Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV:

Tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng về quốc kế dân sinh

Nhiều vấn đề nóng của quốc kế dân sinh như quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế… đã được các đại biểu Quốc hội (ÐBQH) thảo luận, phân tích, đề xuất các giải pháp…
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại nghị trường.

Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV nóng lên khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đại biểu đoàn Bắc Kạn) phát biểu mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã quá lạc hậu. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát nhiều năm đã bào mòn thu nhập thực tế của người lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phân tích mức giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế. Mức này duy trì từ năm 2020 nhưng 5 năm vừa qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Lấy dẫn chứng từ số liệu Tổng cục Thống kê, đại biểu cho hay so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, lương thực 27%, đặc biệt là giá xăng tăng 105%. Thực tế nếu gia đình có con nhỏ thuê người trông, tiền lương trả cho người trông trẻ không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác. Nếu gia đình có con cái đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu. Gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ chi phí sinh hoạt mà còn chi phí y tế, thuốc men.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động hơn 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần xem xét sửa đổi sớm quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, nếu chờ 2 năm nữa mới thông qua như đề xuất thì nhiều người dân trong cảnh thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Hơn nữa, lương tăng (dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương) nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cũng cho rằng cần nghiên cứu sớm sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp. Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật bởi giai đoạn 2020-2023, CPI mới biến động 11,47%, thấp hơn mức 20% nên chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng. Như vậy, với những người có 1 người phụ thuộc thì thu nhập từ 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân, người có 2 người phụ thuộc thì thu nhập hơn 22 triệu đồng mới phải nộp thuế. Mức giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng đang cao hơn 2,2 lần mức thu nhập bình quân hiện nay (4,96 triệu đồng), trong khi trên thế giới là dưới 1 lần. Bộ trưởng Tài chính cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10/2025, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.

Tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng về quốc kế dân sinh ảnh 1

Toàn cảnh Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh trong bài | DUY LINH

Chuyển hóa tiềm năng thành động lực tăng trưởng mới

Cũng trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, nhiều vấn đề nóng được các ĐBQH đề cập, trong đó có câu chuyện độc quyền vàng và nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý thị trường vàng có nhiều bất cập. Như trong báo cáo thẩm tra, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm “chảy máu” ngoại tệ. Những diễn biến trên có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô nên phải có giải pháp dài hạn để quản lý, ổn định thị trường vàng. Theo đại biểu, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và làm vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều đại biểu nêu một số vấn đề kinh tế-xã hội phát sinh khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, lo lắng. Trong đó có tình trạng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Năm 2023 có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; trong 4 tháng đầu năm 2024 có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng thực trạng trên rất đáng suy ngẫm, tìm nguyên nhân vì một đất nước có cường thịnh hay không phải nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Theo đại biểu, điều này có nguyên nhân từ tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp. Cùng với đó, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn đến mức cùng cực sau đại dịch Covid-19. Chưa kể, các chính sách, quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc.

ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho biết, đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Doanh nghiệp đang khó khăn khi thiếu đầu ra cho sản phẩm, thiếu đơn hàng quốc tế, cùng với giá cả tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu. Nhưng trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp lại không có nhu cầu vay vốn, dù lãi ngân hàng đang thấp, cho thấy khả năng hấp thụ vốn thấp, khó tăng trưởng cho tín dụng.

Một số đại biểu cũng hiến kế để tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp, chuyển hóa tiềm năng thành động lực tăng trưởng mới. Đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp; tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.

Ngoài ra, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để mở rộng kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) bày tỏ đồng tình cao việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét, quyết định cho phép Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.

Phát biểu làm rõ các ý kiến các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ tập trung vào các nhóm giải pháp lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị điều kiện tốt thu hút làn sóng chuyển dịch FDI. Bên cạnh việc quan tâm thúc đẩy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, xem xét triển khai các động lực mới, các mô hình kinh tế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, hay một số ngành mới nổi, các ngành công nghiệp quan trọng như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Tham gia giải trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.