Tình người trong tâm dịch Bắc Giang

Bắc Giang đang trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Cả hệ thống chính trị và toàn dân gồng mình chống dịch. Các F0 ngày một tăng. Tổng số ca F0 trong toàn tỉnh (tính đến ngày 25-5-2021) là hơn 1.000 trường hợp. Âm thầm ngoài kia là các y, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, hàng nghìn thanh niên tình nguyện làm công tác chống dịch; nhiều nhóm, cá nhân làm công tác thiện nguyện, quyên góp, cứu trợ không quản gian khổ vì mục đích đẩy lùi dịch bệnh.

Hàng hóa được chuẩn bị để gửi tặng công nhân trong KCN.
Hàng hóa được chuẩn bị để gửi tặng công nhân trong KCN.

Trong cơn cuồng phong

Dịch Covid-19 như cơn cuồng phong ào đến dữ dội làm lao đao bao phận người. Chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn làm việc thâu đêm, đội ngũ tuyến đầu chống dịch gấp rút lao vào cuộc chiến thật sự. Các chốt kiểm soát dịch bệnh lập khắp các ngõ phố, thôn, xóm; loa truyền thanh phát đến 24 giờ đêm; tin tức về dịch bệnh được cập nhật từng giờ ở tất cả các nhóm người dùng Zalo, Facebook; các văn bản của chính quyền ký còn ướt mực đã được truyền đi. Danh sách các F0, F1, F2 được chia sẻ với tốc độ siêu nóng. 

Hàng chục nghìn công nhân, người lao động nghỉ việc đột xuất vì bốn khu công nghiệp (KCN) đóng cửa. Cảnh mọi người (cả trẻ em) nháo nhác ôm ba-lô vội vã đi cách ly vì dịch bệnh làm nghẹn lòng người. Mấy chục em bé lớp mẫu giáo 2A của Trường mầm non Lê Lợi (TP Bắc Giang) ngồi xếp hàng đợi cách ly ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Các em quá bé, chưa biết thế nào là dịch bệnh. Có em hỏi mẹ: “Đi đâu hả mẹ? Sao con không được về với mẹ?”. Người mẹ quay đi, nín thở nói với con: “Con đi tập làm chú bộ đội đấy, cố gắng nhé, vài hôm xong mẹ lên đón về”. Muốn ôm con một cái lúc này cũng là điều không thể. Các cô giáo trông các em cách ly tại trường chia sẻ, hằng đêm, nghe các em bỗng bật dậy khóc gọi mẹ thảng thốt mà các cô cũng khóc theo.

Làng Đạo Ngạn 1, xã Quang Châu, huyện Việt Yên - nơi có hơn 1.000 công nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước ở trọ hai tuần nay xáo trộn. Từ hôm huyện thực hiện cách ly xã hội, ai ở yên đó, không ra ngoài, chợ đóng, hàng quán không có, nhiều công nhân không xoay xở kịp, vài gói mì tôm, một vài cân gạo hết vèo, khối người đứt bữa, chờ mong sự trợ giúp của chủ nhà trọ và bên ngoài. Số lượng công nhân lớn, chủ trọ cũng chỉ kham được vài hôm, cả chủ trọ và công nhân, người nọ liên kết người kia tìm cách cứu nhau. Tôi được ở trong nhóm Zalo với hơn 100 công nhân của xóm, chứng kiến các em nhắn tin hỏi nhau xem ai còn mì tôm, muối, gạo; ai có dầu gió, có nước muối sinh lý, có bỉm trẻ con… cả đêm không ngủ. Những công nhân như Lê Xuân Hoàng (quê ở Thanh Hóa); Hồ Thị Hường, Triệu Thị Hoa (quê ở Cao Bằng); Vương Thị Quyên (quê ở Tuyên Quang) lúc này rối bời, lo lắng vì tiền cạn mà trong phòng đồ ăn chỉ có thể cầm cự vài bữa. 

Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, có 8.000 công nhân thuê trọ, là tâm dịch nóng bỏng suốt những ngày qua đã nhiều đêm không ngủ. Ngay từ đầu, tỉnh đã thực hiện cách ly thôn Núi Hiểu, nhà nào ở yên nhà đó, đồng thời áp dụng ở Núi Hiểu mô hình của một khu cách ly tập trung có các chốt kiểm soát của lực lượng chuyên ngành và camera khắp ngõ xóm. Cuộc sống của hàng nghìn người đảo lộn, mọi công việc ngưng lại. Lực lượng y tế tại tâm dịch thức trắng đêm lấy mẫu cho công nhân và người dân. Có những bác sĩ đã nhiều ngày chưa cả gọi điện cho con nhỏ. 

Nhiều thôn xóm, ngõ phố trong khắp các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang cũng sống trong cảnh vắng lặng và tự chi viện cho nhau để chống dịch. Lúc lúc lại có truy vết F0, y tế gọi người đi cách ly tập trung.  Mọi người dù không nói ra, nhưng ai cũng xác định hãy phòng dịch cho tốt, bởi bất kể ai, là người dân Bắc Giang lúc này đều có thể mắc Covid-19.  

Yêu thương lan tỏa

Chưa khi nào thấy người dân thương nhau như lúc này, sẵn sàng chia cho nhau những gì mình có, động viên nhau đi qua dịch bệnh. Các hoạt động tình nguyện, cứu trợ từ thiện có mặt ở khắp nơi lan tỏa sự ấm áp yêu thương. Chị Thạch Kim Anh, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học và công tác thiếu nhi (Tỉnh Đoàn Bắc Giang) cho biết, sau mấy ngày phát động “Thư ngỏ kêu gọi thanh niên xung phong tình nguyện chống dịch Covid-19” của Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang, đến chiều 21-5-2021 đã có 2.060 lá đơn trực tuyến xin tình nguyện đi chống dịch và đến giờ vẫn còn đơn tình nguyện. Các bạn trẻ cả nước hăng hái gửi hơn 500 đơn. Có những đơn gửi từ Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Lạt, Bình Thuận, Đồng Nai... Tuy nhiên, do dịch bệnh nguy hiểm nên chủ yếu tiếp nhận tình nguyện viên (TNV) trong tỉnh. Bạn Trương Bùi Đình Hiếu, sinh năm 1995, quê ở Bình Thuận, đã viết: “Kính thưa Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19, bên em là đội xe Cấp cứu tư nhân Miền Nam. Đợt dịch lần thứ ba bùng phát tại miền trung, bên em đã hoàn thành việc hỗ trợ vận chuyển các ca bệnh từ bệnh viện điều trị sang bệnh viện trực tiếp chữa trị. Đã có kinh nghiệm chống dịch. Nay em mong muốn đưa xe cấp cứu về với Bắc Giang hỗ trợ cùng bệnh viện. Rất mong Tỉnh Đoàn xem xét hỗ trợ. Rất mong được phía Tỉnh Đoàn xem xét phản hồi. Cần xe lúc nào, em đưa xe ra lúc đó”.

Ông Nguyễn Xuân Tình - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Sở Y tế Bắc Giang) cho biết, vừa tiếp nhận thanh niên 24 tuổi Đặng Minh Trí (quê ở Quảng Bình) đã lái xe cứu thương suốt đêm, đến 5 giờ chiều 22-5-2021 có mặt ở Bắc Giang với mong muốn “giúp Bắc Giang chống dịch, bao giờ hết dịch thì về”. Hỏi chuyện qua điện thoại, Trí cho biết: “Em hiện làm cho Công ty TNHH Vận tải Tâm Trí tại Đồng Hới, chuyên phục vụ cấp cứu trong và ngoài tỉnh, thấy Bắc Giang dịch bùng phát nhiều, cho nên em xin đi. Đến nơi, thấy dịch bệnh căng thẳng hơn em cũng nghĩ, song em xác định rồi, em còn trẻ nên em muốn cống hiến sức mình, không có gì ân hận cả. Em sẽ cẩn thận ạ”. Vốn là con trai út trong gia đình có hai chị em, bố kinh doanh, mẹ nội trợ, Trí đã thuyết phục được bố mẹ. Đồng thời, công ty nơi Trí làm việc đã lo toàn bộ chi phí trên đường cho em ra Bắc Giang. Giọng nói Quảng Bình và tiếng “dạ” rất nhẹ của em làm tôi cay khóe mắt. 

