Tiếng sấm trên miệng hỏa diệm sơn

Từ những lời tuyên bố đến hành động luôn là cả một khoảng cách rất dài. Tuy nhiên, khi hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới cuối cùng cũng đã thống nhất được với nhau, về khả năng hợp tác nhằm chống đỡ và ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu, thì dù sao, hy vọng cứu rỗi hành tinh này cũng trở nên khả quan hơn nhiều.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 18/7, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo: Thủ tướng Lý Cường và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị đạt được đồng thuận với Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - ông John Kerry - về vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Tại cuộc gặp, Đặc phái viên John Kerry kêu gọi cả Trung Quốc và Mỹ "hành động khẩn cấp" để giải quyết mối đe dọa biến đổi khí hậu, trong bối cảnh hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới này đã khôi phục những mối liên hệ hợp tác về giảm phát thải, vốn đình trệ từ năm ngoái.

Nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, do đó cần những sự lãnh đạo ở tầm vóc toàn cầu, ông John Kerry "hy vọng đây có thể là khởi đầu của một định nghĩa mới về hợp tác và khả năng giải quyết những khác biệt" giữa hai cường quốc.

Đáp lại, Chủ nhiệm Vương Nghị cũng khẳng định: "Hợp tác về biến đổi khí hậu đang tiến triển trong xu thế tổng thể của Trung Quốc và Mỹ".

chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc, trên cương vị Đặc phái viên về biến đổi khí hậu này, ông John Kerry đã cùng phía chủ nhà tập trung vào việc giảm phát thải khí methane cũng như các loại khí thải khác không phải CO2 , đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh người dân ở rất nhiều khu vực trên thế giới gồng mình chống chịu nắng nóng khắc nghiệt, còn Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc vừa dự báo rằng những kỷ lục về nhiệt độ có thể bị phá vỡ ngay trong những ngày tới.

Chính Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C, cao hơn tới gần 2 độ C so mức 50,6 độ C ghi nhận sáu năm trước. Trong khi đó, cảnh báo nắng nóng cực đoan đã được đưa ra đối với hơn 80 triệu người dân tại Mỹ.

Như Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh: "Thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước", do đó, vấn đề nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính lại càng trở nên bức thiết.

Và thật ra, từ đầu thiên niên kỷ này, nó đã và vẫn luôn là một vấn đề mang tính sống còn, đối với sinh mệnh nhân loại cũng như hành tinh. Có điều, bởi rất nhiều lý do, bao gồm cả áp lực phát triển kinh tế lẫn mối quan hệ song phương nhiều sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc, những cơ chế hợp tác thực tế chưa từng được hoàn thiện và đẩy mạnh.

Những điểm đồng thuận phần nào cho thấy "ngoại giao khí hậu" đang trở thành một điểm đột phá để hai nước cải thiện quan hệ ngoại giao, đưa mối quan hệ song phương căng thẳng "trở lại lộ trình phát triển lành mạnh".

Bởi vậy, viễn cảnh hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới "tăng cường phối hợp, xây dựng sự đồng thuận và hành động khẩn cấp", như mong muốn của Thủ tướng Trung Quốc, trở nên khả thi hơn rất nhiều. Đó cũng là tín hiệu lạc quan cho những hy vọng về các bước chuyển mang tính quyết định tại COP28, sẽ diễn ra cuối năm nay.

Không phải lúc nào kéo theo sau sấm chớp cũng lập tức là những cơn mưa giải nhiệt. Song, khi bầu khí quyển hành tinh này mỗi lúc một thêm nóng bức ngột ngạt đến cực độ, sự thay đổi là con đường sinh tồn duy nhất. Và trên con đường đó, không thể thiếu sự dẫn đầu với tinh thần trách nhiệm của các cường quốc kinh tế - những bên sẽ quyết định có sẵn sàng chấp nhận giảm bớt lợi nhuận và cụ thể hóa các cam kết bằng hành động cụ thể - hay không.