Giới trẻ Trung Quốc chuộng sống độc thân

Ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc không kết hôn. Trong thập niên qua, số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm một nửa. Năm ngoái chỉ có 6,83 triệu cặp đôi kết hôn, mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1986. So với Singapore, nơi có 6,5 cuộc hôn nhân trên 1.000 dân được đăng ký vào năm 2021, thì ở Trung Quốc là 5,4 cuộc hôn nhân trên 1.000 người.
0:00 / 0:00
0:00
Những bản tóm tắt thông tin cá nhân treo trên dây tại chợ mai mối ở thành phố Tế Nam (Sơn Đông). Ảnh | AFP
Những bản tóm tắt thông tin cá nhân treo trên dây tại chợ mai mối ở thành phố Tế Nam (Sơn Đông). Ảnh | AFP

Ðịa vị càng cao, kết hôn càng ít

Một trong những lý do đó là phụ nữ ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp và độc lập về kinh tế. Trong giới trẻ thành thị, 44% phụ nữ Trung Quốc không có ý định kết hôn, so với gần 1/4 nam giới, theo một cuộc khảo sát năm 2021 do Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc thực hiện. Giám đốc tài chính Zhao Miaomiao là một trong số đó. Năm ngoái, sự nghiệp của cô bắt đầu thăng hoa sau khi chuyển đến Thượng Hải, cô cảm thấy đã đến lúc phải tìm kiếm người đàn ông của đời mình. Sử dụng một ứng dụng hẹn hò, cô đã gặp trực tiếp “khá nhiều” chàng trai - hơn 100 người - trong vòng ba đến bốn tháng. Sau đó cô nhận ra rằng việc tìm kiếm bạn đời thực sự khó khăn vì không tìm được ai ưng ý.

Ở Bắc Kinh, Giám đốc truyền thông Liu Shutong có bạn trai, nhưng cô cho rằng việc kết hôn hay không “không thành vấn đề”. “Điều tôi muốn là sống hạnh phúc ở hiện tại. Tôi cảm thấy rằng dù có lựa chọn kết hôn hay không thì vẫn hạnh phúc”, cô gái 24 tuổi cho biết và nói thêm rằng cô yêu thích múa ba-lê, yoga và mua sắm cùng bạn bè.

Ngoài những lý do chung khi xã hội phát triển và thay đổi, cũng có những yếu tố đặc biệt do hoàn cảnh kinh tế-xã hội ở Trung Quốc tác động đến tình trạng này. Sự triển nhanh chóng của đất nước dẫn đến nghịch lý giữa nếp sống của một xã hội truyền thống với việc phụ nữ được trao quyền trong nhiều thập niên qua. “Quá trình chuyển đổi từ các giá trị truyền thống sang hiện đại của Trung Quốc diễn ra rất ngắn. Các quốc gia và khu vực khác có thể phải mất 50 hoặc 100 năm, nhưng chúng tôi đã trải qua hiện tượng này chỉ trong 20 đến 30 năm”, nhà xã hội học Zhu Hong, Đại học Nam Kinh cho biết.

Còn nhà kinh tế trưởng Wang Dan của Ngân hàng Hang Seng cho rằng, sự khác biệt giữa những mong muốn của nam giới và phụ nữ đặc biệt rõ ràng ở các thành phố. “Hầu hết phụ nữ tìm kiếm tình yêu còn đàn ông lại tìm kiếm một người vợ. Mục đích khác biệt dẫn tới thái độ khác biệt. Chúng tôi đã chứng kiến những sự thất vọng khi các cặp đôi thỏa thuận về việc kết hôn”.

Trước năm 1999, khi chính phủ quyết định mở rộng hệ thống giáo dục đại học, phụ nữ chỉ chiếm 20% số lượng tuyển sinh. Sau đó, tỷ lệ tuyển sinh nữ đã vượt qua tỷ lệ tuyển sinh nam tại các trường đại học, dao động ở mức 52% trong vài năm qua. Theo đó, khả năng độc lập kinh tế của phụ nữ ngày càng cao.

Nhưng vai trò giới vẫn chưa theo kịp với địa vị kinh tế-xã hội của phụ nữ: tất cả công việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn chủ yếu thuộc về phái nữ sau khi kết hôn, Giáo sư Jean Yeung, Hiệu trưởng môn xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết. “Ngày nay, phụ nữ phải trả giá rất lớn khi kết hôn cho nên nhiều phụ nữ ngần ngại bước vào hôn nhân”. Mặt khác, dành nhiều thời gian hơn ở trường học và tập trung vào sự nghiệp cũng đồng nghĩa với việc trì hoãn kết hôn, điều này phổ biến ở các nước đang phát triển. Ở Trung Quốc, thuật ngữ “sheng nu” (những phụ nữ còn sót lại) dùng để mô tả những phụ nữ độc thân ở độ tuổi cuối 20 và 30.

Những tác động xã hội

Tỷ lệ kết hôn giảm ở Trung Quốc cũng có thể một phần do chính sách một con đã được áp dụng trên toàn quốc từ năm 1980 đến đầu năm 2016. Theo một nghiên cứu của Đại học bang Ohio (Mỹ), con một ít có khả năng kết hôn hơn so với những đứa trẻ có anh chị em. Có thêm một anh chị em là tăng thêm 3% khả năng kết hôn. Trung Quốc có cả một thế hệ con một, những đứa trẻ được xem như “trung tâm của vũ trụ” trong gia đình.

