Tôn vinh và lan tỏa giá trị của di sản

Di sản hát Then của đồng bào miền núi phía bắc vừa tiếp tục được tôn vinh trong chương trình "Lễ hội thành Tuyên" và lễ đón bằng ghi danh của UNESCO do tỉnh Tuyên Quang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng VTV tổ chức. Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được trang trọng trao cho đại diện tỉnh Tuyên Quang cùng nhiều tỉnh khác trong chương trình diễn ra tối ngày Quốc khánh 2/9.
0:00 / 0:00
0:00

Di sản thực hành Then với những đặc sắc về truyền thống thực hành, tập quán trình diễn, nghệ thuật đàn, hát… đã được UNESCO vinh danh từ cuối năm 2019. Trước đó, việc xây dựng hồ sơ di sản trình lên UNESCO được thực hiện với sự tham gia của nhiều tỉnh. Và như vậy, niềm vinh dự khi di sản được tôn vinh là của chung các cộng đồng thực hành di sản hát Then ở nhiều địa phương.

Chính từ đây, đặt ra câu hỏi quen thuộc nhưng thường xuyên có tính thời sự và rất hệ trọng mỗi khi di sản của nước nhà được ghi danh ở tầm quốc tế hay khu vực. Rằng sau vinh danh sẽ là gì, tôn vinh rồi thì sẽ bảo tồn, phát huy ra sao? Đương nhiên, câu hỏi đó không riêng dành cho tỉnh Tuyên Quang là địa phương phối hợp tổ chức chương trình vừa rồi, mà gửi chung đến các địa phương, cộng đồng có di sản, đang thực hành di sản như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

Cùng với đó, với phạm vi địa lý, hành chính, hệ thống và cơ chế quản lý về văn hóa của mỗi tỉnh, đặc biệt là truyền thống thực hành di sản mang những nét đặc thù địa phương, thì việc đón nhận vinh danh, qua đó tiếp tục tôn vinh di sản, vừa đề cao, vừa đòi hỏi ý thức tích cực của chính quyền và người dân sở tại khi đứng trước di sản vốn quen thuộc, nhưng nay đã được yêu cầu cao hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị.

Đáng chú ý, ngay trong chương trình đón bằng ghi danh trên, có thể coi như một thí dụ liên quan đến công việc bảo tồn, phát huy di sản, là đã có những ý kiến trong dư luận, rằng đưa di sản hát Then vốn mang tính chất tín ngưỡng, tâm linh lên sân khấu truyền hình trực tiếp với mục đích trình diễn thì có phù hợp không.

Nhìn rộng ra, công chúng không chỉ ở các địa phương có di sản thực hành Then, mà phải nói rằng trong cả nước, đã không còn lạ lẫm với những tiết mục hát Then, đàn tính biểu diễn trên sóng truyền hình, phát thanh; với mô hình các câu lạc bộ hát Then-đàn tính được gây dựng, phát triển ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc thời gian qua nhờ công sức của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, thu hút nhiều đồng bào tham gia, khán giả hưởng ứng; cũng như không lạ với những bài ca Then mang giai điệu cổ truyền sử dụng lời mới… Đó là một dòng chảy thực tế trong đời sống, cho thấy sự tiếp biến, phát triển, lan tỏa của nghệ thuật hát Then, đàn tính bên cạnh việc thực hành nghi lễ đậm tính cổ truyền, phục vụ cho các nghi thức tín ngưỡng và từng giới hạn trong những cộng đồng, nhóm nghệ nhân, khán giả nhất định.

Di sản trước hết cần được bảo tồn, giữ gìn chân thực, trung thành với truyền thống. Tiếp đó, được lan tỏa, quảng bá rộng rãi để công chúng nhận thức chuẩn về diện mạo di sản. Tiếp đó nữa, trên nền tảng cổ truyền, cũng nên nghiên cứu, thử nghiệm việc sáng tạo mới, phát triển, phát huy qua các hình thức sáng tác, biểu diễn một cách phù hợp để giá trị di sản lan tỏa rộng rãi hơn nữa đến công chúng trong và ngoài nước. Khi cùng tôn trọng định hướng, quan điểm đó, thì việc bảo tồn, phát huy, sáng tạo và ứng dụng phát triển các giá trị của di sản sẽ cùng được khuyến khích, tạo điều kiện và ghi nhận.