Nuôi dưỡng tính liêm chính

NGÀY 27/10/2023, Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được ban hành, khẳng định quyết tâm của Đảng về kiểm soát quyền lực, đã xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ Đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng được ban hành trong năm 2023 còn có Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền). Đặc biệt, đúng vào ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị còn ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trong đó, Quy định 132-QĐ/TW đã nêu cụ thể 28 biểu hiện của hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tạo cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và nhân dân nhận diện, đấu tranh. Cùng với Quy định số 114-QĐ/TW và Quy định số 131-QĐ/TW, Quy định 132-QĐ/TW đã tạo nên bộ ba văn bản kiểm tra, giám sát ba lĩnh vực đặc biệt, mà những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực có nhiều khả năng phát sinh.

Và đây là việc làm hết sức cấp thiết. Giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật.

Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là một điểm sáng. Điều này một mặt cho thấy công cuộc chống "giặc nội xâm" được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt. Mặt khác, những con số đáng buồn vừa nêu ở trên cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ chủ chốt cũng như những bất cập trong công tác cán bộ.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bên cạnh những giải pháp có tính phổ quát, thì tính liêm chính của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này cần phải được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, công chức tư pháp được giao quyền rất lớn liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sinh mệnh chính trị của người khác. Chỉ khi liêm chính, cán bộ tư pháp mới có thể đưa ra những quyết định đúng pháp luật, công bằng, khách quan; đồng thời, thẳng thắn bác bỏ những can thiệp - thậm chí chỉ đạo án - sai trái. Tính liêm chính là phẩm chất tốt đẹp, nhưng cần được nuôi dưỡng trong môi trường pháp luật tốt, theo nghĩa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc để cán bộ tư pháp không dám và không thể tiêu cực.

Chính vì thế, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng, xét xử thông qua việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chú trọng vai trò của các luật sư; bảo đảm cho cán bộ tư pháp không bị phụ thuộc vào ảnh hưởng của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dẫn đến vi phạm pháp luật trong các quan hệ công tác từ cơ quan với lãnh đạo cùng cấp hay cấp trên. Cùng với đó là thiết kế, ban hành các quy định về kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, chế tài hình sự như chuỗi quyết định đã đề cập ở phần đầu bài viết này, trong đó có Quy định số 132-QĐ/TW…

RÕ ràng, những nhiệm vụ nêu trên đầy khó khăn, thách thức khi thực hiện, nhưng không thể không làm và hơn thế nữa, cần phải kiên quyết thực hiện thường xuyên, liên tục.