Hiện Tỉnh Đoàn đã thành lập năm Đội TNV với hơn 300 người làm nhiệm vụ hậu cần phục vụ y tế, trực chốt kiểm soát dịch, hỗ trợ y bác sĩ lấy mẫu, truy vết bệnh nhân, nhập dữ liệu vào máy tính sau khi có kết quả xét nghiệm tại  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang. Ngoài ra còn hàng trăm TNV khác đảm nhận những nhiệm vụ đột xuất. Lúc cấp bách, chỉ một lời kêu gọi, hơn 300 đoàn viên, thanh niên từ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, giáo viên đến tận nơi tích cực làm việc. Nhiều người là lao động tự do, người bán hàng... cũng tất bật làm, không nề hà, đòi hỏi. Trẻ tuổi nhất trong đội ngũ TNV là em Đào Ngọc Minh, 17 tuổi, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang). Minh cho biết: “Cháu làm đơn đi vì muốn làm việc gì đó giúp cho quê hương khi dịch bệnh đến nhanh quá. Cháu rất muốn đi theo giúp đỡ cho các đoàn y bác sĩ. Hiện tại, cháu rất vui vì đang được làm ở đội số 3, chuyên nhập dữ liệu giúp CDC. Tất cả chúng cháu đều chia ca làm, có hôm làm từ sáng đến 12 giờ đêm mới xong. Các anh chị ở đội đi hỗ trợ lấy mẫu có hôm ba giờ sáng mới về”. Tôi biết, có em trực chốt suốt đêm mưa, nhưng ở các em lấp lánh niềm tin chiến thắng. 

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã huy động được nguồn kinh phí lớn giúp tỉnh chống dịch. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang và các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận kinh phí, vật tư y tế, nhu yếu phẩm ủng hộ công tác phòng, chống dịch tổng cộng 96,9 tỷ đồng (tính đến chiều 21-5).

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang thời điểm này đã nhận và trao tặng hết số tiền hơn 3,3 tỷ đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác. Những bếp ăn nuôi dân vùng dịch đã xuất hiện ngày một nhiều ở Việt Yên, Lục Nam, Lạng Giang... Người dân, các cô giáo đã lập nhóm, cùng nhau góp kinh phí nấu cơm, làm ruốc, muối vừng, ngâm sấu rồi chia suất mang phát cho những gia đình trong diện phong tỏa, các công nhân khu cách ly. Nhiều  người nhận suất cơm mà nghẹn ngào. Hiện nay toàn tỉnh đã có 10 siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân.

Anh Nguyễn Quang Phú, sinh 1993, người làng Đạo Ngạn 1 thấy quá nhiều công nhân khó khăn đã lập nhóm Zalo, kết nối mọi người, cùng những người bạn làm đầu mối kêu gọi quyên góp, trực tiếp nhận và tiếp tế đồ ăn thức uống cho  hàng trăm công nhân mỗi ngày. Phú nhận thực phẩm cứu trợ từ chị Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1983) Trưởng nhóm thiện nguyện Thiện Tâm. Hiền quê ở Hà Tĩnh, hiện sống ở TP Bắc Giang, lập nhóm thiện nguyện giúp đỡ, cứu trợ cho công nhân khắp tỉnh. Có công nhân người dân tộc thiểu số bật khóc khi nhận được gạo để nấu cơm sau mấy ngày chỉ ăn mì gói. Khắp nơi, các nhóm từ thiện đều có mặt, người dân sẵn sàng đóng góp tiền của cho chống dịch. Nhiều người dân mang từng ổ trứng, mớ rau đến tặng cho các chốt kiểm soát.  

Có lẽ, sự đoàn kết, tình yêu thương, tương trợ của tất cả người dân Bắc Giang cùng sự giúp sức, động viên bằng sức người, vật chất của các địa phương khác trong cả nước sẽ là sức mạnh lớn lao nhất giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

8_1-1622192605859.jpg
 Các cô giáo huyện Việt Yên nấu cơm miễn phí cho bà con trong khu cách ly.