Khúc quân hành vang mãi

Trải qua mưa bom bão đạn, người lính cảm tử năm xưa dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn hăng say chăm lo, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thường xuyên dành một phần thu nhập giúp đỡ đồng chí, đồng đội, vẫn nỗ lực tìm kiếm thông tin liệt sĩ và đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn bên xe phá bom từ trường tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn bên xe phá bom từ trường tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Ký ức không quên

Trong căn nhà ở xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trên gương mặt còn in hằn những vết sẹo bỏng của bom napan, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn ngồi lặng lẽ ngắm nhìn những kỷ vật chiến trường mà bao năm qua ông nâng niu, gìn giữ. Đây chiếc bình tông đựng nước, hộp kim loại đựng cơm, kia chiếc ba-lô, bộ quân phục, chiếc khăn dù, máy thông tin, bao đựng súng... Tất cả những quân tư trang này đã đi cùng ông và đồng đội trên mọi nẻo đường Trường Sơn dưới làn mưa bom, bão đạn. Ký ức một thời trai trẻ dâng hiến cho Tổ quốc lại ùa về.

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, đế quốc Mỹ không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, hòng chiếm đóng hoàn toàn Việt Nam. Tin tức chiến trường miền nam được truyền đi khắp cả nước. Cha của ông, một chiến sĩ cộng sản trung kiên, từng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đã thúc giục con thực hiện chí trai, xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Khi đó, ông Sơn vừa tròn 18 tuổi, tuy chỉ nặng 38kg nhưng lanh lợi, đôi mắt sáng, cùng lá đơn tình nguyện nhập ngũ đã thuyết phục ban tuyển quân. Ông được đưa về Trường lái xe Quân khu 3, nơi chuyên đào tạo lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Sau hơn một tháng huấn luyện và học tập, ông được phân công nhiệm vụ lái xe tại Binh trạm 42, Đoàn 559, hoạt động trên tuyến đường huyết mạch để chi viện cho miền nam, thuộc địa phận huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vì thân hình nhỏ bé nên ông phải đệm chăn chiên lên ghế ngồi cho vừa tầm lái của chiếc xe tải ba cầu. Nhanh nhẹn, lái xe giỏi, ông thường chạy vượt cung đường, vượt chuyến so với chỉ tiêu cấp trên giao. Các đoàn xe vận tải thời đó luôn là mục tiêu đánh phá số 1 của máy bay địch, đường Trường Sơn lại vô cùng hiểm trở, mặt đường bị bom đạn cày xới rất khó đi. Nhưng bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, kiên cường, ông Sơn đã cùng đồng đội vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết an toàn.

Đêm 26/6/1972, ông được cấp trên giao nhiệm vụ đi đầu rà phá bom từ trường, dẫn đường cho đoàn xe chở vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang chi viện cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Khi đoàn xe 42 chiếc đang vượt dốc Con Mèo, nằm ở sườn núi Kô Anông, thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới, một trọng điểm quan trọng trên tuyến chiến lược đường Trường Sơn thì bị máy bay địch phát hiện, đánh phá. Xe ông Sơn bị trúng bom napan bốc cháy dữ dội. Lửa trùm vào ca bin. Ông thoáng nghĩ: “Nếu mình thoát ra ngoài để bảo vệ tính mạng thì xe nằm lại trên đường bốc cháy sẽ gây ùn tắc cho cả đoàn, máy bay địch xác định được mục tiêu tiếp tục dội bom đánh phá, đơn vị tổn thất rất nặng nề, chiến trường sẽ thiếu vũ khí, lương thực. Nếu mình hy sinh mà bảo vệ được cả đoàn xe thì cũng xứng đáng...”.

Vậy là mặc cho lửa ngùn ngụt bao vây tứ bề, quần áo bắt đầu cháy sém, khắp người bỏng rát, ông Sơn vẫn bình tĩnh lái xe vượt đèo, rồi tách đoàn, chủ động cho xe lao xuống vực, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Ông bật cửa lao ra khỏi xe trước khi ngất lịm. Xe vẫn bốc cháy dữ dội, song đã đánh lạc hướng được máy bay địch, cả đoàn xe tiếp tục lăn bánh vượt trọng điểm an toàn.

May mắn sống sót nhưng toàn thân ông bị cháy sém, rồi được đội thanh niên xung phong tìm thấy, sơ cứu và đưa về viện quân y tiền phương điều trị. Dù bị bỏng nặng nhưng với sức trẻ và ý chí quyết tâm đánh giặc, chỉ sau hơn hai tháng điều trị, khi các vết thương chớm lành, ông đã xin cấp trên được trở về đơn vị. Kể từ đó, cái tên “Sơn cháy” được đồng đội đặt cho ông.

