Tình cảm của nhà báo Thái Duy với Nhân Dân hằng tháng

Ở Báo Nhân Dân , ông Thái Duy có một người bạn thân thiết là nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo.
0:00 / 0:00
0:00
Bài viết của nhà báo Hữu Thọ giới thiệu cuốn sách của nhà báo Thái Duy “Khoán chui” hay là chết đăng trên Nhân Dân hằng tháng số tháng 4/2013.
Bài viết của nhà báo Hữu Thọ giới thiệu cuốn sách của nhà báo Thái Duy “Khoán chui” hay là chết đăng trên Nhân Dân hằng tháng số tháng 4/2013.

Theo nhà báo Hữu Thọ kể lại thì hai ông biết nhau đã lâu, nhưng chỉ thực sự gắn bó từ năm 1979 khi các ông bắt đầu đấu tranh cho mô hình khoán sản phẩm tới hộ nông dân, hay còn gọi là “khoán chui”. Nhà ông Hữu Thọ ở trên phố Lê Thánh Tông, nhà ông Thái Duy ở phố Lý Thường Kiệt, nhưng hai khu nhà quay lưng vào nhau, nên ngoài tình đồng chí, đồng nghiệp, còn là hàng xóm thân thiết.

Ngày ấy hễ gặp nhau là hai ông chỉ nói chuyện “khoán chui”. Đó là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, căng thẳng, thậm chí sinh mệnh chính trị của người viết báo có lúc bị ảnh hưởng. Nhưng cuối cùng cái mới, cái tiến bộ đã thắng, làm thay đổi căn bản tư duy ở những cấp lãnh đạo cao nhất. Chỉ thị khoán 100, rồi khoán 10 ra đời đã “khai phóng” cho nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ “khoán chui” ấy, ông Thái Duy đã viết hàng trăm bài báo, cũng là người xông xáo, năng nổ nhất. Hơn 20 năm sau, ông đã chọn 42 bài viết về thời kỳ đó in thành tập sách mang tựa đề “Khoán chui” hay là chết (NXB Trẻ, 2013). Một trong những người đầu tiên được tặng sách vẫn là nhà báo Hữu Thọ và ông đã nhiệt thành giới thiệu tới bạn đọc qua bài viết “Chui” ra chỗ sáng in trên báo Nhân Dân hằng tháng số tháng 4/2013. Cuốn sách đã làm ông “nhớ lại khúc mở đầu một chặng đường rất lý thú và cũng đầy sóng gió của những người làm báo đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước”.

Cầm bản photocopy bài báo đã được nhân bản nhiều lần, bên cạnh có lời đề tặng của nhà báo Hữu Thọ: “Tặng Thái Duy để nhớ một thời rất đáng nhớ”, ông Thái Duy gõ gõ ngón tay lên tờ báo, nói với tôi: “Từ khi nó (Nhân Dân hằng tháng) ra bộ mới, báo tháng ở ngoài bắc, tôi chỉ đọc mỗi tờ này”. Ông chia sẻ: “Nghề báo của ta bây giờ rất thiếu báo tháng, vì hằng tháng nó khác hằng ngày và có một vị trí rất quan trọng. Bài đầu tiên tôi viết cho một tờ báo hằng tháng tên là “Công bộc của dân”. Viết cho báo tháng phải kỹ càng lắm, phải đặt được những vấn đề đâu ra đấy chứ. Đọc báo hằng tháng cũng phải là những độc giả như thế!”.

Tháng 5 năm 2022, tôi đến mời ông dự lễ kỷ niệm 25 năm Ngày báo Nhân Dân hằng tháng ra số đầu. Ông vui vẻ nhận lời: “Tôi sẽ sang và phát biểu vài câu nhé! Một tờ báo rất khá”. Tôi hỏi ông có cần xe đưa đón không. Ông gạt đi, bảo có xa xôi gì đâu mà phải đón. “Trước đây tôi đến Báo Nhân Dân thường mà. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn tự đi bộ sang gần đấy ăn bánh cuốn”.

Một trưởng lão của làng báo đã bước sang tuổi 97 mà vẫn tự nhiên nhi nhiên, không hề công thần, bề trên, luôn tự lập và tránh làm phiền người khác tối đa, chỉ có thể là nhà báo Thái Duy! Hôm sau ông đi bộ sang, chậm rãi, khoan thai như trở về chốn quen thuộc. Ông phát biểu ngắn gọn, rộng rãi động viên, cổ vũ những người làm báo hôm nay một cách trìu mến và tái khẳng định vai trò quan trọng của ấn phẩm hằng tháng trong nghề báo.

Mỗi tháng ông đều đặn mua tờ Nhân Dân hằng tháng ở sạp báo gần Thông tấn xã Việt Nam. Còn nhớ những ngày Hà Nội bị phong tỏa do đại dịch Covid-19, ông đã gọi điện thoại cho tôi: “Ở khu số 8 phố Lý Thường Kiệt (nhà riêng của ông), mấy anh về hưu chúng tôi mỗi người chỉ mua nửa tờ báo (nghĩa là cứ hai người mua một tờ đọc chung), nhưng Covid nên ngoài sạp nó không bán nữa. Cậu cho chúng tôi xin một cuốn”. Tôi hào phóng nói với ông: “Từ giờ tới lúc nghỉ hưu, hễ còn làm việc ở Báo Nhân Dân ngày nào thì mỗi tháng con xin gửi biếu ông một tờ báo tháng”. Ông vui lắm, cười khà khà cảm ơn. Các đồng nghiệp tại báo Nhân Dân hằng tháng biết chuyện, có ý trách tôi: “Sao anh lại nói thế, làm ông buồn? Anh nghỉ thì đã có chúng em sẽ tiếp tục gửi báo cho ông đọc chứ”.

Nhưng hôm nay thì chúng tôi không thể gửi báo cho ông đọc được nữa rồi! 20 giờ 56 phút ngày 14/4/2024, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 99 tuổi.

Một cây đại thụ của làng báo đã nằm xuống, nhưng bóng mát của cây vẫn tỏa rộng, đồng hành với các thế hệ đến sau. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ân tình của ông, những lời trao đổi giản dị, ân cần và minh triết của ông về công việc cũng như thiên chức của người làm báo.