Bình luận

Thế cục trên bàn cờ lớn

NDO - Năm 2023 khép lại không chỉ với những di chứng của đại dịch Covid-19 tàn phá không thương tiếc nền kinh tế của hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Nó còn được đánh dấu bởi những thiệt hại nhân mạng thảm khốc ở nhiều vùng, nhiều quốc gia, cũng là hệ quả của những di chứng xung đột đã diễn ra trong nhiều năm, nhiều thập kỷ qua...
0:00 / 0:00
0:00
Lính cứu hỏa chữa cháy tại một tòa nhà bị phá hủy do tên lửa tại Kyiv, Ukraine. Ảnh | Reuters - Valentyn Ogirenko
Lính cứu hỏa chữa cháy tại một tòa nhà bị phá hủy do tên lửa tại Kyiv, Ukraine. Ảnh | Reuters - Valentyn Ogirenko

Bế tắc trên chiến trường Ukraine

Ba năm từ 2020 đến 2022, thế giới oằn mình trong đại dịch Covid-19. Gần 7 triệu người, theo những số liệu công bố chính thức, đã thiệt mạng bởi Covid-19. Một con số tương đương với thương vong của một cuộc chiến tranh thế giới!

Đến khi dịch bệnh dần tạm lui nhờ vaccine, gần như ngay lập tức, thế giới chứng kiến các xung đột địa chính trị quay trở lại, bắt đầu bằng việc Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” - cách mà Moscow gọi cuộc chiến ở Ukraine, kể từ tháng 2/2022. Khi các đơn vị của Nga áp sát Kiev, giao tranh giữa hai bên diễn ra ở trung tâm của thành phố Kharkov và tên lửa của Nga nhằm vào thành phố cảng Odessa của Ukraine, những tưởng cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc. Những cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào cuối tháng 3/2022 càng củng cố cho khả năng này.

Nhưng không phải! Với sự trợ giúp toàn lực của Mỹ và phương Tây, Kiev đã gượng dậy và kéo Nga vào một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Đó cũng là bối cảnh chung của toàn bộ cuộc xung đột giữa Moscow với Kiev trong suốt cả năm 2023 mà đỉnh điểm là cuộc phản công của các lực lượng Ukraine bắt đầu vào tháng 6 với tham vọng “chúng ta sẽ lấy lại những gì thuộc về chúng ta”, như tuyên bố của Đại tướng Vleriy Zaluzhnyi, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine.

Với sự viện trợ ồ ạt những loại vũ khí khí tài cho Ukraine, nhiều trong số đó thuộc vào loại hiện đại nhất trong khu trang bị quân sự của một số nước NATO, phương Tây hy vọng cuộc phản công chiến lược của Kiev khởi đầu từ giữa năm 2023 sẽ dẫn tới một bước chuyển hóa căn bản trong thế cục cuộc chiến dằng dai giữa Nga với Ukraine, buộc Nga phải có những bước lùi và nếu có ngồi vào bàn đàm phán cũng sẽ ở vị thế bất lợi.

Vậy nhưng cuộc phản công của Kiev trong suốt nửa cuối năm 2023 đã không thể diễn ra như mong muốn của Ukraine cũng như các nước hỗ trợ cho nước này. Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2023, các lực lượng Ukraine vẫn chưa thể “lấy lại những gì thuộc về họ” qua cuộc phản công chiến lược với sự trợ giúp vũ khí của Mỹ và phương Tây. Sự chuẩn bị kỹ càng của phía Nga đã khiến cho các lực lượng Ukraine, cho đến tháng đầu tiên năm 2024 hầu như không có được bất cứ bước tiến đáng kể nào trên các mặt trận.

Không những thế, phía Nga còn mở các đòn phản công ở mặt trận, đồng thời đẩy mạnh các đợt không kích, bắn phá bằng tên lửa đạn đạo, tấn công bằng UAV nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine dịp cuối năm 2023. Có thể thấy thế cục trên chiến trường Ukraine năm 2023 tạm thời nghiêng về phía bất lợi cho Kiev, khi mà đòn phản công chiến lược của họ bị mất dần động lực bởi khả năng phòng thủ chắc chắn của phía Nga, đồng thời dòng viện trợ, đặc biệt là về vũ khí trang bị quân sự, có xu hướng giảm dần do những ách tắc trong các hành lang quyền lực phương Tây.

Đổi ngôi ngoạn mục

Thế cục trên chiến trường Ukraine trong năm 2023 thật ra chỉ phản ánh một thế cục khác, lớn hơn nhiều trong đời sống chính trị quốc tế những năm gần đây. Đó là sự đổi ngôi ngoạn mục vị thế của các siêu cường trong những tranh chấp địa chính trị ở tầm mức toàn cầu.

Suốt những năm tháng Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích chính trị quốc tế thường nói đến thế chân kiềng Mỹ-Trung- Xô quyết định diện mạo đời sống chính trị quốc tế trong suốt nửa thế kỷ sau Thế chiến thứ hai.

Sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 90 đánh dấu sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh, nhưng một trong những hệ quả trực tiếp của nó chính là sự ra đời của nước Nga, kế thừa phần lớn những di sản chính trị, kinh tế, quốc phòng của Liên Xô cũ.

Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa nền kinh tế, từ bỏ nền kinh tế tập trung, hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội. Những chính sách đó đã giúp cho kinh tế Trung Quốc có những bước tiến và đến 2010 thì Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Thế cục trên bàn cờ lớn ảnh 1

Robot nhảy múa tại Triển lãm Robot thế giới tổ chức tại Bắc Kinh tháng 8/2023.

Ảnh | Nhân Dân nhật báo - Chen Xiaogen

Sáng kiến Vành đai và Con đường, một siêu dự án của Trung Quốc với chuỗi cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn cầu đánh dấu tham vọng của Bắc Kinh muốn vươn lên thành một siêu cường kinh tế. Song song với đó là một cuộc chiến công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng nhằm cạnh tranh quyết liệt với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Tiềm lực kinh tế hùng hậu giúp Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào hiện đại hóa quân đội. Tất cả những yếu tố đó, dưới danh nghĩa nhằm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đã đưa Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược, là thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất đối với an ninh và lợi ích sống còn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine vừa là để bảo đảm an ninh quốc gia, đẩy lùi đường biên giới NATO ra xa nước Nga nhưng cũng đồng thời là đòn thế của Moscow nhằm phá vỡ thế cục lâu nay Mỹ cùng các đồng minh đã thiết lập kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh mà Moscow khẳng định là “bất công”.

Nga, trong nỗ lực nhằm tìm kiếm lại vị thế của một siêu cường, đã đương đầu với cuộc chiến ủy nhiệm mà Mỹ cùng các đồng minh tiến hành ở Ukraine, qua đó thách thức toàn bộ thế giới phương Tây.

Trong cuộc đọ sức này, như tình thế của năm 2023 đã chỉ ra, chưa có bên nào chiếm được ưu thế vượt trội so với bên kia.

***

Việt Nam nằm ở đâu trên bàn cờ lớn năm 2023?

Tháng 9/2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.

Trước đó, tháng 5/2023, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev có chuyến thăm chính thức Việt Nam, khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã đơm hoa kết trái, vì lợi ích phát triển của hai quốc gia, vì sự thịnh vượng của hai dân tộc.

Trung tuần tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Việt Nam, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Nhìn cảnh những cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine trong gần hai năm và ở dải Gaza năm 2023, mới càng thấy quý báu nền hòa bình mà Việt Nam đã đạt được và duy trì ổn định trong những năm qua. Giữa những cơn bão dữ dằn của thế cục trên bàn cờ quốc tế, cây tre Việt Nam vẫn vững vàng trước sóng gió thời cuộc, tỏa bóng mát mang lại bình yên cho người dân Việt Nam.