Sợ trách nhiệm, thì đừng làm cán bộ

Chưa bao giờ, căn "bệnh sợ trách nhiệm" lại được nhắc đến nhiều như gần đây. Vì cán bộ sợ trách nhiệm mà nhiều dự án và cả "những việc cần làm ngay" cũng bị đùn đẩy, né tránh. Hệ lụy rõ nhất sau đại dịch Covid-19 là thuốc, trang thiết bị y tế có lúc thiếu trầm trọng, nhưng nhiều bệnh viện không dám tổ chức đấu thầu; nhiều công trình dự án nằm bất động dù tiền không thiếu, nhưng không giải ngân được... Lý giải nguyên nhân của căn bệnh này, không ít người cho rằng, do đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, cán bộ bị xử lý nhiều, cho nên một bộ phận không dám làm, không dám quyết, kể cả những việc thuộc thẩm quyền của mình.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế không phải như thế! Trong bài Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo, vì để cho chủ nghĩa cá nhân "chớm nở", cho nên có cán bộ "muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng"; dần dần tính tích cực, dũng khí và phẩm chất tốt đẹp bị kém sút. Khi còn là cán bộ công tác ở Tạp chí Cộng sản, năm 1973, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư đã có bài viết Bệnh sợ trách nhiệm, phân tích rõ căn nguyên tình trạng này.

Dẫn ra như thế để thấy, sợ tránh nhiệm là căn bệnh kinh niên trong cán bộ do yếu kém chuyên môn, thiếu tinh thần trong công tác mà làm việc cầm chừng, bảo thủ vì sợ sai, ỷ vào tập thể vì sợ liên lụy cá nhân; trong sinh hoạt đảng thì né tránh tự phê bình và phê bình vì sợ mất lòng nhau,… Triệu chứng của căn bệnh ấy hiện nay ngày càng lộ rõ hơn. Thực chất đó là cái tôi của cán bộ, chỉ chăm chắm lo cho mình.

Công cuộc đổi mới không cho phép cán bộ chùn bước trước mọi khó khăn. Bởi muốn đất nước phát triển, nhất là khi thực hiện các đột phá chiến lược càng phải đối mặt với thách thức. Nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ sáng tạo, đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14, để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương này. Nghị định số 73, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định, những đề xuất sáng tạo mang lại hiệu quả được khen thưởng; được lấy làm căn cứ đánh giá khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển,... Đối với cán bộ năng động sáng tạo, song không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng thì có thể không xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm; mặt khác xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng chủ trương, chính sách này để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước,…

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không thiếu, nhưng để sớm loại bỏ căn bệnh sợ trách nhiệm, thiết nghĩ cần có chế tài cụ thể. Đối với mỗi chương trình, nhiệm vụ trọng tâm cần có phân công người phụ trách, tiến độ hoàn thành từng phần việc cụ thể và thời gian về đích mỗi nhiệm vụ. Trường hợp nào thực hiện không đúng phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ có thể bố trí công tác khác. Nếu làm cản trở, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, tiến độ công việc có thể xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Cán bộ nào hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ dứt khoát phải chuyển công tác, cán bộ lãnh đạo thì bố trí cương vị thấp hơn.

MẤY ngày qua, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Như thế thì không cán bộ nào có thể né tránh được trách nhiệm trước cử tri.

Cán bộ là công bộc của dân, là người đứng mũi chịu sào phải có gan dám chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, ai thấy nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm, chúng ta không thiếu cán bộ. Nhân dân luôn mong muốn như vậy, sợ trách nhiệm, thì đừng làm cán bộ.