Hành trình của một liên minh
4 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ngày 4/4/1949, dưới danh nghĩa là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho chiến thắng của các nước phương Tây trong phe đồng minh trong cuộc thế chiến, Mỹ mời đại diện của mười nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Bồ Đào Nha, Italia, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, thêm Canada ở Bắc Mỹ, thống nhất ký với Mỹ văn bản hình thành NATO gồm 12 thành viên. Người Mỹ cho rằng NATO ra đời vào thời điểm ấy là vô cùng cần thiết trước sự vượt trội về lực lượng thông thường của Liên Xô (trước đây) ở châu Âu.
Trong giai đoạn đầu, NATO căn bản là một tổ chức phòng thủ. 80% quân số của tổ chức do các nước Tây Âu cung cấp được bố trí ở châu Âu (riêng Iceland không có quân đội riêng nên lực lượng Mỹ đóng tại Iceland nắm giữ luôn vai trò phòng vệ cho nước này), còn Mỹ chủ yếu lo cung cấp tài chính (chiếm tỷ trọng lớn) trang bị vũ khí, thiết bị quân sự.
Ra đời được ba năm, tháng 2/1952, NATO bắt đầu mở rộng lần thứ nhất, kết nạp đồng thời cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy vẫn còn hữu hảo chưa xung đột như sau này. Việc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia nhập liên minh đã nối dài vành đai bảo vệ NATO về phía Nam châu Âu. Tháng 5/1955, Tây Đức gia nhập NATO (đến năm 1990, tư cách thành viên NATO của Tây Đức được chuyển cho nước Đức thống nhất).
Năm 1959, Tổng thống De Gaule rút lực lượng Pháp ra khỏi Hạm đội Địa Trung Hải của NATO và tới năm 1966, rút luôn Pháp khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO (tuy vẫn ở trong NATO). Mãi tới năm 2009 dưới thời Tổng thống Nikolas Sarkozy, Pháp mới quay trở lại làm thành viên đầy đủ của NATO.
Mãi đến tháng 5/1982, NATO kết nạp thêm Tây Ban Nha, rồi 17 năm sau, tháng 3/1999, bắt đầu đợt kết nạp đầu tiên các thành viên vốn là những nước đồng minh cũ của Liên Xô là Ba Lan, CH Séc (tách ra từ Tiệp Khắc), Hungary.
Quá trình lôi kéo các quốc gia trong không gian ảnh hưởng của Liên Xô trước đó tiếp tục một cách ồ ạt với việc năm 2004, NATO kết nạp các đồng minh cũ của Liên Xô là Bulgaria, Romania, Slovakia (tách ra từ Tiệp Khắc), Slovenia (thuộc Nam Tư trước đây), ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ven biển Baltic là Estonia, Latvia, Litva; từ 2009 đến 2020 kết nạp thêm Croatia, Albania, Montenegro và Bắc Macedonia, hình thành một NATO với 30 thành viên, gấp đôi so với thời điểm năm 1955 sau khi kết nạp Tây Đức.
Một trong những hệ quả địa chính trị trực tiếp của cuộc xung đột ở Ukraine là NATO nhanh chóng kết nạp thêm Phần Lan (tháng 4/2023) và Thụy Điển (tháng 3/2024).
Như vậy là sau 75 năm, NATO có tổng cộng 32 thành viên. Hầu hết các thành viên mới của NATO được kết nạp trong hai thập niên qua đều hướng về sườn phía đông của khối liên minh quân sự này.
Từ phòng thủ sang tấn công
Liệu lịch sử 75 năm của NATO có phải là lịch sử của một tổ chức bảo vệ hòa bình, như thông điệp liên tục được phát đi trên trang web của NATO trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ở Brussels?
50 năm sau khi ra đời với tư cách là một liên minh phòng thủ, NATO lần đầu phá vỡ quy tắc này khi tháng 9/1995, dưới danh nghĩa cứu trợ nhân đạo, thực hiện chiến dịch ném bom rộng khắp vào các lực lượng người Serbia (Nam Tư trước đây) trong cuộc chiến ở Bosnia.
Đến tháng 3/1999, vẫn NATO cùng với Mỹ thực hiện các cuộc không kích dữ dội nhằm vào các vị trí quân đội Serbia ở thủ đô Belgrad với lý do ủng hộ người Albania ở khu vực tỉnh tự trị Kosovo của Cộng hòa Serbia nổi lên đòi độc lập. Các cuộc không kích của NATO kéo dài suốt 78 ngày đêm cuối cùng buộc Serbia phải rút quân đội khỏi Kosovo. 50.000 quân của NATO được cử đến Kosovo để giữ gìn hòa bình trong khi một nghị quyết của LHQ do Nga hậu thuẫn vẫn coi Kosovo nằm trong thành phần của Serbia.
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 dẫn tới việc nước Mỹ tiến hành các đòn tấn công trả đũa, thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào những kẻ bảo trợ cho khủng bố ở Afghanistan ngay trong năm 2001. Hai năm sau, năm 2003, NATO bắt đầu trực tiếp tham chiến cùng Mỹ ở Afghanistan với tư cách một liên minh.
