Bản sắc

“Thiên đường” biển xanh Coron

“Anh và gia đình dạo này thế nào? Tôi chưa quên lời hứa quay trở lại đâu, nhưng Covid-19 khiến mọi kế hoạch chậm lại, anh biết đấy...”, tôi nhắn tin qua mạng cho Romel Mazo, người chủ nhà dễ mến tôi gặp ở Coron, tỉnh Palawan, Philippines mấy năm trước. Thật mừng khi anh trả lời họ vẫn ổn, dù homestay ở làng chài kề biển của họ phải tạm thời ngừng hoạt động. Tôi lại nao lòng nhớ về những ngày tháng 5 ngập nắng ở một nơi mà đại dương đẹp đẽ, sống động đến mê hồn cả trên và dưới mặt nước.

Du khách từ khắp thế giới đến với Coron để trải nghiệm biển, đảo tuyệt đẹp.
Du khách từ khắp thế giới đến với Coron để trải nghiệm biển, đảo tuyệt đẹp.

Bay như chim, bơi như cá

Philippines là nước ở ngay Đông Nam Á, nhưng từ Hà Nội đi Coron rồi trở về, tôi đã có tận... 6 lần bay. Phải 3 chuyến bay và một lần quá cảnh mới đến được sân bay Francisco B. Reyes trên đảo Busuanga - nơi có thị trấn Coron hoang sơ, thơ mộng, thường xuyên có tên trong “top” những khu vực lặn biển tuyệt vời nhất thế giới. Coron nằm ở phía bắc quần đảo Palawan, cách thủ đô Manila khoảng 170 hải lý (310km). Đất nước với hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ này còn có loại phương tiện phổ biến là tàu biển.

Mặc dù cơ sở hạ tầng du lịch còn sơ khai, nhưng Coron ghi dấu ấn bởi sự sạch sẽ, trong lành và cảnh thiên nhiên vô cùng ngoạn mục. Tất nhiên, không thể không nhắc đến sự thân thiện, cởi mở của cư dân xứ đảo. Họ gợi tôi nhớ đến người dân nhiều vùng biển nước mình, cũng làn da nâu tươi màu nắng gió, cũng chân chất và niềm nở, có khác chăng là người Philippines nói tiếng Anh nhiều hơn mà thôi. 

Ngư dân Romel Mazo và vợ anh, Vilma, sửa sang một dãy nhà gỗ trong làng rồi bán phòng trên nền tảng Airbnb. “Chỗ chúng tôi không có máy lạnh, nhưng quý khách sẽ ở cách biển chỉ 5 mét thôi. Cho mượn xe máy miễn phí nếu bạn biết lái” - lời giới thiệu thật “dễ thương” khiến tôi đã bấm chọn nhà anh thay vì các khách sạn đầy đủ tiện nghi khác.

Một tuần ở Coron, tôi và bạn đồng hành - cũng như hầu hết các du khách đến đây, dành phần lớn thời gian đắm mình trong nước. Chúng tôi đi tour đến những thắng cảnh nổi bật của Coron như bãi biển Banol, Atwayan, Sunset... Biển xanh ngắt, trong veo, đến nỗi những chiếc “bangka” (tàu gỗ hai càng đặc trưng của Philippines) trông như đang bay lơ lửng giữa không trung. Green Lagoon, Twin Lagoon... thì có những vùng nước trông như một bảng màu của tự nhiên, với hàng chục sắc độ xanh đậm nhạt nối nhau tít tắp đến chân trời. 

“Thiên đường” biển xanh Coron -0
Siete Pecados - điểm lặn ngắm những rạn san hô nhiệt đới đủ mầu. 

Ở Twin Lagoon, chúng tôi có một trải nghiệm hiếm có là bơi qua nơi giao thoa hai dòng biển nóng và lạnh. Cảm giác ấm áp và mát rượi chỉ cách nhau một chút thôi, rất thú vị. Còn Siete Pecados, có nghĩa là “trang web cá” dịch theo nghĩa đen, chính là nơi có thể đến gần nhất với thế giới đại dương, nơi có muôn hồng ngàn tía san hô và hàng trăm đàn cá nhiệt đới sặc sỡ đủ loại. Dưới làn nước xanh biếc, dù mở mắt thật to mà vẫn ngỡ đang mơ. Bơi, snorkeling (lặn với ống thở), diving (lặn với bình dưỡng khí), chèo thuyền kayak... dành cả ngày ở đây cũng không chán.

Trong một tour khác, chúng tôi khám phá hai hồ nước đặc biệt của Coron. Đầu tiên là hồ Kayangan với 30% nước mặn pha 70% nước ngọt, mệnh danh “nơi được chụp ảnh nhiều nhất Coron”. Men theo bậc thang gỗ cheo leo neo vào vách núi, chúng tôi trèo lên đài quan sát và... xếp hàng cùng một đám đông khách du lịch chờ đến lượt mình “check-in”. Không hổ danh là điểm đến mang tính biểu tượng, hồ nước lợ này không chỉ đẹp ở mầu nước ngọc bích mà cả vô số đảo đá vôi nhiều kích cỡ đan xen nhau, có đôi nét tương đồng với vịnh Hạ Long của Việt Nam. 

Ngay đến bãi neo đậu thuyền bangka cũng thơ mộng, rất ít dấu vết của bê-tông hoặc máy móc, động cơ. Ở hồ Kayangan, du khách bắt buộc phải mặc áo phao dù có biết bơi đi nữa. Chính quyền nơi đây đưa ra quy định này bởi lòng hồ rất sâu và dưới mặt nước có nhiều mỏm đá sắc đã từng gây nguy hiểm cho con người. Đến hồ Barracuda cũng vậy, hoặc bạn phải có chứng chỉ lặn biển kèm đầy đủ thiết bị lặn, hoặc luôn mặc áo phao khi bơi.

Ngày nào cũng đi biển, rồi hồ, nhưng Coron vẫn còn một “báu vật” nữa khiến chúng tôi phải trầm trồ: suối nước nóng Maquinit. Nằm trong một khu rừng ngập mặn, Maquinit là một trong số rất ít nguồn nước nóng mặn tự nhiên của thế giới. Dòng nước gần 400 C giàu khoáng chất được yêu thích nhờ khả năng thư giãn, tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngâm mình trong hồ nước nóng vào lúc nhá nhem tối là một trải nghiệm không nên bỏ qua, nhất là vào những đêm đầy sao.

Điểm đến hấp dẫn bất chấp thiên tai

Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Philippines là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng của thiên tai nặng nề nhất hành tinh, gồm động đất, sóng thần, lũ lụt và khoảng 20 cơn bão mỗi năm - theo một thống kê chính thức. Ở những thành phố lớn như Manila, Quezon, Cebu... nhà cao tầng khá thưa thớt. 

Làng chài nhỏ của anh bạn Romel ở Coron trông nhỏ xíu và xơ xác hẳn cũng vì vậy. Romel bảo qua mỗi trận cuồng phong là có khi phải dựng lại nhà, nên họ chỉ làm nhà vừa đủ ở. Biển Philippines mùa mưa bão (cao điểm từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm) cực kỳ dữ dội và hạn chế đánh bắt cá hay hoạt động du lịch. Nhưng tôi đã đến vào đầu hè và được tận hưởng thái cực khác: một vùng biển xanh ngút ngàn, đẹp dịu dàng và rực rỡ.

“Thiên đường” biển xanh Coron -0
Bãi neo tàu ở cạnh hồ Kayangan - hình ảnh biểu tượng của du lịch Coron.  

Tài nguyên biển, đảo và đa dạng sinh học ở xứ nghìn đảo này là lời mời gọi khó cưỡng với du khách quốc tế, vượt lên bất lợi của vị trí “rốn bão”. Những bãi cát trắng mịn, nước biển trong veo... nhiều không đếm xuể. Rùa biển bơi tà tà, cá quây quần từng đàn khổng lồ sát mép nước. Tàu bangka cứ chạy một lúc lại thấy một bãi biển đẹp, có cảm tưởng số lượng khách đến đây nếu tăng thêm chục lần thì cũng không thể tràn ngập hết. Suốt chuyến đi không hề thấy một mẩu rác trên biển khiến tôi chú ý quan sát cách người dân gìn giữ môi trường. 

Tại nhiều điểm du lịch, người ta thu phí vệ sinh 100 hoặc 200 peso (khoảng 45-90 nghìn đồng tiền Việt) để chi trả quỹ của các dịch vụ dọn rác, cải tạo, bảo tồn cảnh quan và sinh vật biển. Khi đi tour, các bữa ăn trên tàu hoặc trên bãi biển thường được bày trên lá chuối, hạn chế tối đa hộp xốp hoặc bát đĩa nhựa dùng một lần...

Còn người Philippines, không ít phụ nữ tôi gặp ở một thị trấn nho nhỏ như Coron là con lai với nét đẹp pha trộn. Nhưng hầu hết người Philippines, kể cả các thiếu nữ nhỏ nhắn, da nâu, “thuần” châu Á, thì cũng đều có phong thái tự tin và nói tiếng Anh lưu loát. Đặc điểm địa lý cùng lịch sử từng bị phương Tây đô hộ hàng trăm năm khiến Philippines trở thành nơi hội tụ và giao thoa rõ nét nhiều nền văn hóa. Quốc gia này khác biệt các nước Đông Nam Á khác, với hơn 90% dân số theo Thiên chúa giáo, hay những cái tên và họ đậm chất Tây Ban Nha hoặc Mỹ, âm nhạc bắt tai, những lễ hội vui vẻ muôn màu kéo dài hàng tháng...

Ẩm thực Philippines cũng là sự kết hợp của nguyên liệu bản địa với phong cách Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, lẫn Âu-Mỹ. Ở Coron, tôi có cơ hội nếm thử Tamilok, đặc sản chỉ riêng Philippines có và được du khách bình chọn là “kinh dị” bậc nhất, bởi đó chính là những con sâu gỗ sống trong các thân cây mục nát trên những vùng đầm, phá ngập mặn. 

Chúng giàu dinh dưỡng và quen thuộc với cư dân bản xứ nhưng vì hình dáng nhuyễn thể nên không phải người ngoại quốc nào cũng dám ăn. Còn với những ai đủ can đảm thưởng thức, Tamilok có hương vị tương tự món hàu, nhưng ngọt hơn, tanh hơn và phảng phất hương gỗ.

Chưa nổi danh như Boracay hay El Nido, nhưng khu vực này cũng đang dần sôi động khi du khách bụi, Tây-ta ba-lô tìm đến ngày càng nhiều. Dù sao, thị trấn nhỏ ở Palawan này vẫn luôn xứng danh “thiên đường” đối với những tâm hồn yêu biển cả.