Nhà xã hội học Zhu Hong nói “Để thiết lập một cuộc hôn nhân, họ phải từ bỏ một chút cá tính, một chút tự do. Họ cũng cần chú ý đến nhu cầu của đối tác. Thế hệ này có thể thiếu những kỹ năng xã hội khi nói đến trách nhiệm, lòng vị tha và sự thỏa hiệp. Thay vào đó, họ có thể thấy một đối tác “quá phiền phức”. Đó là lý do tại sao ngày nay có rất nhiều người trẻ nuôi chó và mèo làm thú cưng”.

Giới trẻ Trung Quốc chuộng sống độc thân ảnh 1

Một sự kiện “hẹn hò chớp nhoáng” được tổ chức tại huyện Bành Thủy (Trùng Khánh).

Khi theo đuổi ham muốn cá nhân, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc tự gọi mình là “gia tộc ánh trăng”, hay “yue guang zu”. “Đó là những người trẻ tuổi tiêu sạch số tiền họ kiếm được hàng tháng. Một số người còn nợ nần chồng chất vì giờ đây họ có quyền truy cập vào khoản vay trực tuyến, với các nền tảng như Alipay, JD Finance”, nhà kinh tế trưởng Wang Dan nói.

Theo báo cáo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào năm 2021, 2/5 người độc thân ở các thành phố hạng nhất Trung Quốc thuộc về “gia tộc ánh trăng”. Ở các thành phố hạng 4 và hạng 5, khoảng 76% thanh niên độc thân tiêu hết lương hằng tháng (một con số không nhỏ trong 220 triệu người độc thân năm đó).

Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong đó, chi phí nhà ở là một vấn đề lớn hiện nay, ngoài ra “khả năng tiết kiệm để mua nhà, chi trả cho việc học hành của con cái và tất cả những thứ đó... đều không có”. Mặt khác, nền văn hóa “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần - đã khiến những người trẻ đang đi làm hầu như không có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ.

Hẹn hò trực tuyến lên ngôi

Nhiều thanh niên Trung Quốc đang hy vọng kết hôn nhờ sự trợ giúp của các ứng dụng hẹn hò. Ba nền tảng phổ biến nhất là Momo, Soul và Tantan có tổng cộng hơn 150 triệu người dùng hoạt động hằng tháng vào năm ngoái. Trong một cuộc khảo sát năm 2021 do một viện nghiên cứu Trung Quốc thực hiện, 89% số người được hỏi cho biết họ đã từng sử dụng ứng dụng hẹn hò trước đây.

Giới trẻ Trung Quốc chuộng sống độc thân ảnh 2

Một số app hẹn hò trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng các ứng dụng hẹn hò khiến người dùng quan tâm đến những cuộc hẹn hơn là một mối quan hệ lâu dài. Đây chính là trải nghiệm của một số phụ nữ khi cho rằng đàn ông “chủ yếu quan tâm” đến khía cạnh tình dục. “Các ứng dụng hẹn hò mang lại ảo tưởng rằng bạn sẽ luôn có lựa chọn khác”, Wang Dan - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng nói.

Bất chấp việc lên ngôi của các ứng dụng hẹn hò, hoạt động mai mối của các bậc phụ huynh cũng đã hồi sinh kể từ giữa những năm 2000 với các góc mai mối nở rộ ở nhiều công viên thành phố, nơi họ ra sức quảng cáo các phẩm chất tốt đẹp và ưu thế của con cái mình với hy vọng thu hút những đối tác tiềm năng. “Xu hướng này vẫn tiếp tục bởi đối với nhiều thanh niên ở thành thị, về cơ bản, họ không có đủ thời gian để tham gia vào thị trường hẹn hò (thông qua) việc thử và sai,” ông Wang lý giải. Góc mai mối có thể được tìm thấy ở các thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải...

Một trong những hệ lụy trực tiếp của tình trạng kết hôn suy giảm là năm ngoái lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm sau sáu thập niên, cùng với xu hướng già hóa dân số khiến chính phủ lo ngại. Chính quyền đang thử nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích việc kết hôn và sinh con, bao gồm cả nỗ lực kiểm soát giá nhà. Đến tháng 5 năm ngoái, ít nhất 13 thành phố của Trung Quốc đã trợ cấp nhà ở cho các gia đình có nhiều con. Chính quyền địa phương cũng đã cấp phiếu giảm giá một lần cho các gia đình mua nhà. Hay thưởng cho các cặp đôi kết hôn khi cô dâu dưới 25 tuổi...

Giới trẻ Trung Quốc chuộng sống độc thân ảnh 3

Một số cha mẹ tích cực tham gia thị trường mai mối để tìm "đối tác hôn nhân" cho con cái mình. Ảnh: Jakarta Post

Tuy nhiên, nhân viên của các doanh nghiệp ở Trung Quốc đang làm việc trung bình 48,7 giờ một tuần trong năm nay. Nhiều quốc gia châu Á khác đã thử mọi cách để cải thiện tỷ lệ kết hôn nhưng vẫn thất bại nhiều hơn thành công. Liệu Trung Quốc có thể trở thành quốc gia “lội ngược dòng” xu hướng này?

Cô Zhao hiện đang tạm dừng việc hẹn hò sau khi sử dụng dịch vụ mai mối bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò. “Tôi muốn một cuộc hôn nhân chất lượng. Nhưng những người tôi biết hiện tại không thể đáp ứng được mong đợi của tôi. Vì vậy, dù họ muốn ở bên tôi nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi thích tình trạng độc thân hiện tại của mình và tôi cảm thấy hạnh phúc”.