Bao giờ hết cảnh "mất bò mới lo làm chuồng"!

Năm đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở Nha Trang nhập viện vì ngộ độc.
Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở Nha Trang nhập viện vì ngộ độc.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024, triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2024 trên phạm vi toàn quốc. Điều đáng nói, hoạt động kiểm tra đồng bộ nói trên diễn ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại một số địa phương. Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có ba người tử vong.

Tâm điểm các vụ ngộ độc là tỉnh Khánh Hòa, chỉ chưa đầy một tháng xảy ra ba vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Đầu tiên là vụ ngộ độc thức ăn hàng loạt từ quán cơm gà Trâm Anh (thành phố Nha Trang) với 369 người dân và du khách bị tác động. Kế đến là vụ ngộ độc tập thể với hơn 10 học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi. Và mới nhất, hôm 5/4, hơn 30 học sinh ở phường Vĩnh Trường nhập viện. Cái chết đau lòng chưa rõ nguyên nhân của em học sinh lớp 5 ở Trường tiểu học Vĩnh Trường sau khi ăn sushi và cơm gà, số lượng người bị ngộ độc trong các vụ việc... lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc bảo vệ sức khỏe người dân đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cấp bách xem xét và lấp đầy lỗ hổng trong phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: Các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh phân cấp giám sát ra sao? Các bếp ăn bán trú đang tổ chức ký hợp đồng theo các hộ kinh doanh như vậy có bảo đảm hay không? Cần nghiên cứu quy định cụ thể như thế nào về bữa ăn bán trú ở trường học?

GIÁM sát nghiêm vấn đề an toàn thực phẩm, cũng là trách nhiệm của chính quyền. Đừng để tiếp diễn tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"! Phải kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Và công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cần thực hiện liên tục, thường xuyên, bất ngờ với tinh thần "lúc nào cũng cao điểm".

Đồng thời, các địa phương cần sớm có hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm dùng chung cho cả ba ngành (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) và cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã), kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã đến lúc phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội để bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong đó chính quyền địa phương phải là đơn vị giữ thế chủ công.

Điều quan trọng nữa, sau mỗi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, các cơ quan chức năng cần phải có câu trả lời xác đáng về nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc để từ đó xử lý kịp thời, nghiêm minh, có giải pháp ngăn chặn vi phạm tái diễn. Nếu không, sẽ không ai dám chắc rằng các vụ việc tương tự đã nêu trên không tiếp tục xảy ra.