Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người “bắc nhịp tằm tang” bên dòng Krông Nô

Bao đời nay, người M’nông, Cơ Ho Cil ở vùng đất Ðạ M’rông, huyện Ðam Rông, Lâm Ðồng thân thuộc với cây lúa nước, lúa nương. Bỗng điều “lạ lẫm” xuất hiện. Năm 2016, Ma Rương, cô gái người Cơ Ho T’ring, nảy ý tưởng “đưa” nương dâu, con tằm về xứ này. Và mô hình kinh tế rất mới với cư dân bản địa bên dòng Krông Nô đã bước qua nếp nghĩ cũ, trở thành sinh kế quan trọng của nhiều gia đình nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Ma Rương (trái) cùng thành viên tổ hợp tác chọn hái lá dâu để nuôi tằm con.
Chị Ma Rương (trái) cùng thành viên tổ hợp tác chọn hái lá dâu để nuôi tằm con.

Chiều nghiêng nắng. Vùng đất dưới chân dãy Lơmbur hiện lên tươi mới. Đạ M’rông, xứ được cho là nhiều núi đồi nhất huyện Đam Rông đã “dệt” những miền xanh nương dâu. “Cây dâu, con tằm về với Đạ M’rông như chuyện cổ tích. Bởi lẽ, đây là thứ xa lạ với người dân tộc thiểu số bản địa quê mình. Nghe xã, huyện và đài báo nói nhiều rồi, nhưng khi Ma Rương triển khai làm mô hình mẫu thành công, bà con đến sờ tận tay con tằm mới vượt qua nỗi sợ con sâu bấy lâu. Giờ thì quen rồi... nhờ Ma Rương đó”, chị Ndu K’Jiêng ở buôn Đa Xế gợi chuyện.

Chị K’Jiêng là một trong những thành viên đầu tiên của “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 3” do Ma Rương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Đạ M’rông làm tổ trưởng. Đây là chuỗi liên kết sản xuất của phụ nữ xã và là tổ hợp tác cung ứng tằm con đầu tiên của phụ nữ ở huyện Đam Rông. K’Jiêng cho biết, gia đình chị có 5 sào (5.000m2) dâu, 14 khay kén, nhờ tham gia tổ hợp tác, mỗi năm thu về hơn 80 triệu đồng. Thu nhập có thể chưa cao, nhưng được cho là hạng khá ở vùng đất khó này: “Ma Rương hướng dẫn rất dễ hiểu, dễ làm. Từ ngày chuyển từ trồng lúa, trồng bắp một vụ sang trồng dâu, nuôi tằm thấy cuộc sống khá lên nhiều”, K’Jiêng hồ hởi.

Đạ M’rông đã xanh ngát nương dâu. Điều khó tin với nhiều người, kể cả lãnh đạo huyện. Bởi hình ảnh “nương dâu, con tằm” hầu như không có trong ký ức của cư dân bản địa. Ngược xuôi Đam Rông bao lần, tôi mới được nghe “chuyện lạ”: “Trước đây, đồng bào dân tộc tại chỗ sợ con tằm bởi giống con sâu, mà ít ai biết chuyện. Khi huyện triển khai chuyển cây lúa, cây bắp một vụ kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm thấy bà con rụt rè. Tìm hiểu mới vỡ lẽ... Giờ đã hết “chuyện lạ”, trở thành sinh kế mới. Trong đó, tổ hợp tác của Ma Rương là một điển hình”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai kể.

Đam Rông tiếng gốc là Dăm Roòng, theo cắt nghĩa của đồng bào M’nông là “chàng trai nuôi, chàng trai tốt bụng”. Cùng với người M’nông, lâu lắm rồi, nhiều người Cơ Ho từ đầu nguồn sông Đạ Đờng, Đạ Nhim tụ về vùng đất này định cư. Ma Rương cũng thế, nhưng cô “nhập cư” theo tiếng gọi tình yêu. Sinh ra và lớn lên bên dòng Đạ Nhim ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), năm 2005, Ma Rương theo học cao đẳng nghề tại Đà Lạt.

Tại ngôi trường ở xứ mộng mơ, cô và Ha Bắc - chàng trai người M’nông, đã viết nên câu chuyện tình và sau đó 3 năm cùng xây tổ ấm ở Đạ M’rông. “Mình được bố trí làm bộ khuyến nông của trung tâm nông nghiệp huyện, phụ trách xã Đạ M’rông. Ngày đó, nghe nói “đi Đam Rông” nhiều người giật mình, điều kiện còn khó khăn lắm, suốt ngày cứ nghe chuyện giảm nghèo, tạo sinh kế... Huyện “30a” mà”, Ma Rương hồi tưởng.

Người “bắc nhịp tằm tang” bên dòng Krông Nô ảnh 1

Mô hình trồng dâu nuôi tằm chi phí thấp, hiệu quả cao đang được nhân rộng.

Với con mắt nghề nghiệp, Ma Rương nhận thấy, bà con vẫn sản xuất nông nghiệp theo lối cũ, phụ thuộc vào tự nhiên, nên chị tham gia tuyên truyền, vận động người dân chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp; từng bước ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương, đời sống nhân dân dần được cải thiện.

Đạ M’rông trước đây thuộc xã đặc biệt khó khăn, có 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Để hướng dẫn bà con thay đổi phương thức sản xuất, triển khai sinh kế mới rất khó khăn, mình tiên phong làm trước, nếu thành công thì trở thành mô hình để người dân chứng kiến. Năm 2016, chị bàn với chồng chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp kém hiệu quả sang nghiệp tằm tang, lứa đầu tiên bán được tằm con và kén cho thu nhập cao gấp nhiều lần, nên tất cả anh chị em trong gia đình đều làm theo.

Kết quả mô hình kinh tế mới bước đầu đạt hiệu quả đã tạo phong trào, sức lan tỏa, nhiều hộ dân trong vùng mạnh dạn chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. “Giờ thấy đời sống người dân đổi thay, những nương dâu xanh tốt đã thay màu bạc thếch ruộng đồng, vui lắm. Mình là đảng viên phải làm gương. Bác Hồ dạy rồi, là người cán bộ, đảng viên, phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc để thúc đẩy phong trào, lôi cuốn mọi người làm theo”, Ma Rương chia sẻ.

Mặt trời nghiêng bóng núi. Trò chuyện cùng chị em Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 3 trên nương dâu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông Nguyễn Thị Trang cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm rất hợp với phụ nữ. Ma Rương vận động nhiều chị em trong xã chuyển sang mô hình phát triển kinh tế mới này và năm 2022 thành lập tổ hợp tác dưới sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, để bảo đảm mô hình phát triển bền vững.

“Từ 15 thành viên ngày đầu, giờ tổ đã có 25 thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Mô hình sản xuất này chi phí thấp, hiệu quả cao. Chị Ma Rương rất tích cực trong hoạt động hội và hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho chị em”, chị Trang cho biết. “Nhờ Ma Rương mà mình được tỉnh Lâm Đồng khen thưởng nông dân sản xuất giỏi. Mô hình trồng dâu, nuôi tằm của xã cũng được nhân rộng”, Liêng Jrang K’Brao góp chuyện.

Người “bắc nhịp tằm tang” bên dòng Krông Nô ảnh 2
Chị Ma Rương nhận chứng nhận giải nhất Hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp-sáng tạo, kết nối” năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Câu chuyện tằm tang trở nên rôm rả. Ma Rương bảo: “Năm mình làm thí điểm, chị em không chịu làm bởi nghề lạ lẫm, họ không rành, rồi sợ con sâu tằm, băn khoăn đầu ra... Mình phải làm mẫu cho họ thấy; rồi huyện mở lớp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, mình tham gia đứng lớp 25 ngày. Nhờ đó, giờ tằm tang đã trở thành sinh kế quan trọng với người dân xứ này”.

Hiện tổ hợp tác có 2 ha dâu để nuôi tằm con, cùng nhà nuôi hơn 500m2. Mỗi tháng, tổ hợp tác cung cấp thị trường từ 80 đến 100 hộp giống tằm, giúp các thành viên có thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng. “Chuyện “nuôi tằm ăn cơm đứng” xưa rồi. Với cách làm của Ma Rương, việc nuôi tằm đã trở nên dễ dàng. Tằm nuôi trên khay rất tiện khi cho ăn trên diện tích lớn và tạo môi trường thông thoáng”, chị Lơ Mu K’Phi, thành viên tổ hợp tác cho biết.

Có được kết quả bước đầu, Ma Rương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thương hiệu cho tổ hợp tác. Đồng thời, mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở hạ tầng, để “nâng cấp” tổ hợp tác thành Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông, dự kiến tháng 5 này đi vào hoạt động. Qua đó, từng bước mở rộng thị trường cung ứng tằm con, kén ra các xã trong huyện, các huyện lân cận và kết nối các doanh nghiệp ươm tơ.

Từ kinh nghiệm bước đầu tích lũy, chị khuyến khích các hộ thành viên phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông Nguyễn Hoàng Mai chia sẻ: “Ma Rương có nhiều cống hiến cho địa phương. Nhờ chị phối hợp hướng dẫn, làm mô hình điểm, bà con mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, toàn xã nay đã có hơn 100 hộ trồng dâu, nuôi tằm với 104 ha dâu. Tổ hợp tác của Ma Rương là điểm sáng trên địa bàn huyện”.

Trước khi đến với vùng đất dưới chân núi Lơmbur, tôi nhận được thông tin, dự án “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 3” của Ma Rương đoạt giải nhất Hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối” năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Cũng năm này, Ma Rương là một trong 93 “Gương sáng đời thường” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng tôn vinh. Khen thưởng, thành tích còn nhiều, nhưng khi nhắc đến, chị bẽn lẽn: “Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không còn sợ con sâu tằm, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên hộ khá; cùng sự tin tưởng, yêu mến của người dân là niềm hạnh phúc lớn đối với mình”.

Chia tay xứ “mây ấp núi” bên dòng Krông Nô huyền thoại, nhớ mãi câu ví của chị Ndu K’Jiêng: Ma Rương đã “bắc nhịp tằm tang”, để giờ đây, phụ nữ ở những buôn làng Đạ M’rông đã biết kể chuyện “cây dâu, con tằm” và có sinh kế mới.