Truyền hình thể thao trong kỷ nguyên mới

Thời điểm internet len lỏi tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, truyền thông thế giới và ngành truyền hình đã nổ ra một cuộc cách mạng toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao.

Công nghệ và điện thoại thông minh đã hỗ trợ đắc lực cho người xem truyền hình.
Công nghệ và điện thoại thông minh đã hỗ trợ đắc lực cho người xem truyền hình.

Cuộc đấu hàng trăm triệu USD

Cách đây 20 năm, khán giả Việt Nam chủ yếu theo dõi nhiều giải đấu thể thao lớn trên thế giới qua kênh sóng của các đài truyền hình. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đơn cử việc xem bóng đá đã không còn bất khả thi nếu thiếu đi chiếc TV. Chỉ cần có smartphone hay thiết bị điện tử kết nối internet, chúng ta có vô vàn hình thức truy cập mới, kênh tương tác mới và dĩ nhiên là các sản phẩm truyền hình thể thao mới. Các đài truyền hình đều có ứng dụng xem thể thao trên điện thoại, chỉ cần tải và đăng ký gói thuê bao, người sử dụng có thể xem bóng đá ở bất cứ đâu, trên vỉa hè hay trong quán cà-phê, tại bất cứ thời điểm nào với hàng nghìn lựa chọn hấp dẫn.

Khi nhu cầu về nội dung bùng nổ mỗi ngày, ngoài các chương trình truyền hình thể thao, nhiều chuyên mục đồng hành và cầu nối được thiết lập, nhằm khai thác nhiều khía cạnh khác nhau chung quanh các sự kiện, giúp người dùng có thêm trải nghiệm phong phú. Lúc này, câu chuyện bản quyền các giải đấu lớn nổi lên như yếu tố tiên quyết để sản xuất nội dung thể thao.

Trước năm 2010, bản quyền thể thao là cuộc đua nội bộ của các đài truyền hình lớn như VTV, VTC, K+, VTVCab... Hiện tại, bản quyền đã và đang trở thành mục tiêu sở hữu của nhiều tổ chức, trong đó có cả các doanh nghiệp truyền thông. Đó là cuộc chiến trị giá hàng trăm triệu USD và vẫn tăng không ngừng.

Năm 2019, Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình Thế hệ mới - Next Media sở hữu bản quyền phát sóng Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2020, V-League và Bundesliga. Truyền hình FPT cũng nhanh chóng sở hữu gói bản quyền phát sóng trọn vẹn vòng loại thứ ba World Cup 2022 - với sự góp mặt lần đầu của đội tuyển Việt Nam.

"Cuộc chơi bản quyền hấp dẫn và thu hút nhiều bên tham gia, bởi các đơn vị truyền thông, truyền hình và các nhãn hàng nhận ra cơ hội làm hình ảnh, kiếm tiền thông qua các chương trình thể thao ngày một tăng lên. Các doanh nghiệp hiểu rằng thể thao là cầu nối kéo khán giả đến với họ. Đặt bộ nhận diện của mình thông qua thể thao là cách để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, gửi gắm thông điệp và thu hút khách hàng", ông Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Marketing Công ty Next Media lý giải về sức hút của bản quyền thể thao.

Xu hướng "cộng sinh"

Tuy nhiên, sở hữu bản quyền chỉ là điều kiện cần để chiếm lĩnh thị trường. Để bán sản phẩm, lôi kéo sự chú ý của khán giả, điều kiện đủ là các đơn vị truyền hình phải cải tiến nội dung, đa dạng hình thức truyền tải và hiểu nhu cầu công chúng.

Người dùng bây giờ không còn tiếp nhận thông tin thụ động, mà muốn trải nghiệm nội dung thể thao và chia sẻ các trải nghiệm với nhà sản xuất, với những người dùng khác về các vấn đề mà họ quan tâm. Công chúng cũng muốn tự sản xuất và chia sẻ nội dung, nhờ vậy rất nhiều sản phẩm chỉn chu và thu hút không kém so với nhà sản xuất chuyên nghiệp được tạo ra trên mạng xã hội bởi chính người dùng.

Tháng 6 vừa qua, Next Media phát sóng trực tiếp ba trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2022 trên YouTube, đạt 1,5 đến 2 triệu lượt theo dõi cùng lúc. Dù trận đấu cũng được phát trên truyền hình, nhưng nhiều người lựa chọn xem YouTube bởi cơ hội tương tác với những khán giả khác. Đây là trải nghiệm truyền hình truyền thống không thể mang lại.

Các đài truyền hình, doanh nghiệp truyền thông đang nỗ lực chạy đua để trở thành lựa chọn hàng đầu của khán giả trẻ. Ngoài phát sóng trực tiếp các giải đấu thể thao, VTV, Next Media còn sản xuất nội dung bằng nhiều hình thức hấp dẫn trên Facebook, YouTube, TikTok để thu hút khán giả và tạo ra nguồn thu chủ động.

Hiện kênh Next Sports của Công ty Next Media có 1,52 triệu lượt theo dõi trên YouTube. Con số của Kplus Sport là 1,3 triệu lượt. Ngày càng có nhiều đài truyền hình "bắt tay" với YouTube như: VTV digital (5/2014), Truyền hình Vĩnh Long (11/2014), Kênh ANTV (6/2015),... cho thấy xu hướng "cộng sinh" tất yếu giữa truyền hình và mạng xã hội.

"Doanh nghiệp cần thay đổi, sáng tạo trong việc sản xuất nội dung, nắm bắt, thích ứng nhanh với xu hướng để duy trì vị thế trong cuộc đua với những đối thủ cùng ngành. Khai thác những giải đấu độc quyền sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp triển khai những chiến dịch hiệu quả, tạo ra dấu ấn trên thị trường", ông Tuấn Tùng phân tích.

Truyền hình thể thao trong kỷ nguyên mới đang có bệ phóng phù hợp để đa dạng hóa nội dung và tiếp cận công chúng ở khoảng cách gần hơn bao giờ hết. Nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, các đài truyền hình hay công ty truyền thông phải liên tục sáng tạo, thay đổi, làm mới mình và quan trọng nhất là hiểu được khán giả để cung cấp cho họ những sản phẩm tuyệt vời nhất.

Theo thống kê của Nielsen Sports Digital Analysis, các nội dung về thể thao tạo ra sự gắn kết với thương hiệu của khán giả nhiều hơn 63% các nội dung khác trên các mạng xã hội.