75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021): Lựa chọn bắt buộc

Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày 19/12/1946 nhưng vẫn có người chưa thể cắt nghĩa được: Vì sao dân tộc Việt Nam vừa mới hưởng nền độc lập chưa được bao lâu đã lại phải cầm súng chiến đấu và chiến đấu dài ngày đến thế? Phải chăng Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội hòa bình và "gây sự" trước? Dẫu còn có nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau nhưng có một thực tế lịch sử không thể bàn cãi, đó là: khi "cỗ máy chiến tranh của thực dân Pháp ở Việt Nam đã bắt đầu quay, quay một cách tàn nhẫn"-như cách nói của nhà sử học Pháp Philippe de Villers-thì một cuộc chiến toàn cục trở thành điều không thể tránh khỏi.

Một khẩu đội pháo của Vệ Quốc đoàn tại trận địa pháo đài Láng tháng 2/1946. Ảnh tư liệu
Một khẩu đội pháo của Vệ Quốc đoàn tại trận địa pháo đài Láng tháng 2/1946. Ảnh tư liệu

Dân tộc Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu, khi mọi cánh cửa đàm phán đều bị đóng sập, mọi nỗ lực tìm kiếm cơ hội vãn hồi hòa bình đã bị phía Pháp khước từ. Và đương nhiên, khi quân và dân Việt Nam bị đặt vào tình thế buộc phải đứng lên cầm súng chiến đấu để tự vệ thì việc nổ súng tiến công trước để giành quyền chủ động là một điều tất yếu trong nghệ thuật quân sự.

75 năm trước, vào lúc 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, đèn điện trên đường phố Hà Nội phụt tắt. Tiếng đại bác từ pháo đài Láng gầm lên... Cả Hà Nội rền vang tiếng súng khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là thời khắc "sự nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên" (1).

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Nhìn lại chặng đường dẫn tới ngày 19/12/1946 có thể thấy, âm mưu quay trở lại Đông Dương của thực dân Pháp đã bộc lộ từ khá sớm. Ngày 8/12/1943, trong một bài diễn văn, tướng De Gaulle lúc này đang lưu vong ở Algiers (Algeria) đã công khai bộc lộ rõ ý đồ này. Ngày 24/3/1945, chỉ mấy ngày sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp, De Gaulle tung ra bản Tuyên bố về vấn đề Đông Dương, trong đó công khai nói rõ ý đồ của Pháp là lập lại ách thống trị thực dân trên toàn cõi Đông Dương như trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Có thể nói, tham vọng khôi phục sự hiện diện chế độ Toàn quyền trên bán đảo Đông Dương là sợi chỉ xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách của giới cầm quyền Paris với Việt Nam, Lào và Campuchia, và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tàn khốc kéo dài chín năm.

Trong lịch sử thế giới có lẽ không có một dân tộc nào lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt và phải chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh nên hơn ai hết nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Bởi vậy, trước âm mưu "quay trở lại" Đông Dương của thực dân Pháp, Trung ương Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sử dụng mọi phương cách, bằng mọi sự nỗ lực tranh thủ gạn chắt, tìm kiếm cơ hội hòa bình, ngăn chặn chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên, mọi thiện chí hòa giải của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như lãnh tụ Hồ Chí Minh đều bị nhà cầm quyền Pháp cố tình lảng tránh và khước từ. Điều này đã đẩy nhân dân Việt Nam vào tình thế buộc phải cầm súng chiến đấu mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì "chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!"

Ngay từ những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, thông qua Bộ Tư lệnh Mỹ ở Hoa Nam, nhân danh Tổng bộ Việt Minh, Hồ Chí Minh đã gửi cho phái đoàn Pháp bên cạnh Đồng Minh một đề nghị năm điểm chủ động đề xuất phương sách hòa giải mối quan hệ Việt-Pháp. Tuy nhiên đề nghị đó đã rơi vào im lặng. Cả Anh và Mỹ lúc này đều "làm ngơ" trước việc Pháp đẩy mạnh nỗ lực "giành lại bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa". Kiên trì với tinh thần hòa giải, ngay sau khi thành lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội để tiếp xúc với phía Pháp, từ những cuộc gặp tay đôi giữa Trần Văn Giàu với Jean Cédile ở Sài Gòn, Võ Nguyên Giáp với Jean Sainteny ở Hà Nội, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều chính khách và ký giả nổi tiếng... cho đến các cuộc đàm phán sơ bộ ở Hà Nội, hội nghị trù bị ở Đà Lạt, rồi hội nghị chính thức ở Fontainebleau... Tất cả chỉ với mong muốn tìm được tiếng nói chung, cải thiện mối quan hệ bang giao Việt-Pháp và ngăn chặn một cuộc chiến toàn cục. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí đó là sự quay lưng lạnh lùng, là sự bộc lộ ngày càng trắng trợn lập trường thực dân ngoan cố của Pháp. Chỉ tính từ sau ngày Nam Bộ kháng chiến đến ngày Toàn quốc kháng chiến đã có tới 20 thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi đến Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ, chính phủ các nước Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh... cùng nhiều thông điệp gửi cho Quốc hội, Chính phủ Pháp và một số nhân vật có trách nhiệm trực tiếp giải quyết mối bang giao Việt-Pháp. Nội dung chủ yếu hàm chứa trong các thư, điện đó chuyển tải thông điệp hòa giải, thiện chí hòa bình và những nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam nhằm ngăn chặn chiến tranh xảy ra. Điều đáng nói là trong số các bức thư, điện của Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho phía Pháp, có cái không được hồi âm, có cái thì bị những kẻ hiếu chiến cực hữu đang điều hành cỗ máy chiến tranh ở Sài Gòn như E.Valluy, D’Argenlieu... cố tình "giấu nhẹm" hoặc chuyển đi muộn nhằm đặt Chính phủ ở Paris vào sự đã rồi.

Quá trình phớt lờ những nỗ lực hòa giải, vãn hồi hòa bình của phía Việt Nam cũng là quá trình phía Pháp liên tục vi phạm những điều đã cam kết và gia tăng các hoạt động quân sự tại nhiều địa bàn quan trọng của Việt Nam. Lợi dụng lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lên đường sang thăm nước Pháp, ngày 1/6/1946, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn đã cho lập ra cái gọi là Chính phủ Cộng hòa Nam kỳ tự trị. Ngày 21/6, chúng cho quân đánh chiếm Tây Nguyên để lập "Xứ Tây kỳ tự trị". Ngày 1/8 tại Đà Lạt, D’Argenlieu ngang nhiên triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương gồm đại biểu của Nam kỳ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia và quan sát viên của Nam Trung kỳ. Đây là hành động sai trái, vi phạm trắng trợn thỏa thuận của Hiệp định Sơ bộ, bất chấp Hội nghị Fontainebleau đang diễn ra. Ở phía bắc, thực dân Pháp tập hợp các phần tử tay sai phản động, ráo riết xúc tiến lập "xứ Nùng tự trị", đem quân chiếm Phủ toàn quyền và nhiều công sở khác ở Hà Nội. Táo tợn hơn, chúng còn âm mưu làm đảo chính ngay tại Thủ đô Hà Nội. Trong khi cuộc đàm phán ở Fontainebleau đang lâm vào bế tắc thì những người cầm đầu đạo quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam không ngừng lớn tiếng phản đối mọi cuộc thương thuyết và hô hào chiến tranh; thậm chí tướng E.Valluy còn công khai tuyên bố "sẵn sàng đánh ngay".

Sau gần hai tháng (từ ngày 6/7 đến 7/9), cánh cửa lâu đài Fontainebleau khép lại mà không đạt được kết quả gì. Để cứu vãn tình thế, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Moutet-đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước. Với mong muốn gạn chắt những cơ hội hòa bình cuối cùng, cho dù là mong manh, với bản Tạm ước 14/9, cực chẳng đã, Việt Nam đã phải chấp nhận một số nhân nhượng mà nói như ý Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Tạm ước là sự nhân nhượng cuối cùng, nhân nhượng nữa là hóa thành bù nhìn.

Lời sám hối muộn mằn

Từ khi bản Tạm ước 14/9 được ký ở Paris cho đến ngày 18/12/1946 là quãng thời gian dã tâm phá hoại đàm phán và hành động gây chiến của đạo quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam ngày càng trắng trợn. Ngày 20/11, quân Pháp gây ra "Sự kiện Hải Phòng", rồi tiếp đó là "Sự kiện Lạng Sơn". Ngày 7/12/1946, Cao ủy D’Argenlieu tuyên bố: "Đã đến lúc giải quyết thời cuộc bằng quân sự. Quân đội Pháp sẵn sàng hành động" (2). Ngày 16/12, Tổng Chỉ huy Valluy từ Sài Gòn bay ra Hải Phòng triệu tập Morlière, Jean Sainteny... phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực bắc vĩ tuyến 16. Liên tiếp trong các ngày 17 và 18/12/1946, quân Pháp gây ra các vụ tàn sát đẫm máu ở Hàng Bún, Yên Ninh, gia tăng các vụ khiêu khích, đồng thời ngang nhiên đánh chiếm nhiều công sở và địa bàn trọng yếu tại Hà Nội. Trắng trợn hơn, chúng còn đòi giành quyền kiểm soát an ninh, trật tự tại
Hà Nội...

Thực tế diễn ra cả ở trên chiến trường và cả trên bàn đàm phán trong suốt 16 tháng, kể từ ngày 23/9/1945 đến ngày 19/12/1946 cho thấy mọi khả năng hòa hoãn ngày càng trở nên mong manh và xa vời. Đỉnh điểm của hành động đẩy xung đột thành một cuộc chiến toàn cục là bức tối hậu thư của Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội đòi tước vũ khí của Tự vệ Thủ đô và đòi quyền quản lý Hà Nội; đồng thời tuyên bố một cách láo xược rằng nếu không được đáp ứng, chúng sẽ "tự do hành động" vào ngày 20/12.

Trước tình hình đó, ngày 18/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô toàn quốc; đồng thời thông qua Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến và Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Sáng 20/12, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.

Phải mất 20 năm sau đó, trong một bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh (8/2/1966), cựu Tổng thống Pháp De Gaulle mới nhận ra rằng: trải qua một thời gian dài nước Pháp đã đi sai nước cờ, và tỏ ý lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra trong quan hệ với Việt Nam hồi đó- Một sự sám hối muộn mằn, song dẫu sao cũng là một sự thừa nhận sự thật lịch sử.

(1) Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt Nam. Nxb QĐND.H.1983. Tr.59.

(2) Việt Nam thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (1945-1954)-Những sự kiện. Nxb VHTT.H.1997.Tr.102.