Nhân học số - muộn còn hơn không
- Thưa ông, tôi còn nhớ, vào cuối năm 2018, Khoa Nhân học đã tổ chức một cuộc hội thảo thu hút sự chú ý của nhiều người, không chỉ trong giới nghiên cứu khoa học xã hội, với tiêu đề "Nhân học số ở Việt Nam: Xu hướng, Tiềm năng và Triển vọng". Khái niệm "Nhân học số", nói thật, có phần không dễ định nghĩa với nhiều người…
- Tôi hiểu ý chị. Trước đây, chúng ta coi nhân học là dân tộc học. Thời gian gần đây, do tác động của xu thế dịch chuyển trong nghiên cứu khoa học ở các nước phát triển, nhân học mới được nhìn nhận và tách riêng thành một ngành.
Liên quan cuộc hội thảo chị vừa nhắc đến, tôi muốn chia sẻ thêm rằng: Ðây là cuộc hội thảo về nhân học số đầu tiên ở Việt Nam, và ở châu Á mới chỉ là hội thảo thứ ba thôi, sau hội thảo ở Thái-lan (năm 2012) và ở Xin-ga-po (năm 2014).
Chúng tôi có dự định kết hợp với một số trường đại học của Ô-xtrây-li-a để thành lập trung tâm nhân học số ở Việt Nam, nghiên cứu sâu về các vấn đề nhân văn số, chứ không chỉ là nhân học. Muộn còn hơn không, nhưng đây là hướng nghiên cứu rất có triển vọng, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phát triển nhất về internet ở Ðông - Nam Á. Nhưng chúng ta mới chỉ nhìn nhận điều đó ở góc độ các bài toán kinh tế. Nhân học số sẽ giúp hướng đến các khả năng đa dạng khi chúng ta áp dụng các công cụ và phương pháp luận kỹ thuật số nhằm tạo ra các dự án cộng đồng có tính toàn diện, tính tham gia và tăng quyền hơn. Trên internet hiện có rất nhiều cộng đồng. Nghiên cứu sâu cho thấy những cộng đồng đó cũng có tập quán, tiêu chí, cơ chế hoạt động… riêng, khi hiểu được có thể từ đó có phương thức thích hợp để tạo ra các xung lực sẽ là vấn đề rất hấp dẫn và mang lại hiệu ứng tốt cho xã hội.
- Nhưng người ta vẫn nói: Mạng là ảo. Giao tiếp trên mạng xã hội vẫn đang gây băn khoăn về tính chính xác, vì không phải công khai danh tính. Trong khi, nhiều tổ chức xã hội hiện vẫn đang lấy đó làm căn cứ để đưa ra những nhận định, cơ sở cho nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Ðiều đó liệu có làm sai lệch kết quả?
- Từ góc nhìn của tôi thì các điều tra xã hội học tiến hành trên mạng ở Việt Nam chưa cho kết quả chính xác được. Có nhiều lý do: người Việt Nam chưa quen cách điều tra này, thường tích bừa. Vậy nên, nếu tiến hành các điều tra dạng này, thì vẫn cần những liên hệ trực tiếp để bảo đảm tính chính xác của kết quả. Nghĩa là cùng với việc tiến hành điều tra online thì vẫn cần các thao tác offline, cần các tín chỉ từ những đối tượng điều tra trực tiếp.
- Có nghĩa là nếu tiến hành những cuộc điều tra qua mạng xã hội thì chỉ tiến hành được trong một cộng đồng vừa phải, với những giao thức đơn giản?
- Nếu cộng đồng lớn hơn thì sẽ khó bảo đảm tính chính xác và khách quan. Mà thật ra, nhân học khác với xã hội học. Xã hội học hay lấy những điều tra phổ rộng, nghiên cứu diện; trong khi nhân học thường đi vào những nghiên cứu các cộng đồng nhỏ, xác định các địa bàn, điểm trọng tâm và chủ yếu lấy các câu chuyện càng sâu càng tốt.
Cần luật hóa vai trò của nhân học
- Ðiều anh vừa chia sẻ có liên quan một thực tế: ở Việt Nam, nhiều người vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa xã hội học và nhân học, hay nói đúng hơn, nhân học dường như đang là một khái niệm hẹp?