Nhưng cuộc chiến ngoài biên giới NATO này không kết thúc có hậu: Sau 20 năm chiến tranh với vô vàn những tổn thất, năm 2021, Mỹ phải thực hiện cuộc rút chạy khỏi Afghanistan và đương nhiên, NATO cũng phải rút theo. Chỉ ít ngày sau cuộc rút chạy của Mỹ và NATO, quân Taliban đã tràn ngập thủ đô Kabul, xóa sổ chính quyền được Mỹ và NATO hậu thuẫn ở Afghanistan.
Không lâu sau đó, tháng 2/2022, Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine với lý do để bảo đảm an ninh, tránh nguy cơ Kiev rơi vào vòng tay NATO như các quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô trước đây. Việc củng cố sự gắn kết liên minh để hỗ trợ cho Ukraine giúp cho NATO thoát khỏi tình trạng “chết não”, là cơ hội NATO đóng vai trò là bên có tiếng nói quan trọng, tránh bị phụ thuộc quá mức vào Mỹ ngay cả trong những vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu.
Hơn thế nữa, NATO còn nhận được món quà từ trên trời rơi xuống: Chỉ trong một thời gian ngắn, hai quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời là Phần Lan và Thụy Điển làm đơn xin gia nhập NATO và nhanh chóng được chấp nhận. Trong khi Nga chưa thực hiện được mục tiêu là ngăn NATO đặt tên lửa trên đất Ukraine nếu Ukraine trở thành thành viên NATO thì giờ đây, về lý thuyết, khối này có đủ cơ sở để đặt tên lửa ngay ở vùng đất cửa ngõ Nga. Không mất quá nhiều công sức, đường biên của NATO được đẩy đến sát nước Nga, dài ra gấp đôi và biển Baltic biến thành “biển NATO” với 8 trong số 9 quốc gia chung quanh biển này, trừ Nga, đều đã là thành viên NATO.
Những chương trình nghị sự phía trước
Xung đột ở Ukraine, cụ thể là việc hỗ trợ cho Kiev tiếp tục đủ sức để chống lại ưu thế vượt trội của Nga, sẽ vẫn chiếm lĩnh hầu hết chương trình nghị sự của NATO. Cho đến nay, với tư cách liên minh, NATO mới chỉ tập trung gửi viện trợ không gây sát thương tới Ukraine. Việc viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine chỉ được thực hiện theo phương thức hợp tác song phương giữa một thành viên NATO với Kiev. Trong lúc đó, ngày càng có nhiều ý kiến trong NATO cho rằng đã đến lúc cần cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine theo cơ chế bền vững và lâu dài hơn.
Có lẽ vì vậy mà ở hội nghị ngoại trưởng Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất thành lập một quỹ do các đồng minh đóng góp trị giá 100 tỷ euro trong vòng 5 năm dành cho Ukraine, với hy vọng gói viện trợ này có thể được các nhà lãnh đạo NATO ký thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington D.C vào tháng 7 tới.
Trước những biến động trong mùa bầu cử diễn ra vào cuối năm nay ở nước Mỹ, NATO cũng xúc tiến tiếp quản công việc do Mỹ dẫn đầu trong Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn gọi là nhóm Ramstein), một giải pháp đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào nếu có sự thay đổi chính trị tại Mỹ. Như vậy NATO sẽ giữ vai trò chính trong điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine, thay cho cơ chế hiện nay do Mỹ đảm nhiệm.
Như vậy là bằng việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, NATO đã lựa chọn lập trường mà Moscow mô tả là “tư duy chiến tranh lạnh”. Từ tháng 4/2019, NATO đã chấm dứt hoàn toàn mọi hợp tác với Nga ở tất cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Mặc dù cả Nga và NATO ở nhiều cấp độ đều nhắc đi nhắc lại là không muốn chiến tranh trực tiếp với nhau nhưng tình trạng đối đầu chung quanh Ukraine, đặc biệt sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng NATO đưa quân đến Ukraine, khiến cho nguy cơ về một cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên luôn hiển hiện.
Tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ra ngoài châu Âu cũng là một phương hướng mà NATO tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Sự có mặt tại Hội nghị Brussels của đại diện Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand cho thấy NATO vẫn duy trì “tham vọng châu Á” khi năm 2022, trong tài liệu Khái niệm chiến lược được cập nhật, Brussels xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương.
Đây là một quá trình đã được bắt đầu ở Hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Madrid, Tây Ban Nha, hồi cuối tháng 6/2022, tiếp đến Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, Litva, tháng 7/2023. Việc NATO xúc tiến mở văn phòng đại diện ở Tokyo trong năm nay, cũng như việc Cơ quan tình báo Quốc gia của Hàn Quốc tham gia Trung tâm hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt của NATO (CCDCOE) với tư cách là “bên đóng góp” từ 2022 cho thấy NATO sẽ không từ bỏ mục tiêu mở rộng không gian ảnh hưởng sang châu Á.