Chính sách-Cuộc sống

Chênh lệch địa tô

Đường Kim Liên-Xã Đàn của Hà Nội được coi là một trong những “con đường đắt nhất hành tinh”. Chính thức thông xe vào năm 2010, chỉ với chiều dài hơn 550m, dự án mở rộng con đường này đã có tổng mức đầu tư lên đến 642 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Kim Liên-Xã Đàn là một trong những “con đường đắt nhất hành tinh”. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG
Đường Kim Liên-Xã Đàn là một trong những “con đường đắt nhất hành tinh”. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG

Đầu tư của Nhà nước đã không chỉ giúp cải thiện điều kiện giao thông, mà còn nâng cao giá trị cho các bất động sản dọc theo con đường. Theo một số báo cáo, giá đất tại đây đã tăng gấp 2-3 lần so với trước khi mở rộng đường. Đó chính là chênh lệch địa tô - phần thu nhập gia tăng nhờ vào sự khác biệt về vị trí, điều kiện hạ tầng, chất lượng đất đai, quy hoạch và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá trị sử dụng đất. Nhờ vậy, nhiều chủ bất động sản dọc theo đường Kim Liên - Xã Đàn bỗng nhiên đã trở thành tỷ phú mà chẳng cần phải làm gì cả.

Trên thực tế, toàn bộ các khoản chênh lệch địa tô khổng lồ mà dự án mở rộng đường Kim Liên - Xã Đàn mang lại đã không được tái phân phối. Chúng đều rơi hết vào tay các cá nhân là chủ bất động sản. Tuy nhiên, không phải ở đâu chênh lệch địa tô cũng rơi vào tay cá nhân. Ở thành phố Đà Nẵng dưới thời của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, gần như toàn bộ chênh lệch địa tô lại rơi vào tay Nhà nước.

Thành phố đã thực hiện chính sách thu hồi và đền bù, giải tỏa đất (để xây dựng và mở rộng đường) sâu vào cả hai bên rồi đem đấu giá nhằm tận thu chênh lệch địa tô. Mở rộng đường Võ Nguyên Giáp, đất được thu hồi sâu từ 10-20m mỗi bên, xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, đất được thu hồi sâu từ 30-50m mỗi bên... Nhờ thu được những khoản chênh lệch địa tô rất lớn, Đà Nẵng đã có đủ kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và biến thành phố thành một trong những nơi đáng sống.

Trong cả nước, chênh lệch địa tô đang được phân chia rất khác nhau. Có nơi rơi vào tay các doanh nghiệp, có nơi vào tay các nhà đầu cơ, có nơi vào tay các nhóm thân hữu... Trong bất cứ trường hợp nào, do chênh lệch địa tô có thể lên đến hàng 1.000%, nên thâu tóm chênh lệch địa tô đang là một trong những cách làm giàu nhanh chóng và hiệu quả nhất trong thời gian qua. Đây chính là động lực to lớn của vận động chính sách và phát triển bất động sản. Rất tiếc, đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của những khiếu kiện kéo dài về giá đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chênh lệch địa tô có thể trở thành nguồn lực vô cùng to lớn để xây dựng và phát triển đất nước, nhưng cũng có thể trở thành nguyên nhân của rất nhiều vấn đề đặt ra. Vấn đề dễ nhận thấy trong trường hợp của đường Kim Liên - Xã Đàn là sự thiếu công bằng. Tuy nhiên, những vấn đề khác từ chênh lệch địa tô có vẻ còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Trước hết, đó là tham nhũng. Chênh lệch địa tô tạo ra cơ hội cho các cá nhân và tổ chức có quyền lực trục lợi thông qua việc thao túng về quy hoạch, thu hồi đất, cấp phép xây dựng... Ngoài ra, để được hưởng lợi từ chênh lệch địa tô, một số cá nhân có thể hối lộ các quan chức để họ đưa ra quyết định có lợi cho mình hoặc tìm cách “mua quan, bán chức” để có được vị trí có quyền lực, từ đó thao túng thị trường bất động sản.

Thứ hai, chênh lệch địa tô có thể làm méo mó thị trường bất động sản. Chênh lệch địa tô có thể dẫn đến việc đầu tư vào bất động sản tăng cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Do chênh lệch địa tô, giá nhà đất ở những khu vực có vị trí đẹp, hạ tầng tốt... tăng cao, khiến người dân có thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở và gây tình trạng thiếu hụt nhà ở. Chênh lệch địa tô khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn, dẫn đến thiếu hụt nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

Vấn đề chênh lệch địa tô, có lẽ, cần được xử lý cơ bản nhất là trong Luật Đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng đã có một số quy định có thể giúp xử lý vấn đề này. Đó là các quy định về việc xác định giá bồi thường đất, đánh thuế tài sản đối với nhà đất, phát triển nhà ở xã hội... Cần thời gian để kiểm chứng xem các quy định nói trên sẽ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch địa tô như thế nào. Tuy nhiên, chênh lệch địa tô vẫn cần phải được xem là một trong những vấn đề trọng tâm nhất của Luật Đất đai và cần được tiếp tục nghiên cứu để xử lý hiệu quả hơn.