Ông Sơn không nhớ mình đã bao lần vượt qua “tọa độ lửa” chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, quân trang, nhưng lại không thể nào quên lần lái xe chở bộ đội đặc công vào bảo vệ cầu Sài Gòn, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Đó là chuyến đi dài, nguy hiểm nhất nên không phải ai cũng được chọn. Tôi và đồng đội ngụy trang cho xe rất cẩn thận, đêm đi, ngày nghỉ, gian khổ, hiểm nguy không nề. Vượt qua nhiều trọng điểm địch đánh phá, vào đến cầu Sài Gòn mà địch không phát hiện ra. Sau đó, chúng tôi lại lái xe chở thương binh ra hậu cứ chữa trị vết thương”, ông hồ hởi kể lại lần cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nét mặt ánh lên niềm vinh dự tự hào.

Khúc quân hành vang mãi ảnh 1

Viếng nghĩa trang liệt sĩ, tri ân đồng đội đã hy sinh.

Sáng mãi phẩm chất người lính Trường Sơn

Tháng 6/1976, ông Sơn phục viên trở về quê hương, rồi lập gia đình. Ba năm sau, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, ông lại viết đơn tình nguyện tái ngũ, xung phong nhận nhiệm vụ lái xe phục vụ chiến đấu tại chiến trường ác liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Năm 1986, vết thương cũ tái phát khiến sức khỏe giảm sút, là thương binh hạng 2/4, ông được xuất ngũ, chuyển về công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình.

Sau khi nghỉ hưu, năm 1996, ông cùng một số đồng đội góp vốn thành lập Hợp tác xã vận tải thủy bộ Đông Hưng (nay là Xí nghiệp Vận tải 27/7). Vạn sự khởi đầu nan, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết đoán của người lính Trường Sơn, ông đã đưa một hợp tác xã chỉ có vài xe với nhiều khó khăn thành xí nghiệp vận tải có hơn 100 đầu xe các loại, phục vụ vận tải khách, hàng hóa đến các tỉnh thành, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động, hầu hết là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách.

Từng trải qua cuộc chiến sinh tử, nơi những người lính hạt muối chia đôi, bát cơm sẻ nửa, sống chết có nhau, ông trân trọng nghĩa tình đồng đội. Biết hoàn cảnh bà Trần Thị Tỳ ở thôn Cốc, xã Phú Châu là cựu thanh niên xung phong phục vụ đường Trường Sơn, tuổi xuân lỡ dở, một mình chăm sóc hai em bệnh tật, ông dành một khoản thu nhập giúp bà xây lại căn nhà kiên cố, hỗ trợ vốn làm ăn, thường xuyên thăm hỏi lúc ốm đau. Bà Ngô Thị Lợi ở cùng xã cũng là một trong ba gia đình được ông và đồng đội hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Hằng năm, Xí nghiệp Vận tải 27/7 trích từ 300 triệu đến 500 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, dành từ 300 đến 400 suất quà trị giá từ 150 triệu đến 200 triệu đồng tặng các gia đình chính sách, thương bệnh binh, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn dịp Ngày thương binh, liệt sĩ và Tết Nguyên đán.

Đau đáu nghĩ về những đồng đội đã hy sinh, ông Sơn góp tiền cá nhân xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, đầu tư gần 100 triệu đồng hoán cải chiếc xe U-oát thành xe chuyên dùng đưa đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương, hỗ trợ miễn phí cho các gia đình liệt sĩ. Trong hơn 20 chuyến xe tình nguyện đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương Thái Bình năm 2023, ông nhớ nhất chuyến đi đón liệt sĩ Đặng Hùng Nhân, cùng quê Phú Châu, nhập ngũ tháng 3/1962, thuộc biên chế Đại đội 16, Trung đoàn 48. Trong cuộc giao tranh ác liệt giành điểm chốt với địch ngày 20/4/1968, ông Nhân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh khi tròn 23 tuổi. Liệt sĩ không có vợ, con, gia đình chỉ còn một người em gái, hoàn cảnh rất khó khăn. Khi tìm được thông tin phần mộ nằm tại nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, ông Sơn đã thay mặt gia đình liệt sĩ đứng ra lo liệu mọi việc, hỗ trợ toàn bộ kinh phí đưa đón hài cốt liệt sĩ, phối hợp chính quyền, các đoàn thể, nhân dân xã Phú Châu tổ chức trang trọng, chu đáo lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Đặng Hùng Nhân. Ngày 16/5, ông Sơn còn hỗ trợ đưa hài cốt liệt sĩ Đào Thị Gái quê ở xã Minh Hồng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình từ nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà, tỉnh Quảng Bình về an táng tại quê nhà.

“Mình đã may mắn trở về thì phải có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội và cả những người đã hy sinh. Chừng nào còn sức khỏe, còn đi được, còn khả năng kinh tế thì tôi vẫn tiếp tục tri ân công lao, sự hy sinh của những người đã nằm lại chiến trường và xoa dịu nỗi đau của những người ở lại”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình: Tỉnh Thái Bình có hơn 20 nghìn bộ đội và hơn 10 nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ ở chiến trường Trường Sơn. Trong đó, 1.384 người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, 5.330 là thương binh, 4.289 đồng chí bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Có 6 cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Về với đời thường, các hội viên là tấm gương sáng đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương; tích cực phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động.