Năm tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng ghi nhận gần 40 vụ ngộ độc, trong đó có nhiều vụ ngộ độc tập thể, lên tới vài trăm người mắc một vụ. Điều đáng nói, sau mỗi vụ việc luôn có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhưng rồi các vụ việc tương tự vẫn tiếp tục diễn ra.
Các động thái, hành động sau các vụ ngộ độc chỉ là giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết từ gốc. Để kiểm soát tốt từ gốc, phải chặn được nguồn thực phẩm bẩn (đầu vào), cùng với đó là các biện pháp kiểm soát hoạt động chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn. Thực tế, phần lớn thực phẩm được lưu thông, buôn bán qua kênh phân phối như chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính. Tuy nhiên, dù đã ban hành nhiều quy định, thì thực tế việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ở khu vực này phần lớn vẫn phụ thuộc… lương tâm người bán hàng.
Một mối họa khác là nguồn thực phẩm nhập lậu. Việc đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, không có nguồn gốc, xuất xứ vô cùng phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự kết hợp bài bản của nhiều lực lượng. Theo Nghị định số 15 của Chính phủ, có ba cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của lực lượng hải quan, cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó cũng phải kể đến ý thức của người dân thực hiện vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mới nhất, ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Công điện nêu rõ Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Nhiệm vụ đã rõ, nhưng hiệu quả sẽ không cao, nếu vẫn còn hiện tượng nửa vời trong thực thi, hay chỉ tập trung giải quyết khi có sự vụ. Bởi vậy, cần các giải pháp phối hợp liên ngành hiệu quả, để phòng, chống từ trước, từ xa, và khi sự việc xảy ra người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Cùng đó, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo "nói không" với thực phẩm bẩn, chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín và không ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Chặn nguồn thực phẩm bẩn cũng chính là để nâng cao chất lượng đời sống người dân, về lâu dài góp phần phòng, chống nguy cơ bệnh tật, giúp giảm áp lực lên hệ thống bệnh viện.