Tranh bút sắt của Lê Mai

NDO - Những đống lúa vàng vừa được vun lên. Từng bao lúa được chia, chở về nhà từ mấy chiếc xe cải tiến. Cây cân đứng giữa sân cùng mấy đống rơm chụm đầu lẳng lặng. Hàng cọ như đang rì rào câu chuyện muôn đời của người nông dân hai sương một nắng. Ẩn chứa bên trong những nét bút sắt giản đơn kia là tấm lòng, là ước vọng khôn nguôi của những con người đang đổi đời mình cho những mưu sinh vật vã.

Có là người nông dân, người trong cuộc mới hiểu cái giá của niềm vui mùa màng là vậy. Thông điệp gửi đến mọi người từ bức tranh: 'Sân kho hợp tác những năm 60' ấy cho tôi ấn tượng mạnh mẽ về một lối cảm, lối nghĩ của một tác giả không mấy ồn ào trong đời sống mỹ thuật ở Hà Nội suốt mấy chục năm nay.

Tranh bút sắt là một thể loại có những đặc tính riêng đòi hỏi họa sĩ phải vẽ nhiều, vẽ liên tục mới mong làm chủ được ngòi bút. Phải diệu nghệ lắm trong kỹ thuật sử dụng nét để gợi hình, gợi bóng, gợi màu. Có chi tiết tả kỹ, lại có chi tiết chỉ cần gợi thoáng như buông thả, như bâng quơ thảng thốt mà vẫn nêu được tính đặc trưng hay khái quát của ý tưởng chủ đề. Lê Mai có nhiều tranh bút sắt đẹp: 'Sân kho hợp tác những năm 60', 'Tuổi thơ tôi trong mùa lũ', 'Chiếc xe công nông mùa gặt', 'Chiều trên đồng Quảng Lợi', 'Cầu cọ bắc qua vườn cọ', 'Biển Sầm Sơn'... Ấy là những bức tranh ít nét nhiều tình, giản đơn mà khúc triết, mà thức dậy trong ta những đồng cảm đến bất ngờ. Ở mảng tranh vẽ về người lính và chiến trận, cũng có nhiều tác phẩm níu giữ cái nhìn người xem như: 'Bộ đội thông tin', 'Bộ đội xăng dầu', 'Lợp nhà giúp dân' hay 'Ðánh chiếm thành Quảng Trị năm 1972'... đầy tính hoành tráng, vẫy gọi người xem ngược về thời gian quá khứ, hy sinh và máu lửa, cũng là một thời những giá trị nhân văn va đập và sáng ngời lên hơn bao giờ hết.

Bút sắt của Lê Mai có vẻ khoáng hoạt hơn trong những đề tài mang đậm tố chất trữ tình, hóm hỉnh, nhất là khi ông vẽ về phong cảnh nông thôn quê ông hay tất thảy những vùng đất mà ông từng đến. Những cây cầu ao cầu khỉ, bến nước cổng làng... Mô típ cây rơm như hình tượng người nông dân lầm lũi nắng mưa, cứ láy đi láy lại trong nhiều tác phẩm như một hợp âm chủ đạo trong âm nhạc, gợi về nỗi nhớ người xem tình quê kiểng thắm đằm. Ðứng trước những tác phẩm được vẽ bằng bút sắt của ông, những nét bút khi rành mạch, gân guốc đến quyết liệt, khi uyển chuyển mộng mơ đến mềm lòng, tôi cứ nghĩ mãi về hình bóng đôi tay nghệ sĩ đàn bầu, đang buông bắt cần đàn, mải mê lắng tìm một thanh âm ngọt lịm.

Lê Mai là một họa sĩ trưởng thành từ những công việc của người lính tuyên truyền. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã biến ông thành thương tật, nhưng cũng cho ông nghị lực phi thường để vượt qua bao eo sèo, vặt vãnh của cuộc sống người lính trở về sau cuộc chiến. Bởi vậy, những tác phẩm của ông, đặc biệt là tranh vẽ bằng bút sắt, phản ánh rất rõ hiện thực từ cái nhìn nồng hậu và thiết tha trách nhiệm trước cuộc đời, khi nồng nàn chan chứa, khi hài hước dí dỏm. Tình yêu quê hương, tình yêu nông thôn luôn là đề tài chính, đề tài gan ruột trong toàn bộ sáng tác của người họa sĩ thương binh này.

Bỏ qua một vài tác phẩm có tính ký họa ghi chép tài liệu, hoặc bố cục nghiêng về nghệ thuật nhiếp ảnh, họa sĩ Lê Mai, con người của những nỗi trở trăn nhân tình thế thái và sáng tạo, từng được công chúng ghi nhận qua nhiều triển lãm riêng chung với những tác phẩm sơn dầu, màu bột mang đậm dấu ấn riêng biệt của phong cách, như: 'Ông già trước biển' đặt sự quắc thước của tuổi tác trong sinh nhai bề bộn, như niềm vui thầm mà ngọt ở 'Thu hoạch mía', như huyền ảo sắc mầu trong 'Ðêm Trường Sơn', ngộ nghĩnh trẻ thơ trong 'Trường Sa yên ả', và 'Vào mùa' - tác phẩm sơn dầu khẳng định một Lê Mai trong mỹ thuật Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước... Lại một lần nữa, khảm sâu vào lòng bạn bè đồng nghiệp và người yêu nghệ thuật bao sẻ chia và ngẫm ngợi, trước những nét bút sắt cần cù đầy mẫn cảm của ông.