Tạo bứt phá từ cơ chế, chính sách đặc thù

Từ nhiều năm qua, chính sách, cơ chế đặc thù đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng để Trung ương giúp nhiều địa phương có những bước phát triển vượt bậc trong điều hành kinh tế-xã hội. Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các cơ chế, chính sách đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sáng 7/6. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sáng 7/6. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều địa phương cần có hoặc mong muốn được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù thì nội dung này càng cần được tập trung nghiên cứu và có những hướng đi phù hợp để thật sự là động lực, là cơ sở, là chìa khóa cho các tỉnh, thành phố phát triển. Các cơ chế, chính sách đặc thù không thể là đặc quyền, đặc lợi, không thể trở thành tên gọi mang tính đại trà và không đem lại hiệu quả thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong nước cũng như thế giới hiện nay biến động khó lường, chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết và quan trọng. Và quan trọng hơn, Trung ương nên phân cấp theo hướng địa phương chịu trách nhiệm trọn vẹn, hay nói cách khác là “trọn gói”.

Tại diễn đàn Quốc hội và bên hành lang nghị trường, có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, Trung ương cần phân cấp và trao quyền quyết định rộng hơn, sâu hơn cho các địa phương. Được như vậy, lãnh đạo các địa phương mới có thể vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật hiện hành, quyết định cách thức xử lý phù hợp nhất để đạt kết quả tốt nhất. Qua đó, vừa phát huy tính chủ động cũng gắn trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo các địa phương khi thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.

Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là các chính sách mới, đặc thù và hệ thống pháp luật hiện hành luôn gắn bó biện chứng, chặt chẽ với nhau, có sự chế ước lẫn nhau. Việc xây dựng các cơ chế đặc thù, chính sách mới cần có sự nhất quán, không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật đang có giá trị thực hiện. Trong trường hợp có sự chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, cần được xử lý kịp thời theo hướng ủng hộ những chính sách mới, đột phá, đặc thù.

Như vậy, có thể thấy rằng, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, các cơ quan chức năng của Trung ương cần có những quy định thật sự mở trong việc trao quyền quyết định cho lãnh đạo các địa phương được vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật hiện hành. Tránh tình trạng đã có chính sách đặc thù rồi nhưng vẫn phải tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành; bộ, ngành xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ...

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là hiện nay không phải tỉnh, thành phố nào cũng được hưởng cơ chế đặc thù hoặc chưa thể làm rõ điều kiện để đề xuất chính sách đặc thù. Vì vậy, có thể dẫn đến thực trạng nơi này xin cơ chế riêng để tăng nguồn thu, nguồn lực nhưng lại có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển các địa phương khác… Do đó, yêu cầu đặt ra là cơ chế đặc thù không chỉ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương mà phải phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và có sự liên kết vùng, các địa phương với nhau trong quá trình phát triển… Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá những cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành hiện nay có hiệu quả thực chất đến đâu, từ đó có sự điều chỉnh, thay đổi về phương thức thực thi và vận dụng pháp luật.

Để các cơ chế, chính sách đặc thù được hiện thực hóa và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, chúng ta rất cần tinh thần dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm, tài năng của người đứng đầu, các nhà lãnh đạo địa phương cũng như các bộ, ngành. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng hành, bảo vệ của các cơ quan Trung ương đối với những người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đổi mới vì lợi ích chung.