THÔNG ĐIỆP VỀ TẦM VÓC ASEAN

NDO - Trên tinh thần chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan, diễn ra ở Jakarta (Indonesia) đầu tháng 9 vừa qua đã thảo luận các vấn đề chiến lược của khu vực và thống nhất định hướng, tăng cường hợp tác của ASEAN. Những sáng kiến, đề xuất hợp tác của Việt Nam tại Hội nghị nêu bật ba thông điệp chủ chốt, góp phần nâng cao hơn nữa tầm vóc của Hiệp hội và chuẩn bị hành trang cho bước phát triển bứt phá tiếp theo của ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh | DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh | DƯƠNG GIANG

Tâm điểm hợp tác và phát triển

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực hơn, nhưng nhịp độ chưa ổn định. Đông Nam Á duy trì là điểm sáng phát triển, song xuất khẩu trong khu vực giảm sút, kinh tế-xã hội gặp khó khăn. ASEAN phát triển ổn định, đoàn kết và thống nhất trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nỗ lực hoàn tất Kế hoạch tổng thể năm 2025 và tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Xu thế thời đại đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ASEAN đổi mới về tư duy, sáng tạo về hành động và đột phá về ý tưởng, nhằm thích ứng với cơ hội và thách thức mới, tận dụng động lực tăng trưởng kinh tế mới, định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác khu vực.

Chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia đã phản ánh tinh thần ASEAN chủ động, kiên cường và bản lĩnh, nêu bật tầm vóc ASEAN tự cường, năng động và sáng tạo, là trụ cột của hòa bình, tâm điểm của tăng trưởng và hạt nhân của đối thoại, hợp tác trong khu vực. Hội nghị nhận định, ASEAN giữ vững tiến độ xây dựng Cộng đồng, ghi nhiều dấu ấn và kết quả hợp tác mới, trên cả ba trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đà tăng trưởng kinh tế ASEAN được duy trì (dự báo tăng 4,6% năm 2023), thương mại gia tăng nổi bật (gần 15%) và đầu tư cao kỷ lục (hơn 224 tỷ USD). Các nhà lãnh đạo cho đây là kết quả nỗ lực của ASEAN trong cả hành trình 56 năm qua kể từ khi thành lập, dựa trên tình đoàn kết, tin cậy và hợp tác. Đây cũng là nền tảng và động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn của ASEAN giai đoạn tới.

Tinh thần xuyên suốt Hội nghị là sự đoàn kết, hợp tác đưa ra định hướng nhằm đưa tầm vóc của Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và thế giới. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh thông điệp rằng, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của ASEAN. Để làm được như vậy, ASEAN cần nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường. Để giữ vững tầm vóc của Hiệp hội, ASEAN cần nâng cao tính tự cường, thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố vai trò của ASEAN là tâm điểm của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do.

Người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 chứng kiến nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. Đây không chỉ là khát vọng, mà còn là sứ mệnh của ASEAN nhằm bảo đảm tốt hơn môi trường hợp tác và phát triển cho 680 triệu dân trong khu vực. ASEAN đã có những bước chuyển trong chiến lược hợp tác, cả nội khối và với đối tác, đó là chuyển đổi trong nhận thức, chuyển dịch trong cách tiếp cận và chuyển hướng trong hành động. Bước đi chủ động, sáng tạo của ASEAN thể hiện trong nhiều sáng kiến, thỏa thuận như Hiệp định khung kỹ thuật số ASEAN, Chiến lược trung hòa carbon, hay Khung kinh tế biển xanh..., qua đó định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác mới ở khu vực.

Chuẩn bị hành trang cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN, Hội nghị đã xem xét và ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045 định hướng xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm; xác lập khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của Hiệp hội trong chặng đường 20 năm phía trước. Hiện thực hóa tinh thần đặt người dân vào vị trí trung tâm, Hội nghị đã thông qua một loạt văn kiện quan trọng, đề cập về phát triển gia đình, bình đẳng giới, hòa nhập cho người khuyết tật, tăng cường an ninh lương thực, chăm sóc và giáo dục bậc mầm non... Những nỗ lực này đóng góp quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Thông điệp quan trọng được Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị là bám sát tinh thần cốt lõi “lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực” trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, có định hướng phát triển đồng đều, bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Hoạt động này bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến hợp tác khu vực.

Nâng tầm quan hệ đối tác

Đoàn kết, tin cậy và hợp tác là những yếu tố làm nên tầm vóc ASEAN. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, những giá trị đó tiếp tục được phát huy, đưa ASEAN vượt qua thử thách, khẳng định vai trò và uy tín ở khu vực và trên thế giới. Tầm vóc ASEAN thể hiện ở thành công của Hiệp hội thu hút nhiều đối tác tham gia hợp tác, cùng ứng phó thách thức, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển.

Kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan tiếp tục có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo hàng chục đối tác của ASEAN. Với một loạt đề xuất, sáng kiến hợp tác cùng các tuyên bố thiết lập, nâng cấp quan hệ đối tác đã phản án cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN. Các đối tác nhấn mạnh mong muốn cùng thúc đẩy đối thoại, hướng tới hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN ở vị trí trung tâm.

Một loạt sáng kiến, tuyên bố về hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã được ASEAN và các đối tác thông qua. Nổi bật như Tuyên bố về phát triển hệ sinh thái xe điện, Tuyên bố chung về làm sâu sắc hợp tác nông nghiệp; hay Tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời kỳ khủng hoảng... Song, điểm nhấn nổi bật là các tuyên bố về nâng cấp quan hệ: ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. ASEAN và Canada nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. ASEAN và từng đối tác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ thông qua các Tuyên bố chung về hợp tác dựa trên văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)...

Nhấn mạnh thông điệp ủng hộ nâng tầm hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp các nước tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác sâu sắc, hiệu quả và thiết thực hơn nữa trong nhiều lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ tiếp cận thị trường. Hướng tới tương lai bền vững, hợp tác mở rộng sang các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh, công nghệ xanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng bao trùm, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.