Thế giới, mùa giáp hạt

Khi nước lũ tàn phá nông nghiệp ở Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực ở đất nước 1,4 tỷ dân ấy, nhu cầu hồi sinh thỏa thuận mang tên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen lại càng trở nên bức thiết đối với toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00

NHỮNG trận mưa xối xả đến theo bão Doksuri từ cuối tháng 7 đã tàn phá miền bắc Trung Quốc.

Theo CNN, đến ngày 8/8, đã có hơn một triệu người dân phải sơ tán, và ít nhất 30 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, mực nước những con sông lớn ở miền bắc Trung Quốc đều dâng tràn bờ, nhấn chìm những cánh đồng, phá hủy các nhà kính trồng rau, và làm hư hại các nhà máy chế biến nông sản. Trên toàn tỉnh Hắc Long Giang, như chính quyền cho biết, 25 con sông đã vượt mức cảnh báo, và có nguy cơ vỡ bờ.

Từ đầu tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã cảnh báo rằng những trận mưa lớn do bão Khanun và bão Doksuri sẽ gây ra tác động nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc. Cả ba tỉnh đông bắc (Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh) lẫn tỉnh Hà Nam, những vựa lúa quan trọng của Trung Quốc, đều đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết cực đoan.

Và do đó, bảo đảm an ninh lương thực cũng đã trở thành một thách thức không nhỏ.

TỪ cuối tháng 7, một quốc gia 1,4 tỷ dân khác là Ấn Độ (cũng là nước chiếm tới 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu) đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhằm bình ổn giá gạo trong nước. Hệ lụy tiếp nối là một cơn sốt giá gạo trên thị trường thế giới, cũng như việc một số quốc gia khác như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay chính nước Nga cũng theo chân Ấn Độ, cấm xuất khẩu gạo.

Tất cả những diễn biến này, đặt cạnh nhau, lại càng khiến nỗ lực cứu trợ cho những điểm nóng nhân đạo (Yemen, Sudan, vùng Sừng châu Phi…) thêm khó khăn. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cũng vì thế, đã buộc phải tuyên bố tạm dừng hoặc cắt giảm quy mô hoạt động, ở không ít phái bộ.

Bên cạnh việc ngân sách quốc tế dành cho viện trợ nhân đạo ngày càng eo hẹp, chuyện dùng số tiền ấy để đi mua lương thực tại những nguồn nào cũng là một thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Nga đình chỉ tham gia thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, tình trạng phong tỏa Biển Đen, cũng như những cuộc tập kích vào các cảng và kho chứa ngũ cốc của Ukraine.

Do đó, cũng không phải ngẫu nhiên, cả Liên hợp quốc lẫn Ấn Độ, Trung Quốc đều vẫn đang kêu gọi hồi sinh thỏa thuận có vai trò quan trọng trong việc ổn định tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu ấy.

NGÀY 7/8/2023, trang Hellenic Shipping News Worldwide hé lộ: "Trung Quốc, một trong những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Nga, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đất nước 1,4 tỷ dân, thật ra, cũng là nước nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu từ Ukraine, thông qua Sáng kiến Biển Đen". Ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, Trung Quốc "hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn và gặp nhau ở trung gian", nhằm lập tức nối lại xuất khẩu nông sản của Ukraine cũng như các sản phẩm phân bón của Nga, trong cuộc họp ngày 5/8.

Và trước đó, ngày 3/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố: Nước Mỹ "sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết, để bảo đảm rằng các bên có thể xuất khẩu thực phẩm cũng như sản phẩm thực phẩm của họ một cách tự do và an toàn, trong đó có cả Nga", bởi "Chúng tôi muốn thấy các loại thực phẩm đó xuất hiện trên thị trường thế giới. Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ giá thấp hơn".

Rõ ràng, đó có thể xem là một động thái "để ngỏ cửa", nhằm chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo, trong việc đáp ứng các yêu cầu mà Moscow đề ra, về quyền lợi chính đáng của nước Nga, nhằm thuyết phục Điện Kremlin thay đổi quan điểm.

Và cũng rõ ràng, nếu có thể hồi sinh Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, những nỗi ám ảnh về nạn đói có thể tạm thời được đẩy lùi, trong "những ngày giáp hạt" này của nhân loại.

Chưa ai quên, ngay lần đầu được thực thi, thỏa thuận ấy đã giúp giảm tới 23% giá lương thực toàn cầu (so mức cao nhất), sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền đông Ukraine bùng nổ.