Từ tham nhũng lớn đến "tham nhũng vặt"…

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một vấn đề nóng, thời sự được đông đảo người dân và cử tri quan tâm và là một trong những hoạt động đã và đang củng cố vững chắc hơn nữa lòng tin của người dân đối với Đảng.
0:00 / 0:00
0:00

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 5/12, có cử tri bày tỏ băn khoăn bởi tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vụ việc phát hiện sau thường có quy mô và tính chất lớn hơn rất nhiều vụ trước. Có ý kiến cho rằng: Đáng lo ngại là nhiều vụ việc, chính lực lượng làm công tác phòng chống tham nhũng như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại vi phạm… Trả lời các ý kiến nêu trên của cử tri, Chủ tịch nước khẳng định: Chính từ nguyện vọng, mong muốn sâu sắc của nhân dân, chính sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cho nên nhiều vụ án lớn đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý, nghiêm trị.

Đối với băn khoăn của cử tri là ngay cả các lực lượng như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… cũng vướng vào tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước cho biết: Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu triển khai phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị đã ban hành hai quy định là Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Từ những kết quả quan trọng thời gian qua, cử tri mong muốn tinh thần quyết liệt đó của Đảng, Nhà nước tiếp tục lan tỏa tới việc xử lý các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, người dân của những cán bộ cơ quan chức năng ở các lĩnh vực liên quan về cấp phép, thủ tục hành chính… Lâu nay, người dân vẫn gọi là "tham nhũng vặt". Đây là vấn đề không mới nhưng cử tri và nhân dân luôn mong muốn cần có cơ chế xác minh, xử lý kịp thời hơn nữa.

Thực tế cho thấy, có lĩnh vực, bằng cách này, cách khác, đã và đang tồn tại những cán bộ "cậy quyền", cậy "chữ ký" của mình để nhũng nhiễu, đòi phải được lót tay… thì mọi việc mới "êm". Có hiện tượng cán bộ ngành này phủ quyết, không chấp nhận giấy phép đã được phê duyệt của ngành khác với những lý do chưa hoàn chỉnh về từ này, từ kia để từ chối cấp phép cho doanh nghiệp, người dân. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, hoang mang, lo lắng của doanh nghiệp và người dân ngay khi chưa bắt đầu công việc của mình…

Liên quan thực trạng này, trong phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng nói: Người dân khi gặp việc khó, phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến ủy ban, đến luật pháp, đó mới là tư duy lành mạnh. Chúng ta phải hướng tới điều đó, đừng để khi người dân gặp khó hay muốn làm gì lại phải tìm gặp người này, người kia nói giúp.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa ở tất cả các cấp, từ những người có trọng trách cao cho đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở, đơn vị. Một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc đấu tranh trường kỳ đó là phát hiện, xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, hành dân, nhũng nhiễu… Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; có giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước thật sự trong sạch.