Mòn mỏi chờ vaccine đúng… "quy trình"

VIỆT NAM bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1981. Đến nay, đây là chương trình gắn bó với trẻ em và có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, hiện hầu hết vaccine tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) tại thành phố đều đã cạn kiệt. Ảnh: HCDC
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, hiện hầu hết vaccine tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) tại thành phố đều đã cạn kiệt. Ảnh: HCDC

Trung bình mỗi năm cả nước có 1,5 triệu trẻ em dưới một tuổi cần tiêm chủng các mũi trong chương trình. Tiêm đủ mũi, đúng lịch là chìa khóa giải quyết bài toán chống dịch bệnh đã có vaccine phòng như bạch hầu, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản B, bại liệt...

Mang ý nghĩa lớn như vậy, nhưng từ đầu năm 2023, tại nhiều địa phương đều gặp phải tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Mới nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, hiện hầu hết vaccine tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) tại thành phố đều đã cạn kiệt. Riêng một số loại, như vaccine uốn ván tiêm cho thai phụ dự kiến hết vào tháng 12, vaccine viêm não Nhật Bản hết vào tháng 1/2024. Tại Hà Nội, tình cảnh tương tự khi vaccine sởi đơn hết từ hồi tháng 9, viêm gan B hết từ tháng 10, với vaccine "5 trong 1" chỉ còn đủ tiêm chủng đến tháng 12 này… Đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về nguy cơ xảy ra khi cộng đồng không được tiêm vaccine đầy đủ. Một khi tỷ lệ bao phủ bị xuống thấp, nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh, trước mắt là dịch sởi, bạch hầu, ho gà… là khó tránh khỏi.

Lý giải nguồn cơn thực trạng này, đại diện Bộ Y tế cho hay, mọi năm vaccine tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm nhiệm việc mua sắm, phân bổ. Tuy nhiên, từ năm 2023, Chương trình mục tiêu y tế-dân số kết thúc, theo quy định, việc chi mua sắm này thuộc về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương. Năm 2022, Bộ Y tế đã làm dự toán kinh phí gửi các ngành để bổ sung kinh phí để làm, nhưng do vướng mắc trong quá trình chi thường xuyên của các địa phương nên chưa được thực hiện. Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vaccine trong chương trình. Đến ngày 10/7, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế. Song, sau hơn bốn tháng kể từ khi Thủ tướng có văn bản, việc mua vaccine cho trẻ vẫn đang trong "quy trình", dẫn đến nhiều trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm.

Ở nhiều địa phương, người dân như "ngồi trên lửa" khi lịch tiêm của con đã cận kề, thậm chí quá ngày mà vaccine vẫn chưa về. Không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ tiêm phòng trả phí như khuyến nghị… Cho đến nay, các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu đủ sức tháo gỡ rốt ráo các vướng mắc trong quy trình phân bổ để vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được đưa về các địa phương sớm nhất. Chính thủ tục hành chính còn rườm rà là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng vaccine.

Cùng đó, Bộ Y tế cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương, trong đó có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.