- Về cơ bản thì nhân học và xã hội học đều tiến hành điều tra, phỏng vấn… nghĩa là phương thức tiến hành nghiên cứu gần giống nhau, nhưng mục tiêu hướng đến thì khác nhau. Nhân học có bốn phân ngành lõi là nhân học văn hóa, nhân học ngôn ngữ, khảo cổ học, nhân học ứng dụng và bao bọc vòng ngoài cùng là ứng dụng nhân học. Nhiều nước trên thế giới còn chia thành nhiều phân ngành nhỏ nữa trong nhân học văn hóa, và có thể nói là tiếp cận hầu hết các vấn đề của các lĩnh vực trọng yếu trong đời sống xã hội. Theo hướng đó, hiện tại, có một phân ngành rất hợp với Việt Nam là nhân học phát triển: tham gia giải quyết các vấn đề như ô nhiễm môi trường, xung đột di dân ở cả nông thôn lẫn đô thị…
- Dường như chúng ta vẫn chưa ý thức được tầm mức quan trọng cũng như tác động của nhân học đối với sự phát triển của xã hội? Nên, lẽ ra nhân học phải là cái đi trước, hoặc song hành với sự phát triển của đời sống xã hội, thì hiện tại, nhân học vẫn chưa có vai trò đáng kể, và xã hội mới bắt đầu hơi giật mình về vai trò, tác động của nhân học?
- Ở Việt Nam vẫn có sự lùng bùng, vênh nhau giữa thực tiễn với các ngành khoa học nghiên cứu, tranh cãi xem cái nào đi trước, cái nào đi sau. Ðôi khi, thực tiễn xảy ra rồi, thì người ta mới hốt hoảng nhận ra là đáng lẽ có sự tham gia của một ngành nghiên cứu này vào từ trước thì vấn đề sẽ được nhận thức và giải quyết tốt hơn. Tôi còn nhớ, từ những năm 80 của thế kỷ trước, GS Ðặng Nghiêm Vạn, một tên tuổi lớn của ngành dân tộc học Việt Nam đã cảnh báo: nếu không có sự quan tâm điều chỉnh thì dòng di dân tới Tây Nguyên sẽ gây ra các vấn đề khủng hoảng lớn như bất ổn, mất rừng… Sau 20 năm, thực tế đã chứng minh các cảnh báo đó là có cơ sở.
Với những nghiên cứu mang tính quy luật cũng như tính liên kết với thực tiễn rất chặt chẽ của nó, tôi nghĩ rằng, nhân học có khả năng đưa ra những dự báo tốt cho phát triển. Vì vậy, nên đưa nhân học tham gia quá trình xem xét, dự liệu cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực, dự án…, các nhà quản lý có thể nghe hoặc không nghe, nhưng cần tham vấn tiếng nói của nhân học.
- Ông có cho rằng, đã đến lúc cần luật hóa vai trò của nhân học?
- Quay lại câu chuyện của di sản, tôi thấy bên di sản đã làm được điều đó, và nhiều di sản quý giá, nếu không có Luật Di sản thì đã bị phá nát. Nhân học cũng vậy. Tôi nghĩ cần phải luật hóa vai trò của nhân học, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề của các cộng đồng, về văn hóa, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Cần có ý kiến của các nhà khoa học về nhân học, trước mắt là các khuyến nghị, còn quyền quyết định là ở các nhà quản lý.
- Từng tham gia nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ, và cả các chương trình nghiên cứu theo sự đặt hàng của các cơ quan nhà nước, ông có thể cho biết có sự khác biệt trong mức độ sự lắng nghe, sự tham vấn của các nhà nhân học?
- Phía các tổ chức phi chính phủ mong mỏi các phương pháp, tư vấn mới hơn, sự tiếp cận với người dân có vẻ gần hơn. Trong khi các chương trình của nhà nước vẫn mang tính đặt hàng.
Làm nhân học thật ra như muối bỏ bể. Trong điều kiện hiện nay, nói đến tác động thực tế là điều còn rất khó. Ðiều này liên quan đến câu hỏi của bạn lúc trước: có luật hóa được hay không. Nếu tạo ra một hành lang pháp lý bắt buộc các chương trình, dự án phải có sự tham vấn của các nhà nhân học thì nó sẽ tạo ra động lực thật sự. Chứ hiện tại, các nhà nhân học vẫn đang loay hoay đi làm, tác động chỗ này, chỗ kia, mặc dù nó rất có ích trong một cộng đồng nhỏ, nhưng tác động tới xã hội vẫn còn hạn chế.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!