riêng ở Việt Nam mà xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Các báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, từ tháng 6/2023 đến nay nhiệt độ trung bình hằng tháng đều cao hơn so trung bình cùng kỳ các năm trước đó. Nguyên nhân do hiện tượng El Nino là một phần, nhưng yếu tố quan trọng là tình trạng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ Trái đất ấm lên.

Những điều kiện thời tiết bất lợi này đặt ra thách thức lớn về an ninh môi trường, sẽ có nguy cơ thiếu nước, khô hạn ở nhiều nơi, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng... Vì vậy, yêu cầu cộng đồng cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh và ứng phó một cách tích cực. Với giai đoạn ngắn hạn, việc quan trọng là nâng cao khả năng chống chịu của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi địa phương, bắt đầu từ việc lập kế hoạch để nếu thiên tai xảy ra thì sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng triển khai hành động cần thiết.

Về dài hạn, kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng, là căn cứ để cơ quan chức năng xây dựng phương án thích ứng, giảm rủi ro cho từng khu vực, nhất là trong các quy hoạch phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta rất cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, và phát triển nông nghiệp bền vững. Bảo vệ rừng và hệ sinh thái biển đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 và duy trì sự cân bằng sinh thái. Đầu tư vào công nghệ xanh giúp tạo ra giải pháp hiệu quả hơn để giảm khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các chương trình giáo dục và thông tin về biến đổi khí hậu có thể giúp tạo sự nhận thức và tăng cường hiểu biết về tác động của nó, từ đó thúc đẩy hành động cá nhân và cộng đồng.

Biến đổi khí hậu mang đến cả cơ hội và thách thức. Những chuyển động bất thường của thời tiết đang tạo sức ép buộc chúng ta phải chuyển động nhanh hơn, tích cực hơn trong các chương trình phát triển công nghệ, hướng về nền kinh tế giảm phát thải carbon.