Thúc đẩy xã hội sáng tạo

Trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, đã có rất nhiều quyết định quan trọng, làm nên những thành tựu to lớn, có xuất phát điểm từ gợi ý, ý tưởng, sáng kiến, đề xuất của không ít cá nhân, người lao động. Do đó, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, thúc đẩy xã hội học tập, xã hội sáng tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng. Đây cũng là mong mỏi của toàn dân!
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp xúc cử tri thị xã Ba Đồn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Công Hợp
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp xúc cử tri thị xã Ba Đồn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Công Hợp

Còn nhớ chừng mười năm trước, một người Việt trẻ, trong quá trình làm việc ở nước ngoài, đã có nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc, nâng cao năng suất được ghi nhận. Với suy nghĩ "đóng góp cho nước mình vẫn hơn", anh chọn trở về quê hương. Song, điều anh không ngờ đến, đó là những sáng tạo hữu ích, thiết thực ấy chưa thể phát huy tối đa hiệu quả bởi gặp phải nhiều "rào cản", khó khăn trong cơ chế, thủ tục hành chính. Tiếc thay, đây không phải trường hợp cá biệt.

Nhận diện những vướng mắc trong việc tạo nên động lực để cả xã hội thi đua sáng tạo, thi đua đóng góp ý kiến, có thể thấy, đến từ nhiều phía. Trước tiên, nếp nghĩ "đã có nhà nước lo", hoặc việc này là của các nhà chuyên môn, khiến nhiều người dân ngại đề xuất, hoặc không biết chia sẻ ở đâu, với ai ý tưởng, sáng kiến của họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu đi cơ chế khuyến khích, đón nhận những sáng kiến, đóng góp từ người dân. Đăng ký bản quyền tác giả, bản quyền sáng chế là hết sức cần thiết, nhưng cần tránh sa vào thủ tụ rườm rà, đòi hỏi khắt khe khiến cho người có sáng chế đã được ứng dụng trong thực tiễn trở nên e ngại với việc hoàn thiện thủ tục giấy tờ để được công nhận và bảo hộ.

Những năm gần đây, Quốc hội đã hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật với việc sửa đổi và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ,… Tuy vậy, do hệ thống văn bản dưới luật được hoàn thiện và ban hành chậm hơn so với đòi hỏi từ thực tế nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu góp phần phát huy khả năng, tạo động lực cho những "sáng chế nông dân", sáng chế của người dân. Ngay cả Luật Khoa học và công nghệ hiện hành, tuy đã đề cập khái niệm "đổi mới sáng tạo" nhưng chưa có các quy định điều chỉnh hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đây là điều không thể thiếu nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo, do đó là xu thế không thể đảo ngược, càng không thể chậm trễ!

Trước thềm kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, thiết nghĩ, những cuộc tiếp xúc cử tri, trên các diễn đàn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, bộ, ngành chức năng cần phải là nơi, là kênh gần gũi, dễ tiếp cận, để có thể thu thập, lắng nghe ý kiến, sáng kiến của người dân, cũng như những ý tưởng, kiến nghị đóng góp cho sự nghiệp chung. Chỉ khi đội ngũ các nhà quản lý, lãnh đạo coi trọng điều này, người dân, những cá nhân bình thường mới dám lên tiếng, dám kiến nghị, dám sáng tạo, dám tham mưu.

Thời nào cũng vậy, chỉ có phát huy sáng kiến rộng rãi, thúc đẩy việc tự học, tạo nên một xã hội học tập, cộng đồng sáng tạo đầy năng lượng và nhiệt huyết, mới mong đất nước ta ngày một giàu đẹp, văn minh.