Du lịch hóa lễ hội

Hướng mở cần quan tâm

TỪ sau Tết Nguyên đán đến hết ba tháng xuân, mùa hội xuân bừng lên khắp các địa phương. Năm nay, nét tích cực được ghi nhận là văn minh, văn hóa, trật tự lễ hội đã được giữ gìn, phát huy tốt hơn; bớt đi nhiều những cảnh lộn xộn và tình trạng thương mại hóa, dù tất nhiên cũng chưa quy củ, lành mạnh được hết.
0:00 / 0:00
0:00
Hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn- Bắc Ninh) với điểm nhấn là lễ rước pháo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Ảnh: AN TRÂN.
Hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn- Bắc Ninh) với điểm nhấn là lễ rước pháo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Ảnh: AN TRÂN.

Vấn đề quan trọng khác được đề cập, đó là sự cân đối, hài hòa giữa việc tổ chức, vui chơi lễ hội, thực hành tín ngưỡng... với yêu cầu bức thiết từ lao động, sản xuất.

Có một hướng mở rất nên quan tâm nghiên cứu và thúc đẩy, đó là du lịch hóa lễ hội, nhằm khai thác tiềm năng văn hóa của các địa phương, cộng đồng dân cư; góp phần phát triển kinh tế-xã hội; phát huy tốt hơn giá trị kinh tế và các chức năng quảng bá văn hóa, giáo dục truyền thống của việc thực hành lễ hội.

Thực tế, đã có nhiều lễ hội quy mô lớn của vùng, của tỉnh lan tỏa sức hút, khiến cho di tích, danh thắng liên quan trở thành điểm đến, chốn hành hương của du khách, khách thập phương trăm miền. Qua đó, các mô hình du lịch văn hóa, tâm linh và các dịch vụ phục vụ tour, tuyến, dịch vụ tại chỗ nở rộ... Các hoạt động này có hiệu quả đem về nguồn thu cho người dân sở tại, đóng góp vào đời sống xã hội và góp phần tu bổ, tôn tạo di tích, danh thắng.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiên cứu những mô hình tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ, với quy mô cũng như hình thức sáng tạo phù hợp về chương trình, nội dung, bản sắc, nghệ thuật... lại chưa được nghiên cứu thấu đáo. Nhiều lễ hội bao hàm những nghi thức, biểu tượng đặc sắc, những phong tục độc đáo, những hoạt động thực hành lễ hoặc hội sôi động… lại chưa được chú ý làm nổi bật, nhằm quảng bá những cái hay, cái đẹp đó như những sản phẩm du lịch ý nghĩa. Điều này cũng khiến cho việc tổ chức lễ hội mang tính chất định kỳ, làm theo phong tục, trách nhiệm, là nơi sử dụng những khoản kinh phí nhất định của địa phương, cộng đồng, chứ chưa tạo nên những nguồn thu chính đáng về kinh tế cũng như hình ảnh, danh tiếng địa phương. Thậm chí, khi tổ chức lễ hội, có những yếu tố không được coi trọng hoặc bị lợi dụng, dẫn đến thực trạng xấu xí, hỗn tạp, thương mại hóa, ít nhiều còn gây ảnh hưởng đến uy tín địa phương và con người sở tại.

Xây dựng hoạt động, chương trình lễ hội thành sản phẩm du lịch phù hợp và đặc sắc sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề nan giải lâu nay. Khi đặt mục tiêu gây dựng điểm đến, tổ chức tour, tuyến và những sản phẩm sáng tạo hấp dẫn du khách, việc duy trì lễ hội sẽ càng phải có những quy chuẩn, ràng buộc về hàm lượng văn hóa, chất lượng nghệ thuật, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan, tôn tạo di tích, danh thắng... Đây sẽ là những điều kiện đóng góp nhiều hơn vào việc tổ chức lễ hội văn minh, văn hóa, lành mạnh, phát huy bản sắc.

Du lịch hóa lễ hội, xét cho cùng, là hướng mở cần quan tâm, nghiên cứu đối với các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa, du lịch, các địa phương và cộng đồng dân cư vẫn luôn tự hào về truyền thống lâu đời cũng như lễ hội đặc sắc của quê hương.