Không ngại lĩnh vực "nhạy cảm"

NHÂN vụ việc ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh vừa gây ồn ào, bức xúc trong dư luận, nếu liên hệ đến một số trường hợp khác cùng "từ trường" để bàn về công tác quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn cơ sở, cũng là cần thiết. Nhất là sắp đến Tết Nguyên đán và mùa lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghi lễ diễn ra tại các cơ sở thờ tự. Không ít vấn đề sẽ cần được lường trước và dự phòng các phương án phòng, tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cần cẩn trọng với những bất cập, biến tướng trong lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Cần cẩn trọng với những bất cập, biến tướng trong lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Có nơi bày lễ xa hoa, lãng phí. Có nơi tổ chức truyền thông phô trương, rầm rộ. Nơi lại tôn tạo đồ sộ, trang trí lòe loẹt ảnh hưởng cảnh quan. Nơi khác để các hoạt động dịch vụ ồn ào, hỗn tạp, ảnh hưởng vệ sinh môi trường trong không gian cần trang nghiêm, thanh tịnh… Những hiện tượng như thế đây đó vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo quy định, các hoạt động, sự kiện đó, tùy theo quy mô, tính chất, đều cần có sự hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý địa phương. Và nếu xảy ra sự cố, sai phạm thì các cơ quan quản lý tùy theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền, thậm chí chịu trách nhiệm liên đới.

Nhưng điều lạ là có khi vụ việc xảy ra rồi thì cơ quan quản lý mới nắm được, hoặc không biết, hoặc chỉ nhận được qua phản ánh của báo chí, dư luận. Nên ngoài lúng túng đợi chỉ đạo từ trên, thì có mấy khi vấn đề thiếu trách nhiệm, không làm tròn phận sự được đề cập đến. Bất cập này xuất phát từ sự quan liêu trong quản lý, trì trệ trong tác phong, từ sự thiếu hụt về tri thức, cũng như hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp làm việc.

Mặt khác, công tác quản lý, theo dõi các hoạt động được xác định là lĩnh vực "nhạy cảm" trong đời sống văn hóa, xã hội như tôn giáo, tín ngưỡng, có thể còn có những yếu tố kiêng dè, nể nang nhất định. Cho nên có khi biết có những bất cập, tiêu cực hay sai phạm nhưng cũng khó lòng xử lý "mạnh tay".

Nên xác định rõ quan điểm rằng, dù là hoạt động gì thì chính quyền sở tại, cơ quan chức năng vẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát để các hoạt động đó bảo đảm theo đúng pháp luật, giữ thuần phong mỹ tục.

Thời gian tới sẽ dày đặc các hoạt động lễ đình, đền, chùa trước và sau Tết cùng các lễ hội của làng, xã, vùng… Chính quyền, cơ quan chức năng sở tại cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ sung thông tin, tri thức, tăng cường lực lượng nhằm làm tốt nhiệm vụ quản lý, giám sát, kiểm tra tại các lễ hội, sự kiện trên, kịp thời xử lý những sự cố, vụ việc, sai phạm phát sinh.

Cần nhìn lại những hiện tượng như vừa qua để lường trước những bất cập, biến tướng trong lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Đội ngũ quản lý bằng năng lực, nghiệp vụ được cải thiện và các biện pháp phối hợp liên ngành, rất cần phát huy sự liêm chính, nghiêm ngắn của người làm công vụ, nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật để phòng chống, xử lý những hiện tượng tiêu cực như thế. Sao cho lan tỏa được không khí văn hóa lành mạnh, văn minh, tiết kiệm theo định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc đón Tết, vui xuân, vui lễ hội mà vẫn đáp ứng mong muốn chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân.