Tia sáng cuối chân trời

Có thể đối với nhiều người, đó chưa phải là một giải pháp hoàn hảo. Song, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, ngày 17/10, rằng Armenia sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan vào cuối năm nay và sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả công dân Azerbaijan trên lãnh thổ, thì đó chắc chắn là một tín hiệu tốt lành.
0:00 / 0:00
0:00

CUỐI tháng 10 này, những cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, dự kiến sẽ tiếp diễn tại Brussels (Bỉ). Cuộc gặp ba bên này đã được đề cập từ đầu tháng 10, và rất được giới quan sát quốc tế trông đợi.

Thời điểm của vòng đàm phán ấy chưa được ấn định cụ thể. Tuy nhiên, với việc một lời "phi lộ" đầy âm hưởng tích cực như vậy được đưa ra vào lúc này, từ Thủ tướng Armenia, có thể tin tưởng rằng các bên sẽ gặp nhau với mức độ thiện chí và quyết tâm, đủ để đẩy lùi những thảm cảnh xung đột.

Mối hiềm khích xuyên thế kỷ này đã âm ỉ quá lâu, cũng không ít lần bùng phát, để trở thành sự đe dọa cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Trung Á nói riêng, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế nói chung.

MỚI tháng trước, ngày 19/9, lửa xung đột đã lại bùng lên tại điểm nóng Nagorny-Karabakh.

Ngày 12/10, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vẫn còn phải kêu gọi bảo đảm an toàn trên đường di tản về Armenia, cho những người cuối cùng trong số gần như toàn bộ 120.000 cư dân Nagorny-Karabakh đã chọn rời đi, hướng về phía biên giới Armenia-Azerbaijan.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh ấy, từ vai trò người đứng đầu quốc gia trung gian có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng một thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan có thể đạt được, nếu cả hai bên cho thấy thiện chí cũng như nỗ lực giảm bớt rào cản, trong việc đạt được một sự thống nhất về biên giới chung giữa hai nước.

Cũng cần phải nhấn mạnh: Với vai trò trung gian của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Nga tại Nagorny-Karabakh, đại diện Azerbaijan và lực lượng vũ trang người gốc Armenia ở vùng lãnh thổ ấy đã đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch, theo đó lực lượng người gốc Armenia đã đồng ý giải giáp.

Có thể xem đó là một động thái nhượng bộ cực kỳ quan trọng. Mà không chỉ vậy, khi chấp nhận giải giáp vũ trang, mầm mống mâu thuẫn và khả năng bùng phát trở lại cũng xem như đã được triệt tiêu đáng kể.

Sau lưng đoàn người ra đi, Nagorny-Karabakh không còn là "điểm nóng" tranh chấp lãnh thổ nữa. Nơi đó, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có phần đông cư dân là người gốc Armenia (và luôn muốn được sáp nhập vào Armenia), đã từng vì thế mà không thể yên bình, hết lần này đến lần khác.

ÁNH bình minh này, nếu có thể gọi nó một cách lạc quan như thế, cũng không tự nhiên xuất hiện. Bên cạnh vai trò không thể phủ nhận của nước Nga, rõ ràng, những tác động tích cực từ cộng đồng quốc tế, theo hướng bằng mọi giá tránh để căng thẳng leo thang cũng đã góp phần tạo nên bối cảnh tiềm ẩn nhiều hy vọng hòa bình hiện tại.

Đơn cử, chúng ta có thể nhắc đến chuyện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ ngày 5/10, đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục thảo luận với Azerbaijan để giải quyết mâu thuẫn giữa nước này và Armenia, thay vì sử dụng các biện pháp khác. Nhờ vậy, những cuộc giao tranh đã lắng dịu nhanh chóng, thay vào đó là các cuộc thương thảo cần thiết.

Một cách gián tiếp, quá trình này bộc lộ rằng ở rất nhiều khía cạnh, cách tiếp cận và phương hướng xử lý vấn đề của các trung tâm quyền lực quốc tế luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình san lấp các mâu thuẫn để kiến tạo hòa bình, cho một khu vực đơn lẻ và cho cả những cuộc khủng hoảng lớn.

Mặc dù vậy, thường thì với nguyên nhân này hoặc lý do khác, mâu thuẫn không thể dàn xếp giữa các nước nhỏ vẫn luôn khiến họ dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của các cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu.