Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021)

Nước Pháp in đậm dấu chân Người

Cách đây đúng 110 năm, vào ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Văn Ba, đã rời Tổ quốc trên con tàu Ðô đốc Latouche-Tréville ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.

Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc tham dự Ðại hội lần thứ 18 Ðảng Xã hội Pháp ở TP Tours (từ ngày 25 đến 30-12-1920) với tư cách đại biểu Ðông Dương. Ảnh tư liệu TTXVN
Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc tham dự Ðại hội lần thứ 18 Ðảng Xã hội Pháp ở TP Tours (từ ngày 25 đến 30-12-1920) với tư cách đại biểu Ðông Dương. Ảnh tư liệu TTXVN

Sau một tháng vượt biển tàu Ðô đốc Latouche-Tréville đến cảng Marseille miền nam nước Pháp để bốc dỡ hàng, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp, sau đó tàu tiếp tục hành trình đến cảng Le Havre phía đông bắc nước Pháp vào ngày 15-7-1911. Tại đây Người xin làm vườn cho gia đình ông chủ hãng Năm Sao ở thị trấn Sainte-Adresse, ngôi nhà chỉ cách bờ biển khoảng 300 m, ở ngoại ô thành phố Le Havre. Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp đang tiến hành các thủ tục đề nghị chính quyền địa phương gắn biển di tích tại bến cảng cổ ở TP Marseille.

Nhớ về những kỷ niệm xưa, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại thành phố Marseille, chia sẻ: "Tôi tự hào được sống tại thành phố Marseille, nơi những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Pháp, trong đó có Bác Hồ kính yêu". Theo dòng hồi tưởng của ông Quân, trong những năm đất nước bị chiến tranh, Chi hội Marseille là một trong những Chi hội mạnh nhất trong số các chi hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp, tổ chức nhiều hoạt động như mít-tinh biểu tình, vận động nhân dân sở tại, bạn bè quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, vận động hội viên và bạn bè Pháp ủng hộ kháng chiến và đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ, phục vụ cho hai phái đoàn của ta sang đàm phán Hiệp định Paris. Tại Pháp, cộng đồng người Việt nằm trong số những cộng đồng người châu Á đông nhất trong khu vực và có hình ảnh tích cực trong mắt người bản địa, có tiếng là hòa nhập tốt, thành công trong học hành và làm ăn lương thiện.

Có thể nói, nước Pháp là nơi chứng kiến bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Trong thời gian hoạt động gần bảy năm ở đây, Bác từng ở nhiều thành phố nhưng chủ yếu Người sống và hoạt động ở Thủ đô Paris. Pháp cũng là nơi có khoảng 45 địa điểm di tích, nhiều tài liệu, hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 đến 1927, trong đó nổi bật là ngôi nhà số 9 ngõ Conpoint ở quận 17, Thủ đô Paris. Vật đổi sao dời, sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, đã có nhiều thay đổi ở ngôi nhà số 9 này… Một tòa chung cư năm tầng mới mọc lên, trước cửa có gắn tấm biển đồng di tích nhắc nhớ dấu ấn lịch sử. Những kỷ vật còn lại về Người đã được chuyển đến trưng bày tại Không gian Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Lịch sử sống trong Công viên Montreau, TP Montreuil, ngoại ô Thủ đô Paris...

PARIS không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Pháp mà còn của cả châu Âu khi đó. Và ở đây, từ ngõ nhỏ, phố lớn, thư viện, bảo tàng... nơi nào cũng in dấu chân Người tìm đến để thâm nhập đời sống, để học tập, lên kế hoạch hoạt động cách mạng.

 Nước Pháp in đậm dấu chân Người -0
Ðặt hoa trước tượng Bác tại Công viên Montreau.

Nhà sử học Alain Ruscio, người đã nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm và xuất bản ba cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp, nhìn nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại diện cho sự kết hợp giữa đấu tranh cho việc giải phóng nhân loại với đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc kết hợp hai chủ đề lớn này trong tư tưởng, trong cuộc đời đấu tranh của ông là vô cùng quan trọng.

Tại Paris, Nguyễn Tất Thành đã chuyển rất nhiều nơi ở, từ nhà số 10, phố Stokholm đến nhà số 56 phố Monsieur le Prince rồi đến nhà số 6, phố Villa des Gobelins, quận 13, Paris ở cùng nơi với ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh cũng như nhiều nơi khác nữa...

Tháng 6-1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Nhóm người An Nam yêu nước (Hội Người Việt Nam tại Pháp ngày nay) đã gửi bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị Hòa bình Quốc tế ở Versailles đang trong quá trình kết thúc đàm phán.

Từ tháng 7-1921 đến 3-1923, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến thuê căn phòng 9 m2, nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, Paris. Tại đây Nguyễn Ái Quốc có cuộc sống rất khó khăn, phải đi làm thuê tại một hiệu ảnh, chi tiêu tằn tiện, ăn uống kham khổ. Trong thời gian sống ở đây Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động tích cực trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp và tham dự nhiều cuộc họp quan trọng Ðại hội đại biểu Ðảng Cộng sản Pháp lần thứ nhất (1921), lần thứ hai (1922)... Cũng tại đây, Người đã viết nhiều bài báo, truyện ngắn, kịch tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản nói chung và thực dân Pháp nói riêng đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo), báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, báo Ðời sống công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp... Ðặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản lần đầu tại Paris năm 1925). Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa.

 Nước Pháp in đậm dấu chân Người -0
Các báo Pháp đưa tin về Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Công (Trung Quốc) năm 1931.  

Nhà sử học Alain Ruscio cho biết: "Chính thời điểm mà các cơ quan mật vụ Pháp bắt đầu quan tâm đến Nguyễn Ái Quốc là khi ông gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Trước đó, Nguyễn Ái Quốc là một người Việt Nam giống bao người khác, ông vẫn chưa được nhiều người biết đến vì vẫn còn rất trẻ so với những nhân vật người Việt yêu nước khác.

Nhưng khi gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles, ông lập tức trở thành mục tiêu theo dõi chặt chẽ của mật vụ Pháp. Phải nói rằng các mật vụ Pháp đã hoạt động hiệu quả, các nhà sử học sau này tìm được rất nhiều thông tin về Nguyễn Ái Quốc nhờ các báo cáo của cảnh sát Pháp".

Trong một báo cáo điều tra ngày 30-1-1920 về tuyên truyền tại các trung tâm của người Việt Nam ở Paris của phong trào đòi độc lập của Ðông Dương, mật thám Pháp kết luận rằng, linh hồn của phong trào không phải ai khác ngoài ông Nguyễn Ái Quốc, Tổng Thư ký của "Nhóm những người Việt Nam yêu nước".

Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc là một trong những đảng viên sáng lập khi Ðảng Cộng sản Pháp tổ chức đại hội tại thành phố Tours, đồng thời trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Theo ông Alain Ruscio, ngay từ trước Ðại hội Tours, Nguyễn Ái Quốc đã quen thân rất nhiều nhân vật có tiếng, từ những người vẫn thuộc đảng Xã hội lẫn những người sau này thuộc Ðảng Cộng sản Pháp. Chẳng hạn Nguyễn Ái Quốc rất thân thiết với Jean Longuet, cháu ngoại của Karl Marx và là Tổng Biên tập tạp chí Dân chúng (Le Populaire) của đảng Xã hội. Nguyễn Ái Quốc cũng rất thân thiết với Marchel Cachin (1869-1958), Tổng Biên tập báo Nhân đạo, người ngay từ đầu đã nhận xét là Nguyễn Ái Quốc "cực kỳ thông minh và nhiệt huyết". Marchel Cachin là người tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp năm 1920 cùng với Nguyễn Ái Quốc. Trước đó, hai người gặp nhau trong một cuộc mít-tinh ở Paris. Tài diễn thuyết của Marchel Cachin đã thu hút Nguyễn Ái Quốc và sau đó hai người trở thành bạn thân thiết cùng chung lý tưởng. Nhưng người quan trọng nhất với Nguyễn Ái Quốc trong số những đồng chí Pháp là Paul-Vaillant Couturier (1892-1937). Ông là nhà văn, một trong những người sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp, chủ nhiệm báo Nhân đạo. Ông là người giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Ðảng Xã hội Pháp năm 1919 và nhiệt tình giúp đỡ Người hoạt động chính trị cũng như trong cuộc sống. Paul Vaillant Couturier là người cộng sản Pháp đầu tiên thật sự quan tâm đến vấn đề thuộc địa. Thời đó không có nhiều người quan tâm vấn đề này.

Nhà sử học Pháp Alain Ruscio thường trò chuyện với nhà báo Madeleine Riffaud, nhà sử học Charles Fourniau, ông Raymond Aubrac, những người rất thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đều nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người chân thành, khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống đời thường lẫn trong các mối quan hệ, nhất là với người Pháp.

Quá trình hình thành của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trước và sau năm 1919 cho thấy, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp được thành lập sớm nhất, trực tiếp do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức, rèn luyện.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thanh Tòng nói: "Tôi cũng như những kiều bào Việt Nam tại Pháp khác qua nhiều thế hệ vẫn luôn hướng về Tổ quốc và tự hỏi mình đã cống hiến được gì cho đất nước. Với tình yêu dành cho Hồ Chủ tịch, chúng tôi luôn lưu giữ hình ảnh Bác trong trái tim. Chúng tôi nhớ đến những lời khuyên bảo của Bác đối với các anh chị thế hệ đi trước, trong đó có bức thư Bác gửi bà con kiều bào Pháp năm 1946, sau hội nghị Fontainebleau, nhắn nhủ: "Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào:

1 - Phải triệt để đoàn kết,

2 - Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc,

3 - Thực hành khẩu hiệu Ðời Sống Mới: Cần, Kiệm, Liêm, Chính,

4 - Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới"…

Nhìn lại hành trình của Nguyễn Ái Quốc từ thời điểm những ngày đầu đặt chân đến nước Pháp, chúng ta càng thêm khâm phục ý chí mãnh liệt giành độc lập tự do cho dân tộc không gì lay chuyển, nhãn quan chính trị sáng suốt của Người. Lựa chọn nước Pháp là điểm đến đầu tiên, có lẽ cũng nằm trong dự liệu của Người: tìm hiểu đất nước đang có những kẻ áp bức, chiếm đóng nước mình. Trên cơ sở đó, Người tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam là "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội".

ÐÌNH TUẤN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp