Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

MIỀN bắc và Bắc Trung Bộ vừa bước vào đợt rét hại hiếm gặp khi nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng xuống đến 7-10 độ C, vùng núi 3-6 độ C, vùng núi cao dưới 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông năm nay. Đợt đầu kéo dài ngày 17-27/12/2023, với nơi ghi nhận nhiệt độ thấp nhất là đỉnh Mẫu Sơn (âm 2,5 độ C), thấp nhất trong 11 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 04 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán, thiếu nước ở miền trung, Tây Nguyên. Theo dự báo, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2-4/2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, năm 2024, hiện tượng El Nino có khả năng còn duy trì đến hết mùa xuân với xác suất khoảng hơn 90%. Dự báo, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại (từ tháng 1-3/2024) ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 2-4, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ này. Từ tháng 1-6, trên phạm vi toàn quốc nắng nóng, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.

Trước sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và người dân cần có kế hoạch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Tăng cường cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghệ trong ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của các tình huống khẩn cấp. Xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước bền vững để ứng phó với hạn hán và bảo đảm nguồn nước cho cộng đồng. Chủ động việc cung cấp nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống, đội ngũ chăm sóc y tế và các nguồn lực khẩn cấp khác cũng vô cùng quan trọng và thiết yếu.

Cùng đó, mỗi chúng ta cần nắm bắt, cập nhật thông tin thường xuyên về thời tiết và theo dõi đánh giá rủi ro của cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Nâng cao nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng ta, đồng thời xây dựng tương lai bền vững, an toàn hơn.