Trách nhiệm vì một "hành tinh xanh"

Diễn ra tại Montreal (Canada) từ ngày 7 đến 19/12, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (gọi tắt là COP15 - Conference of the Parties), được xem là phần hai của COP15 được tổ chức online năm 2021 tại Trung Quốc, tiếp tục được thảo luận với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách. Hội nghị lần này có 196 quốc gia tham dự, hướng tới ký kết một thỏa thuận mới với các mục tiêu đủ tham vọng, nhằm ngăn chặn và có thể đảo ngược tình trạng suy thoái hệ thực vật, động vật cũng như hệ sinh thái toàn cầu đang diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trực tuyến tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học tổ chức tại TP Côn Minh (Trung Quốc), ngày 12/10. Ảnh: TTXVN
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trực tuyến tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học tổ chức tại TP Côn Minh (Trung Quốc), ngày 12/10. Ảnh: TTXVN

Liên hợp quốc cảnh báo hiện, tốc độ suy thoái đa dạng sinh học là chưa từng có trong lịch sử, với một triệu loài động, thực vật trong tổng số tám triệu loài trên Trái đất đứng bên bờ tuyệt chủng. COP15 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ cao không đạt được những mục tiêu về đa dạng sinh học của Thập niên Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (2011-2020), trong khuôn khổ chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

COP15 năm ngoái kết thúc với Tuyên bố Côn Minh (Trung Quốc), bảo đảm lộ trình phục hồi đa dạng sinh học chậm nhất vào năm 2030, tiến tới hiện thực hóa đầy đủ Tầm nhìn 2050 về "sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên". Việt Nam với tư cách là thành viên tham gia Công ước cũng kịp thời xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022. Theo đó, nhấn mạnh bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một giải pháp căn cơ cho công tác thích ứng và giảm các tác động của biến đổi khí hậu. Quan điểm này thống nhất với các nhận định ngày càng được nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc tế, như COP15 lần này.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới song lại là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, khi tác động tất cả các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước và hệ sinh thái biển, ven bờ.

Trong Chiến lược của Việt Nam nhấn mạnh, đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thật sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

Có lẽ chưa bao giờ mỗi chúng ta hình dung rõ hơn, về những nguy cơ đe dọa "Ngôi nhà chung" Trái đất như lúc này. Tuy nhiên, nếu nhận thức được nâng cao, các bên cùng nhau bảo vệ những cánh rừng, gìn giữ môi trường sống cho các loài động thực vật, bảo tồn các nguồn gen quý… các tác động tiêu cực vẫn có thể bị đẩy lùi đáng kể.

Ngay từ bây giờ, mỗi công dân Việt Nam cần ý thức và hành động tích cực, để cùng Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của đất nước, đồng thời cho bạn bè quốc tế thấy chúng ta xứng đáng là "công dân toàn cầu", có trách nhiệm cao trước những vấn đề chung, nhất là nghĩa vụ bảo vệ "hành tinh xanh".