Bóng đá nội trong dòng chảy ngược

Thị trường chuyển nhượng của làng túc cầu Việt Nam vừa qua đã có những diễn biến khá đặc biệt và lạ lẫm khi nhiều cầu thủ chất lượng, thậm chí là các tuyển thủ quốc gia chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Nhất. Hiện tượng “dòng chảy ngược” này đang tạo ra những tranh luận sôi nổi trong cộng đồng bóng đá.
Thủ môn Đặng Văn Lâm thi đấu cho Phù Đổng Ninh Bình. (Ảnh: Minh Tú)
Thủ môn Đặng Văn Lâm thi đấu cho Phù Đổng Ninh Bình. (Ảnh: Minh Tú)

Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2024/25 (V.League 2) khởi tranh vào ngày 26/10, có 1 suất thăng hạng dành cho đội vô địch và 1 trận play-off giữa đội á quân với đội xếp cuối V.League 1. Và tấm vé lên hạng gần như sẽ là cuộc đua của 3 đại gia Trường Tươi Bình Phước, PVF-CAND, Phù Đổng Ninh Bình. Trong đó, Ninh Bình được “thay da đổi thịt” khi chuyển giao lực lượng với CLB Thanh niên TP Hồ Chí Minh, mọi tinh tú và tham vọng được đổ dồn vào đội bóng phía bắc khi họ có chung ông bầu quê Ninh Bình.

Ngoài “bom tấn” là Quả bóng vàng Việt Nam 2023 Nguyễn Hoàng Đức và thủ môn Đặng Văn Lâm, đội bóng Cố đô Ninh Bình còn có HLV trưởng Nguyễn Việt Thắng cùng dàn hảo thủ Nguyễn Quốc Việt, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Phạm Gia Hưng, Hữu Tuấn, Thanh Thịnh, Văn Thành...

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng sau khi chia tay Yokohama FC trở về nước đã gia nhập Trường Tươi Bình Phước để làm đồng đội của Lê Thanh Bình, Huỳnh Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Hồ Tuấn Tài, Hồ Sỹ Giáp, Nguyễn Trọng Phú... Trong khi đó PVF-CAND cũng không kém cạnh khi có sự phục vụ của nhiều cái tên chất lượng như Trần Ngọc Sơn, Xuân Nam, Thanh Nhàn, Đức Phú, Bá Đạt, Minh Long, Nguyễn Huy Hùng, Lê Ngọc Bảo, Ryan Hà, Martin Lò...

Sự xuất hiện của những ngôi sao hàng đầu như Hoàng Đức, Công Phượng, Văn Lâm không chỉ làm nóng cuộc đua vô địch mà còn tạo nên sức hút cho giải đấu vốn không giành được nhiều sự chú ý từ người hâm mộ. Ngoài ra, các cầu thủ trẻ cũng sẽ được học hỏi, cọ xát với đàn anh có kinh nghiệm. Đối với nhiều cầu thủ thì việc thi đấu ở hạng Nhất sẽ là phù hợp. Như trường hợp của Công Phượng, dù chỉ là thi đấu giải hạng dưới, nhưng vẫn là cơ hội tốt để cầu thủ này tìm lại cảm giác bóng, cảm giác được thi đấu, trước khi nghĩ đến những điều to tát hơn.

Bóng đá nội trong dòng chảy ngược ảnh 1
Công Phượng trong màu áo Trường Tươi Bình Phước. (Ảnh: TTBP)

Việc các CLB hạng Nhất được đầu tư mạnh là điều rất hiếm thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Với phí chuyển nhượng và khoản lót tay “khủng” từ các đại gia V.League 2, nhiều người đã không thể từ chối. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn khá lo lắng về hiện tượng “dòng chảy ngược” này. Bởi thi đấu ở giải mà đa số CLB thường điêu đứng vì thiếu kinh phí, tính cạnh tranh không cao, chất lượng chuyên môn thấp thì liệu các tuyển thủ có duy trì được phong độ, phục vụ tốt nhất cho đội tuyển quốc gia. Giải hạng Nhất không chỉ ít đội tham dự hơn, mà còn không được phép sử dụng ngoại binh.

“Mối lo này không phải là không có cơ sở, bởi ở bất kỳ bộ môn thể thao nào, VĐV muốn được trau dồi, hoàn thiện về mặt chuyên môn, phát huy hết khả năng thì cần được thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp nhất, cần phải được cọ xát với đối thủ có trình độ cao hơn hoặc ít nhất là tương đồng. Trong khi đó, khoảng cách, trình độ chuyên môn giữa giải hạng Nhất với V.league 1 là khá xa”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định.

Làn sóng đổ xô xuống giải hạng Nhất cho thấy họ chấp nhận đánh đổi cơ hội thăng tiến hoặc trở lại đội tuyển quốc gia, không chỉ vì yếu tố tuổi tác, sức cạnh tranh mà còn là những khoản lót tay, lương thưởng lớn trong thời buổi khó khăn cơm áo gạo tiền. Để thu hút được những cầu thủ chất lượng đầu quân, các đội bóng ngoài tiềm lực kinh tế thì phải có tham vọng, cách thức hoạt động chuyên nghiệp và mục tiêu lâu dài.

Việt Nam có không ít các CLB “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như Công an Hà Nội, Thép Xanh Nam Định, Quy Nhơn Bình Định... nhưng chi mạnh tay như vậy ở hạng Nhất thì rất hiếm có. 22 năm trước, ngôi sao số 1 của bóng đá Đông Nam Á Kiatisuk Senamuang gia nhập HAGL thi đấu ở giải hạng Nhất trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Và Kiatisuk vẫn luôn là lựa chọn số 1 ở đội tuyển Thái Lan trong 4 năm khoác áo đội bóng phố Núi.

Thường thì khi ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, người ta sẽ chọn thi đấu ở những hạng thấp hơn. Super League của Trung Quốc có thời điểm chiêu mộ hàng loạt ngôi sao từ châu Âu. Nhưng vẫn có người giữ được phong độ trên đội tuyển. Gần đây là C.Ronaldo và Kante vẫn miệt mài nâng cao thành tích tại Saudi Pro League. Từ đó có thể thấy, thi đấu ở đâu cũng vậy, để tiến bộ hay không vẫn phải phụ thuộc vào ý chí cá nhân. Khi vật chất đầy đủ, sức cạnh tranh và áp lực giảm đi, liệu còn có động lực để phấn đấu vươn tầm?